Tín hiệu mới cho nhà giá rẻ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà giá rẻ cho người lao động bình dân, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp lớn, ngày càng trở thành nhu cầu bức thiết.
Covid làm giảm thu nhập, trong khi giá nhà tăng, khiến giấc mơ có nhà ngày càng xa tầm với của nhiều người. Ảnh: Dũng Minh Covid làm giảm thu nhập, trong khi giá nhà tăng, khiến giấc mơ có nhà ngày càng xa tầm với của nhiều người. Ảnh: Dũng Minh

Sự kiện Dự án nhà ở công nhân tại Yên Phong (Bắc Ninh) do Tổng công ty Viglacera - CTCP làm chủ đầu tư khai xuân đầu năm Nhâm Dần gây chú ý khi đón tiếp Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Với những thông điệp đổi mới trong tư duy thiết kế cơ chế chính sách, các giải pháp phát triển nhà ở và thị trường bất động sản, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển nhà ở giá rẻ, vừa túi tiền phục vụ số đông ngay khi nhận chức vào tháng 4/2021, nhiều kỳ vọng về sự thay đổi mang tính căn bản, tháo gỡ nút thắt chênh lệch cung - cầu trên thị trường nhà ở được gửi gắm tới lãnh đạo ngành xây dựng.

Thực tế, dòng sản phẩm chung cư bình dân (có giá khoảng 25 triệu đồng/m2) rất được quan tâm, đặc biệt tại các thành phố công nghiệp lớn. Nguồn cầu lớn, nhưng nguồn cung nhà giá rẻ lại vô cùng hạn chế và bị lấn lướt bởi nhà ở cao cấp. Vì thế, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá phù hợp với khả năng chi trả của người dân là rất cần thiết.

Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 203.700 người so với năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 3,22%, tăng 0,54 điểm phần trăm; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,42%; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15-24 tuổi) là 8,48%, tăng 0,52 điểm phần trăm.

Trong khi thu nhập sụt giảm, thì giá nhà ở lại đang có xu hướng tăng, nguồn cung khan hiếm, khiến cho mục tiêu mua nhà của nhiều gia đình trẻ trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”. Kết quả khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, chỉ một vài năm trước, giá căn hộ bình dân được định vị trên dưới mức 20 triệu đồng/m2 đã là cao, thì nay giá tối thiểu đã tăng lên 25 triệu đồng/m2, đây là điều rất đáng lo, nhất là trong bối cảnh thu nhập người dân sụt giảm mạnh do bệnh dịch.

Anh Lê Quang Mạnh, môi giới bất động sản cho biết, mặc dù mức độ quan tâm tới sản phẩm chung cư cao, nhưng tỷ lệ chốt thành công các giao dịch vào thời điểm này tương đối thấp khi nhiều người đắn đo về mức giá. Nhiều dự án có giá cao ngất ngưởng với mức tăng so với đợt mở bán ban đầu từ 30-40%, thậm chí gấp đôi, làm đảo lộn kế hoạch tài chính của khách hàng.

“Mức giá này không chỉ cao so với phần lớn người dân, mà còn cao hơn so với chính giai đoạn 1 của một số dự án, dù chất lượng chưa được cải thiện nhiều”, anh Mạnh chia sẻ.

Ghi nhận của phóng viên tại nhiều đơn vị tư vấn, môi giới bất động sản cho thấy, trong khi nguồn cung ở TP.HCM có dấu hiệu cải thiện ngay khi kết thúc giãn cách xã hội với hàng loạt dự án mới bắt đầu mở bán, thì Hà Nội chỉ ghi nhận một vài dự án mới được mở bán kể từ đầu tháng 11/2021, chủ yếu tập trung ở khu vực Tây Nam Thành phố và số lượng căn hộ đưa ra thị trường cũng rất ít ỏi, chỉ 300-400 sản phẩm/dự án.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), tình trạng nguồn cung nhỏ giọt xuất phát từ việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhà ở tại nội đô Hà Nội chưa được cải thiện.

“Thực tế này khiến việc ra hàng của các chủ đầu tư gặp khó khăn, trong khi muốn ra mắt dự án mới cũng phải mất tới 2-3 năm chuẩn bị, tốn kém nhiều chi phí, cộng với giá nguyên vật liệu đầu vào leo thang nên các chủ đầu tư không làm nhà giá rẻ, bởi nếu làm sẽ chắc chắn lỗ”, ông Hiệp nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS cho biết, điều được chờ đợi nhất hiện nay là việc sớm tháo gỡ khung pháp lý về công nhận chủ đầu tư dự án để tạo điều kiện cho nhiều dự án được triển khai hơn, từ đó bổ sung thêm nguồn cung, giảm áp lực chênh lệch cung - cầu. Bên cạnh đó, việc xây dựng các gói ưu đãi lãi suất dành cho những người có nhu cầu nhà ở thực là cần thiết để tạo không gian cho người trẻ sẵn sàng mua nhà hơn vào thời điểm này.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, không chỉ Việt Nam, mà ở các nước trên thế giới, người nghèo vẫn là đối tượng khó tiếp cận nhà ở nhất. Chính vì vậy, nhiều nước phải thành lập cơ quan nhà ở quốc gia.

“Gói vay 30.000 tỷ đồng trước đây là kết hợp kích cầu với trợ cấp nhà ở xã hội chứ không chỉ riêng để phát triển nhà ở xã hội. Đã đến lúc cần có chiến lược, mục tiêu, công cụ để phát triển nhà ở trong dài hạn, chứ không phải thời vụ”, ông Thành nói.

Linh Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục