Tín hiệu làn sóng đầu tư lớn đổ về Khánh Hòa

0:00 / 0:00
0:00
Các quy hoạch lớn của tỉnh Khánh Hòa được duyệt và đang tiếp tục trình duyệt bắt đầu “phát huy tác dụng” về thu hút đầu tư.
Tín hiệu làn sóng đầu tư lớn đổ về Khánh Hòa

Những tín hiệu tích cực

Nối tiếp các quy hoạch được duyệt (Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030; Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050), Khánh Hòa đang trình Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040 và đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt Quy hoạch Đô thị Cam Lâm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng các quy hoạch phân khu tại Khu kinh tế Vân Phong.

Theo UBND tỉnh, các quy hoạch được duyệt đã tạo sự quan tâm, thu hút các tập đoàn lớn đến khảo sát, làm việc với tỉnh để tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án đô thị, công nghiệp, dịch vụ, giáo dục chất lượng cao, công nghệ, thành phố thông minh, như Tập đoàn FPT, Tập đoàn Capital, Tập đoàn Trung Nam, Tập đoàn Sun Group, liên doanh Shinec và SSI… Trong đó, Tập đoàn Quantum mong muốn đầu tư Khu liên hợp Nhà máy điện Mỹ Giang với tổng công suất 6.000 MW tại Khu kinh tế Vân Phong.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tiếp đón và xúc tiến đầu tư tại chỗ nhiều đoàn khách đến nghiên cứu cơ hội đầu tư vào địa phương, đặc biệt là Khu kinh tế Vân Phong trên nhiều lĩnh vực khác nhau như khu công nghiệp, bất động sản và du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, nhiều doanh nghiệp lớn gồm Sun Group, Công ty Flamingo Holding, Công ty cổ phần SSI, Công ty cổ phần Dầu khí Phương Đông, Công ty cổ phần Shinec, Công ty cổ phần Tân Cảng Sài Gòn, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam, Tổng công ty Sonadezi…

Kết quả, 6 tháng đầu năm 2023, Khánh Hòa đã thu hút được 8 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký khoảng 4.077,6 tỷ đồng. Bên cạnh các dự án mới, nhiều dự án cũng điều chỉnh tăng vốn đăng ký.

Đặc biệt, Khánh Hòa đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực. Điển hình là UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2023 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tại đây, UBND tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ với 16 nhà đầu tư chiến lược ở các lĩnh vực phát triển công nghệ, sản xuất phần mềm (chuyển đổi số), phát triển hạ tầng khu công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký hơn 80.000 tỷ đồng.

Thông qua các buổi tiếp, làm việc với các đoàn của cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (Nhật Bản, Hà Lan, Singapore, Ấn Độ…), Khánh Hòa đã giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, định hướng phát triển của tỉnh, các ngành lĩnh vực trọng tâm thu hút đầu tư, tổ chức đưa đoàn tham quan khảo sát thực tế các địa điểm kêu gọi đầu tư, các danh lam thắng cảnh, mời tham dự các hoạt động, sự kiện quan trọng của tỉnh.

Ưu tiên các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực

Theo ông Lê Hữu Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trong thời gian đến, tỉnh thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án sử dụng tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Đặc biệt, Khánh Hòa ưu tiên lựa chọn những ngành, lĩnh vực, dự án mà Việt Nam có lợi thế về các chính sách, biện pháp hàng rào thuế quan và phi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, nhất là các hiệp định thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

“Thị trường trọng điểm thu hút đầu tư mà tỉnh Khánh Hòa hướng đến là các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, các thành viên của CPTPP, EVFTA và ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực, có sức lan tỏa lớn”, ông Hoàng cho hay.

Cùng với đó, Khánh Hòa nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng cách tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt cơ chế chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 55/2022/QH15 của Quốc hội. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu/cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông trọng điểm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…

Linh Đan
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục