Tín dụng tiêu dùng chưa ngược chiều lãi suất

(ĐTCK) Các công ty tài chính đang thu hút khách vay khi không tài cần tài sản đảm bảo và chứng minh khả năng trả nợ.
Tín dụng tiêu dùng chưa ngược chiều lãi suất

Tín dụng tiêu dùng chưa ngược chiều lãi suất ảnh 1Nhiều ngân hàng ưu đãi lãi suất vay vốn 0% trong 1 - 6 tháng đầu

 

Không ít ngân hàng giảm lãi suất về 0% trong 1 - 6 tháng đầu cho các khoản vay tiêu dùng, mua, sửa chữa nhà…, nhưng khách hàng cá nhân vẫn chưa mạnh dạn vay vốn. Nguyên nhân không hẳn là do áp lực lãi suất, mà bởi thu nhập khó đáp ứng được nhu cầu chi tiêu, trong khi điều kiện tín dụng ngân hàng đưa ra vẫn khắt khe. Cơ hội cho các công ty tài chính xuất hiện…

 

Lãi suất 0% vẫn khó giải ngân

Mặc dù lãi suất cho vay tiêu dùng đã được khuyến mại bằng 0% trong 1 - 6 tháng đầu của khoản vay, với kỳ vọng kích thích được tăng trưởng dư nợ khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp giảm, song theo các nhà băng, tín dụng ở lĩnh vực này vẫn khó tăng.

Trên thực tế, tăng trưởng dư nợ tín dụng của không ít ngân hàng trong hai quý đầu năm chủ yếu nhờ mảng khách hàng cá nhân. Chẳng hạn, tại Sacombank, 6 tháng đầu năm, tín dụng tăng hơn 11%, trong đó khối cá nhân chiếm trên 50% tổng dư nợ. Tuy nhiên, Sacombank có được kết quả này là do Ngân hàng có lợi thế về mạng lưới để đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, cho vay phân tán nhỏ lẻ… Còn thực trạng của nhiều ngân hàng hiện nay, đẩy mạnh cho vay phân tán, cho vay tiêu dùng rất khó thành công.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một ngân hàng trên địa bàn TP. HCM cho biết, rất khó để giải ngân được vốn, cho dù ngân hàng đã áp dụng lãi suất 0% trong 6 tháng đầu. Lý do là nhu cầu chi tiêu của người dân sụt giảm. Nhu cầu chi tiêu giảm một phần là do thu nhập không theo kịp và đáp ứng được mức sống. Vì thế, tín dụng vay mua, sửa chữa nhà trả góp vẫn ách tắc.

Theo ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank, với giá nhà đất hiện nay thấp cũng phải trên dưới 1 tỷ đồng/căn hộ thì cơ hội vay vốn để mua nhà đối với người thu nhập 7 - 9 triệu đồng/tháng là rất khó khăn. Do đó, họ cũng chưa dám nghĩ đến việc vay vốn mua nhà, do áp lực trả nợ, chứ không hẳn là áp lực lãi vay.

Giám đốc chi nhánh Long An của một ngân hàng có trụ sở tại TP. HCM cho hay, lãi suất ưu đãi trong lúc này cũng rất khó để cho vay tiêu dùng. Dù với hình thức trả góp, nhưng cá nhân có nhu cầu vay mua nhà cũng phải có ít nhất 30% vốn tự có thì phía ngân hàng mới tài trợ phần còn lại. Hiện một số nhà băng đã tái triển khai cho vay tín chấp, song để tiếp cận nguồn vốn này, điều kiện tín dụng đòi hỏi rất cao, vì ngân hàng lo ngại rủi ro nợ xấu gia tăng.

 

Cơ hội cho các công ty tài chính

Trong bối cảnh các ngân hàng khó đẩy mạnh cho vay, các công ty tài chính đã đưa ra nhiều chiêu thu hút khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, đặc biệt là không cần chứng minh khả năng trả nợ cũng như tài sản đảm bảo.

Theo ông Friedrich Weiss, Tổng giám đốc Công ty Tài chính PPF Việt Nam (Home Credit), Công ty đang quản lý tốt khả năng chi trả của khách hàng, thể hiện qua con số 116 tỷ đồng lợi nhuận trong 4 tháng đầu năm. Nếu lạm phát không ở mức 2 con số thì không cần quá lo về việc kích thích vay tiêu dùng.

Công ty tài chính và ngân hàng đều cung cấp các các gói vay tiêu dùng. Tuy nhiên, các công ty tài chính không phải cạnh tranh vì đối tượng nhắm đến là những khách hàng không có khả năng đáp ứng những điều kiện vay vốn của ngân hàng. Với các khoản vay tiêu dùng, trung bình mỗi tháng khách hàng trả một vài triệu đồng. Khoản vay nhỏ, trả góp mỗi tháng thấp, thời gian giải ngân nhanh là lợi thế cạnh tranh của các công ty tài chính trong mảng cho vay tiêu dùng, dù lãi suất cao hơn.

Ông Friedrich Weiss cho biết, tổng dư nợ trong 5 tháng đầu năm 2013 của Home Credit đạt 2.867 tỷ đồng, bằng 117% tổng dư nợ của cả năm 2012. Công ty có kế hoạch mở rộng dịch vụ tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước, dự kiến đến cuối năm 2013, tổng dư nợ sẽ đạt mức 6.075 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của các tổ chức tín dụng, trong thời gian tới, tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng và vay tiêu dùng sẽ tăng lên. Theo khảo sát mới nhất của Morgan Stanley thực hiện vào tháng 3/2013, Việt Nam đứng thứ hai về đóng góp tiêu dùng vào GDP và đứng cuối bảng về dư nợ tín dụng trên 1 đồng vốn. Điều này cho thấy, tiếp cận tín dụng của người dân còn rất thấp và thị trường cho vay tiêu dùng rất tiềm năng. 

Thùy Vinh
Thùy Vinh

Tin cùng chuyên mục