Ngân hàng vẫn ngại cho vay tín chấp
Tại buổi đối thoại giữa đoàn công tác của NHNN với các DN trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, bà Trần Thanh Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín cho biết, Công ty đã xây dựng được dây chuyền chế biến lúa gạo khép kín, hiện đại trên khuôn viên rộng gần 6 héc-ta, từ việc sấy lúa với công suất 1.200 tấn/ngày, xay xát công suất 500 tấn/ngày, cung ứng lúa gạo cho thị trường trong và ngoài nước. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư thêm dây chuyền ép trấu viên 40 tấn/ngày phục vụ thị trường xuất khẩu và đặc biệt là vừa xây dựng hệ thống kho chứa 60.000 tấn lúa, bổ sung vào hệ thống kho chứa 4 triệu tấn lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long.
“Công ty được Vietcombank, BIDV cho vay, nhưng mức vay vẫn còn rất nhỏ, bởi những tài sản có thể thế chấp, DN đã thế chấp hết. Để mở rộng quy mô hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư xây dựng nhà máy điện tận dụng nguyên liệu vỏ trấu, chúng tôi đề nghị Thống đốc NHNN và các ngân hàng xem xét cho vay tín chấp”, bà Trần Thanh Nga nói.
Liên quan đến đề xuất cho vay tín chấp của DN, TS. Nguyễn Danh Lương, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, DN vừa và nhỏ hoạt động tại khu vực nông nghiệp – nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế trong việc lập báo cáo tài chính, nên các TCTD e ngại khi thẩm định cho vay tín chấp, trong khi giá trị tài sản dùng để thế chấp của các DN này chủ yếu là đất nông nghiệp có giá trị thấp.
E ngại này của các ngân hàng khi cho vay tín chấp được thể hiện rõ qua kết quả khảo sát mới nhất của VCCI, 77% DN được khảo sát cho biết không thể vay vốn khi không có tài sản thế chấp.
Thống đốc NHNN: khuyến khích cho vay tín chấp
Trong chuyến công tác tại Sóc Trăng, đoàn công tác của NHNN đã đến thăm Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín. Tận mắt quan sát quy trình từ thu mua, chế biến cho tới đưa lúa gạo xuất bến, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tỏ ra ấn tượng với quy mô, mô hình chế biến lúa gạo của DN và cho biết, kiến nghị vay tín chấp chắc chắn sẽ được hệ thống ngân hàng chấp thuận.
“Thay vì chăm chăm kiểm soát tài sản khi cho vay, các ngân hàng nên tăng cường kiểm soát dòng tiền của DN. Tôi đề nghị BIDV là ngân hàng chủ lực, các ngân hàng khác tham gia với vai trò đồng tài trợ thực hiện đúng khẩu hiệu: Nếu DN có dự án khả thi, hiệu quả, quản lý tốt dòng tiền thì ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ vốn”, Thống đốc nhấn mạnh.
Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) cho biết, cho vay tín chấp là một chủ trương hợp lý mà nhiều TCTD cần phải chủ động lên phương án triển khai. MHB đã quan tâm, thực hiện từ trước và thời gian tới sẽ đẩy mạnh hơn. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là cần có những giải pháp để ngân hàng và DN “ngồi” được với nhau.
Khó, nhưng không phải không làm được
TS. Nguyễn Danh Lương khuyến nghị, để chính sách cho vay tín chấp cho khu vực nông nghiệp – nông thôn mang tính lâu dài và hiệu quả, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan cần xem xét để đưa bảo hiểm nông nghiệp đi vào cuộc sống một cách rộng rãi, giúp nông dân yên tâm vay vốn sản xuất - kinh doanh và tạo điều kiện để các TCTD thúc đẩy hoạt động tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.
Phó tổng giám đốc Vietinbank Nguyễn Văn Du đề xuất, Chính phủ cần có các giải pháp ưu tiên nguồn vốn phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, dành nguồn vốn tài trợ ủy thác nước ngoài, ODA để ủy thác qua NHTM.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, cho vay tín chấp trong khu vực nông nghiệp - nông thôn có nhiều rào cản, nhưng không phải là không thực hiện được. Để giảm thiểu các rủi ro, cần xem xét một số biện pháp hỗ trợ riêng đối với người vay vốn và cả TCTD như xây dựng Quỹ Bảo lãnh vốn nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất đối với các TCTD tham gia cho vay trong lĩnh vực đầy rủi ro này.
“Chính phủ cần ban hành chính sách đồng bộ, tạo điều kiện tốt nhất cho hệ thống ngân hàng, nông dân và DN chế biến, tiêu thụ sản phẩm tham gia trong chuỗi sản xuất”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.