Những khoản lãi nghìn tỷ cho "tam Mã"
Trong số các công ty tài chính cho vay tiêu dùng đang hoạt động trên thị trường hiện nay, FE Credit (trực thuộc VPBank), Home Credit Việt Nam (công ty tài chính 100% vốn nước ngoài trực thuộc Tập đoàn Home Credit) và HD Saison (thuộc HDBank, hiện đã có đối tác Nhật - Credit Saison nắm giữ 49% cổ phần) được xem là các gương mặt nổi bật, với thị phần và kết quả đạt được tương đối khả quan. Đây cũng là 3 công ty đang chi phối thị trường.
Quý I vừa qua, VPBank báo lãi trước thuế hợp nhất 1.924 tỷ đồng, tiếp tục dẫn đầu khối ngân hàng tư nhân. Lợi nhuận của riêng ngân hàng mẹ chỉ là 814 tỷ đồng, còn lại 1.110 tỷ đồng đến từ các công ty con, mà thực chất là từ Công ty FE Credit.
Thực hiện chiến lược đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, kể từ khi FE Credit ra đời, VPBank tập trung nguồn lực để phát triển công ty con trực thuộc này. FE Credit đã cung cấp các sản phẩm dịch vụ tín dụng tiêu dùng đến phân khúc khách hàng có thu nhập thấp và trung bình, cũng như những đối tượng không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng.
Tính đến cuối năm 2016, tổng dư nợ của FE Credit chiếm hơn 60% tổng dư nợ toàn ngành, gấp 3 lần so với dư nợ của đối thủ có mặt lâu năm trên thị trường Việt Nam. Mức lợi nhuận đạt được 2.000 tỷ đồng trước thuế trong năm qua của FE Credit được xem là niềm mơ ước không chỉ với các công ty tài chính, mà kể cả nhiều ngân hàng tầm trung của Việt Nam.
Sau khi mua lại Công ty Tài chính SGVF (100% vốn của nước ngoài), HDBank đã liên kết với đối tác nước ngoài là Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản) để đẩy mạnh cho vay tài chính tiêu dùng, với thương hiệu mới là HD Saison.
Hiện nay, HD Saison có hơn 7.500 điểm giới thiệu dịch vụ trên cả nước, phục vụ hơn 3 triệu khách hàng. Hướng đi trên đã mang lại cho Công ty những con số lợi nhuận ấn tượng. Năm 2014, Công ty tài chính đã mang về cho HDBank 175 tỷ đồng lợi nhuận, năm 2015 gia tăng lên hơn 280 tỷ đồng và năm 2016 tăng mạnh lên hơn 440 tỷ đồng.
Định hướng năm 2017, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của HD Saison là 26%.
Ngoài FE Credit, HD Saison, Home Credit và Prudential Finance cũng là những công ty tài chính đang được nhiều người biết đến. Trong số đó, Home Credit được xem là công ty tài chính 100% vốn nước ngoài hoạt động tương đối hiệu quả trong thời gian qua.
Theo số liệu cập nhật nhất, năm 2013, giai đoạn thị trường tài chính - ngân hàng còn nhiều khó khăn, Home Credit ghi nhận lãi trước thuế 711 tỷ đồng trong năm 2013, gấp hơn 5 lần năm 2012.
Nhưng nợ xấu cũng nghìn tỷ
Với mức lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mà những công ty tài chính hàng đầu “bỏ túi” trong một năm, thị trường cho vay tiêu dùng đang hấp dẫn các tổ chức cung ứng vốn. Đó chính là lý do nhiều nhà băng đang tranh thủ mua lại, lập mới công ty tài chính, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, cho vay tài chính tiêu dùng với thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh..., rủi ro nợ xấu vì thế cũng cao hơn. Có công ty đang phải "ôm" khoản nợ xấu xấp xỉ 2.000 tỷ đồng tới cuối 2016.
Xử lý khoản nợ như thế nào, làm thế nào để duy trì đó là những khoản lợi nhuận bền vững, lợi nhuận thực chất là bài toán không hề đơn giản, mà các nhà điều hành công ty tài chính đang phải đau đầu tính đến.
Trên thực tế, mỗi khi nhắc đến tài chính tiêu dùng, nhất là đối với vốn cung cấp từ công ty tài chính, không ít người vẫn liên tưởng đến cụm từ “lãi suất cắt cổ”.
Lý giải của các công ty tài chính, lãi suất cho vay tiêu dùng có sự khác biệt so với lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố như giá trị khoản vay tiêu dùng nhỏ, nhưng chi phí vận hành cao và mức độ rủi ro của phân khúc khách hàng này cũng cao hơn rất nhiều.
Tại Đại hội đồng cổ đông HDBank diễn ra mới đây, một cổ đông của nhà băng này cũng tỏ ra lo ngại khi đẩy mạnh cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính trực thuộc là HD Saison sẽ khó tránh được rủi ro nợ xấu. Tuy nhiên, lãnh đạo HDBank cho rằng, HD Saison là công ty tài chính cho vay tiêu dùng với lãi suất cạnh tranh. Nợ xấu của Công ty cũng chỉ trên dưới 5%.
Thực tế, cách nhìn của khách hàng về thị trường tài chính tiêu dùng đến nay đã “mở” hơn rất nhiều, bởi nhu cầu thực tế và những nỗ lực của các công ty tài chính trong việc hỗ trợ người tiêu dùng tiếp cận được các giải pháp tài chính linh hoạt, an toàn với lãi suất cạnh tranh. Sáu năm vừa qua, tỷ lệ tăng trưởng của loại hình tài chính tiêu dùng cá nhân luôn ở mức 20%/năm.
Triển vọng của thị trường cho vay tiêu dùng trong tương lai, theo Phó tổng giám đốc HD Saison Đàm Thế Thái, là hết sức tích cực. Nhìn nhận 75% dân số đang sống ở nông thôn, tương đương 68 triệu dân chưa được tiếp cận toàn diện các nhu cầu tài chính tiêu dùng và 22 triệu người ở thành thị cũng là một thị trường chưa khai thác hết, ông Thái cho rằng, HD Saison có thể cho vay đến 1 tỷ USD.
Trong khi đó, lãnh đạo Prudential Finance cho hay, thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đã và đang trên đà phát triển mạnh trong những năm gần đây. Việc các ngân hàng đang chuyển từ mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp sang mảng bán lẻ và cho vay tiêu dùng cá nhân cũng tạo nên tác động không nhỏ đến tiềm năng thị trường.
Trước đây, hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính vốn có những đặc thù khác biệt với hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại, nhưng phải áp dụng chung quy định về cho vay với các ngân hàng thương mại đã tạo ra những hạn chế nhất định.
Tuy nhiên, từ khi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng chính thức có hiệu lực (giữa tháng 3/2017) đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, riêng biệt cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hơn hết đảm bảo sự phát triển bền vững cho tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.