Phân tích kỹ về mức tăng trưởng tín dụng năm nay có thể thấy, sự "tăng tốc" rất mạnh của khối ngân hàng TMCP, đặc biệt đóng góp trong đó là tín dụng ngoại tệ đã báo động. Trong ngành ngân hàng, tăng trưởng tín dụng cao chưa hẳn là tốt, bởi điều kiện đi kèm là khả năng quản trị rủi ro. Với trình độ quản lý hiện tại của các ngân hàng Việt Nam , mức tăng trưởng tín dụng nóng thường đi kèm với rủi ro cao.
|
Cổ phần bứt phá
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tốc độ tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng thương mại bình quân 9 tháng năm 2007 khoảng 35%, gần gấp 2 lần mức bình quân của 9 tháng đầu năm 2006. Trong đó, tín dụng ngoại tệ tăng gấp đôi, bắt đầu vượt ngưỡng an toàn (tỷ trọng giữa dư nợ cho vay bằng ngoại tệ với tổng tiền gửi bằng ngoại tệ đã vượt 90%). Sự gia tăng tín dụng toàn ngành được “kéo lên” bởi khối ngân hàng TMCP, với mức tăng hơn 103% so với mức dư nợ của tháng 9 năm 2006 và tăng 65% so với dư nợ cuối năm 2006.
Bên cạnh sự gia tăng nhanh về tốc độ, diễn biến dư nợ tín dụng trong 9 tháng năm 2007 còn có sự dịch chuyển thị phần tương đối rõ nét từ khối ngân hàng TMNN sang khối ngân hàng TMCP. Tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng TMNN bình quân 9 tháng đầu năm tăng khoảng 22%, cao hơn mức tăng 11% của cùng kỳ năm 2006, trong khi các ngân hàng TMCP tăng 89%, đưa thị phần từ 19,7% cuối năm 2006 lên 24,7% vào tháng 9/2007.
Cơ cấu đầu tư tín dụng đa dạng hơn nhiều so với 5 năm trước đó. Ngoài lĩnh vực cho vay truyền thống như: cho vay đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh của DN; cho vay xuất nhập khẩu; cho vay các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn... thì lĩnh vực cho vay tiêu dùng đã phát triển nhanh hơn những năm trước như: cho vay mua nhà ở, đất ở, thuê nhà, sửa chữa nhà ở; cho vay đi học ở nước ngoài; cho vay mua ôtô và các vật dụng gia đình khác; thấu chi tài khoản tiền gửi...
Qua trao đổi với một số ngân hàng TMCP, mức cho vay cá nhân (chủ yếu là cho vay tiêu dùng) đã chiếm đến 20 - 30% tổng dư nợ tín dụng, có ngân hàng TMCP cho vay bất động sản chiếm đến 20% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng đó.
Sự phát triển của thị trường tín dụng năm 2007 như nêu trên là tất yếu, bởi: (i) Nền kinh tế hội nhập, nhu cầu vốn để đầu tư phát triển chiếm lĩnh thị trường của DN tăng nhanh, nhiều dự án phát triển ngành năng lượng, công nghiệp, cơ sở hạ tầng được thực hiện trong năm 2007; (ii) Quy mô hoạt động của các ngân hàng thương mại tăng nhanh trong năm 2007 (vốn điều lệ tăng tăng 54% so với cuối năm 2006), số chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch cũng tăng nhanh hơn so với năm 2006. Để chiếm lĩnh thị trường, nhiều ngân hàng TMCP đã nới lỏng điều kiện vay vốn nhằm thu hút khách hàng và đa dạng hoá sản phẩm đầu tư tín dụng như: mở rộng lĩnh vực cho vay tiêu dùng (mua nhà ở, đất ở, sửa chữa nhà ở, mua ôtô...) dưới nhiều hình thức dịch vụ như: “Cho vay trả góp sinh hoạt tiêu dùng”, “Hỗ trợ tài chính du học trọn gói”…, thậm chí một số ngân hàng hạ lãi suất đối với sản phẩm cho vay tiêu dùng để thu hút khách hàng. Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực này chiếm đến 20 - 30% tổng dư nợ của khối ngân hàng TMCP. Riêng cho vay nhà đất, có ngân hàng thương mại dư nợ chiếm đến 20%; (iii) TTCK phát triển mở ra một lĩnh vực đầu tư mới cho các ngân hàng thương mại, cũng góp phần làm tăng dư nợ tín dụng nền kinh tế; (iv) Nguồn vốn mở rộng tín dụng rất dồi dào từ nước ngoài vào qua các kênh, trong đó có hình thức tài trợ L/C từ phía nước ngoài cho các ngân hàng thương mại trong nước.
Rủi ro cảnh báo
Mức độ tăng trưởng tín dụng cũng phản ánh sự phát triển nhanh của thị trường tài chính sau hội nhập, tạo cơ hội thuận lợi để phát triển nền kinh tế và tạo sức cạnh tranh cho các ngân hàng thương mại trong nước. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng tín dụng như hiện nay cho thấy tiềm ẩn nhiều rủi ro và mức độ ảnh hưởng đến lạm phát có thể mạnh hơn so với các năm trước, như cho vay ngoại tệ tăng trưởng quá mức so với nguồn vốn; việc nới lỏng điều kiện vay vốn của các ngân hàng TMCP; lĩnh vực cho vay bất động sản, chứng khoán đã chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng dư nợ ở một số ngân hàng thương mại...
Do vậy, vấn đề đặt ra là phải kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp với tăng trưởng kinh tế, đảm bảo chất lượng tín dụng. Song, với những nguyên nhân làm tăng trưởng tín dụng như trên thì việc sử dụng các công cụ tiền tệ (như nghiệp vụ thị trường mở, cộng cụ dự trữ bắt buộc) để hạn chế tăng trưởng tín dụng là không mang lại kết quả mong muốn. Thực tế này đòi hỏi phải tăng cường việc quản lý, giám sát rủi ro của các cơ quan quản lý tiền tệ, mà trực tiếp là NHNN cũng như từ chính các ngân hàng thương mại.
Trước hết, cần hạn chế tăng trưởng tín dụng ở một số lĩnh vực không tạo tốc độ tăng trưởng kinh tế, như đầu tư vào chứng khoán, cũng như cần có sự khống chế nhất định việc mở rộng cho vay tiêu dùng nhằm tránh sự đổ vỡ thị trường tín dụng dưới tiêu chuẩn có thể xảy ra như ở Mỹ, qua đó hạn chế ảnh hưởng của tín dụng tới lạm phát.
Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế cho vay ngoại tệ bằng cách hạn chế đối tượng vay, nếu DN thực sự có nhu cầu ngoại tệ có thể vay tiền đồng sau đó mua ngoại tệ. Cách làm này sẽ hạn chế được những khoản đầu tư tín dụng chụp giật và thực hiện được mục tiêu giảm mức độ đôla hoá nền kinh tế. Tuy nhiên, rủi ro đạo đức trong thị trường tài chính non trẻ là không tránh khỏi, việc hạn chế đối tượng vay vốn có tác dụng không mạnh, thì có thể tăng tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro với khoản đầu tư tín dụng bằng ngoại tệ và quy định tỷ lệ cho vay bằng ngoại tệ trên tổng nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ mọi thời điểm không vượt quá một tỷ lệ nào đó để đảm bảo an toàn thanh khoản.