Tín dụng tiêu dùng tăng nhanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, cho vay trực tiếp phục vụ đời sống đến nay đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng trên dư nợ 10 triệu tỷ đồng của nền kinh tế…
Các công ty tài chính tiêu dùng cũng nỗ lực đồng hành cùng khách hàng trong giai đoạn mùa vụ cuối năm. Ảnh: Dũng Minh Các công ty tài chính tiêu dùng cũng nỗ lực đồng hành cùng khách hàng trong giai đoạn mùa vụ cuối năm. Ảnh: Dũng Minh

Những giải pháp đặc thù

Đầu tháng 12/2021, VPBank công bố dự án tái định vị thương hiệu thẻ tín dụng ngân hàng với thông điệp “Sống tuyệt vời”. Thông qua dự án này, khách hàng sẽ được giới thiệu thông tin cụ thể về từng tính năng, ưu đãi như hoàn tiền chi tiêu, tích dặm bay, miễn phí vận chuyển mua sắm online…, từ đó lựa chọn được cho mình chiếc thẻ phù hợp nhất trong 5 dòng thẻ để lên kế hoạch chi tiêu dịp cuối năm.

MSB cũng vừa ra mắt giải pháp chuyên biệt dành cho các doanh nghiệp thương mại ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), trong đó tài trợ không tài sản bảo đảm tăng thêm tới 10 tỷ đồng vào mùa cuối năm và tài trợ đến 300% giá trị cấp tín dụng trên tài sản bảo đảm với lãi suất cạnh tranh, cùng hạn mức thấu chi tài trợ lên tới 1 tháng doanh thu bình quân và hạn bảo lãnh thanh toán tối đa 13 tháng hứa hẹn sẽ mang lại sự hỗ tích cực về nguồn vốn cho các doanh ngành này trong quá trình kinh doanh.

Theo chia sẻ từ một lãnh đạo cấp cao MSB, FMCG là ngành cung cấp những sản phẩm thiết yếu, được lựa chọn là một trong những lĩnh vực hàng đầu trong xu hướng tiêu dùng. Những mặt hàng này là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự sống và bảo vệ sức khỏe, đặc biệt thiết yếu hơn trước thực trạng dịch bệnh khó lường như hiện nay.

“Do đó, doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh có nhu cầu theo tính thời vụ nên cần có giải pháp đặc thù, hỗ trợ kịp thời”, lãnh đạo MSB nhấn mạnh.

Tại BIDV, ngân hàng này đang đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, trong đó chú trọng cho vay tiêu dùng, hỗ trợ nhu cầu thiết yếu của người dân như triển khai các gói tín dụng lãi suất cạnh tranh phục vụ các mục đích tiêu dùng, kinh doanh… Đặc biệt, ứng dụng công nghệ trong phục vụ khách hàng cá nhân vay vốn thông qua website, các ứng dụng trên điện thoại di động thông minh…

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, tính đến năm 2021, dư nợ bán lẻ của Ngân hàng đã tăng trưởng 12 lần so với năm 2011 và từ chiếm tỷ trọng 13,3% tổng dư nợ tín dụng năm 2011 đã tăng lên khoảng 38% vào năm nay. Được biết, dư nợ cho vay tiêu dùng của BIDV hiện chiếm khoảng 45% tổng dư nợ của khách hàng cá nhân, chủ yếu là cho vay mua nhà ở (chiếm 32% tổng dư nợ cho vay khách hàng cá nhân), còn lại là cho vay tiêu dùng.

Không chỉ ngân hàng, các công ty tài chính cũng nỗ lực đồng hành với khách hàng, đặc biệt trong giai đoạn mùa vụ cuối năm. Bà Hồ Thị Như Hà, Phó tổng giám đốc FE Credit cho biết: “Chúng tôi liên tục mở rộng mạng lưới các điểm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ để khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng, đội ngũ nhân viên luôn sẵn sàng tư vấn theo nhu cầu của khách hàng”.

Điểm nhấn được bà Hà chia sẻ đó là, FE Credit đã nhanh chóng mở rộng dịch vụ cho vay tiêu dùng thông qua hệ thống hơn 10.000 bưu cục/điểm bưu điện văn hóa xã của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) trên cả nước, nhằm giúp người dân ở các khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng chính thức.

Bên cạnh gia tăng sự hiện diện, FE Credit còn liên tục đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính, giúp tín dụng tiêu dùng trở nên gần gũi hơn với người dân, đặc biệt là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Danh mục sản phẩm của Công ty có cả nhóm sản phẩm hiện đại như gói vay mua sản phẩm y tế, gói vay học phí, tập thể dục...

Không những vậy, để hỗ trợ khách hàng, gia tăng các kênh tiếp cận vốn vay, giảm thiểu các thủ tục, hồ sơ, cũng như thời gian xử lý khoản vay, FE Credit đã triển khai các sản phẩm tài chính tiêu dùng trên nền tảng số.

“Hiện nay, ứng dụng duyệt vay trực tuyến $NAP có thể cung ứng dịch vụ cho vay trực tuyến cho hơn 230.000 khoản vay, tương ứng trung bình 350 khoản vay/ngày”, bà Hà cho hay.

Còn bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng giám đốc thường trực SHB Finance (SHBFC) chia sẻ: “SHBFC hợp tác cùng các công ty công nghệ về ví điện tử, cổng thanh toán, công ty công nghệ chấm điểm tín dụng khách hàng để thiết kế các sản phẩm vay món nhỏ, ngắn hạn, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay vốn của khách hàng. Trong tháng 11 vừa qua, Công ty đã cho ra mắt sản phẩm Mobile App với đầy đủ tính năng để mở rộng kênh cho vay online và tăng trải nghiệm khách hàng khi vay vốn tại SHBFC”.

Tỷ trọng cho vay trực tiếp phục vụ đời sống cải thiện

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 3/12/2021, số dư tín dụng toàn nền kinh tế đạt 10.193.723 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 10,89% so với đầu năm, tăng mạnh so với con số 8,47% của cùng thời điểm năm trước. Điểm đáng chú ý là các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu đời sống. Theo đó, cho vay tiêu dùng, toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay với dư nợ chiếm 19,6% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế.

Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 243.000 tỷ đồng, tăng 7,51% so với cuối năm 2020 và tăng 25,2% so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị 12/CT-TTg với gần 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ. Cụ thể, dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất - kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm chiếm 73,6%; dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt chiếm 26,4%.

Thống kê của NHNN cho biết, tốc độ tăng tín dụng tiêu dùng trung bình trong giai đoạn 2015-2017 lên tới 61,3%/năm, riêng năm 2018 đạt mức 29,3% - cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng tín dụng chung và chiếm tỷ trọng khoảng 19,7% tổng dư nợ toàn hệ thống.

“Kết quả cho vay trực tiếp phục vụ đời sống đến nay vào khoảng 2 triệu tỷ đồng trên dư nợ 10 triệu tỷ đồng của nền kinh tế và đây là con số không nhỏ, tỷ trọng khá lớn”, Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú thông tin.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, một mặt ghi nhận nỗ lực của các TCTD, nhưng mặt khác TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, mức độ bao phủ của kênh tín dụng chính thức của Việt Nam vẫn còn thấp.

Theo TS. Lực, hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 45% người trưởng thành (trên 15 tuổi) có tài khoản ngân hàng (theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ này năm 2017 đạt khoảng 31% và ước tính đến nay đạt khoảng 45%, còn số liệu NHNN công bố vào khoảng 70%, gấp đôi so với mức của năm 2015), thấp hơn so với mức 80% của Trung Quốc, 70% của ASEAN-5 hay 58% của khối các nước thu nhập trung bình thấp. Tương tự, tại Việt Nam mới có 27% người trưởng thành sở hữu thẻ ghi nợ, cũng thấp hơn đáng kể so với mức 67% của Trung Quốc, 55% của ASEAN-5 hay 60% của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương; số chi nhánh ngân hàng tính trên 100.000 người trưởng thành tại Việt Nam mới chỉ đạt mức 3,9 so với con số 8,8 của Trung Quốc; 11,8 của ASEAN-5 hay 12,6 của thế giới...

“Đây là các con số khá thấp cho thấy còn nhiều nhu cầu tín dụng, đầu tư có thể được đáp ứng bởi việc tiếp cận khu vực tín dụng chính thức của người dân còn hạn chế. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 47% người dân tham gia vay tiền, nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những TCTD và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc ‘tín dụng đen’…”, TS. Lực nói.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong những năm qua, NHNN luôn tạo điều kiện thuận lợi, ban hành văn bản pháp lý rõ ràng để các TCTD tăng cường cho vay tiêu dùng với người dân, nhất là với những khoản vay nhỏ lẻ, ngắn hạn, phục vụ cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, ông Tú cũng thừa nhận, nhu cầu tín dụng phục vụ cho đời sống trực tiếp, thậm chí nhỏ lẻ đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và những người yếu thế trong xã hội còn cần cải thiện hơn nữa.

“Để làm được điều này, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tập trung vào việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện cho nhiều tổ chức tham gia vào tín dụng tiêu dùng, trước hết là các ngân hàng thương mại, đặc biệt là vai trò chủ lực của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Bên cạnh đó, hệ thống tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân có thể vào cuộc đồng bộ, tích cực hơn với cơ chế thông thoáng hơn, sử dụng những công nghệ hiện đại, với những khoản tín dụng nhỏ… để người dân có thể dễ dàng tiếp cận”, ông Tú nói.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục