Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 29/7, tín dụng nền kinh tế tăng 8,54% so với cuối năm 2015, cơ cấu tín dụng hỗ trợ tích cực cho sản xuất, tăng trưởng kinh tế. Đến thời điểm này đã có không ít ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm nay và đáng mừng là tín dụng ở nhiều nhà băng đã cải thiện mạnh mẽ.
Trong đó, VietinBank ước đạt lợi nhuận trước thuế 4.273 tỷ đồng nửa đầu năm; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 6 đạt 729.000 tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm; lợi nhuận ước đạt 4.273 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Vietcombank, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận đạt gần 4.200 tỷ đồng, tăng 37,8% so với cùng kỳ năm trước, nhờ tín dụng tăng mạnh nhất trong 4 năm trở lại đây, với mức tăng 10,76% trong 6 tháng.
BIDV có lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước, mà nguyên nhân cũng là nhờ tín dụng cải thiện. Cụ thể, quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 836.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng đạt gần 657.000 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm trước và 6% so với đầu năm, phù hợp với nhịp độ tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng.
Tính đến ngày 29/7, tín dụng nền kinh tế tăng 8,54% so với cuối năm 2015, cơ cấu tín dụng hỗ trợ tích cực cho sản xuất, tăng trưởng kinh tế.
Tín dụng tăng trưởng đến 16% trong 2 quý đầu năm nay cũng là yếu tố tác động tích cực lên lợi nhuận ACB trong 6 tháng qua, khi đạt 828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Năm 2016, ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 18% - 20%, cao hơn mục tiêu chung của toàn ngành ngân hàng và chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là trên 1.500 tỷ đồng.
Ở một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn như: OCB, Nam A Bank, SCB… tín dụng cũng khởi sắc trong 2 quý đầu năm. Thế nhưng, ở chiều ngược lại, vẫn còn không ít ngân hàng có tín dụng tăng trưởng âm trong 6 tháng qua. Chẳng hạn, tín dụng của Eximbank tăng trưởng - 4,62% trong 2 quý đầu năm, trong khi nợ xấu tăng lên trên 5%. Dư nợ cho vay khách hàng của Saigonbank cũng giảm nhẹ trong 3 tháng đầu năm nay, hiện nhà băng này chưa công bố báo cáo tài chính quý II.
Tuy dư nợ tín dụng vẫn tăng trưởng dương, song so với cùng kỳ và cả năm trước, tín dụng của VPBank trong 6 tháng đầu năm được cho là đã chậm lại, khi tăng trưởng cho vay khách hàng chỉ đạt 1,7%, tiền gửi khách hàng giảm 9%.
Một điểm đáng chú ý khác là tín dụng tăng nhanh ở một số ngân hàng cũng tỷ lệ thuận với nợ xấu. Cụ thể, tổng nợ xấu của BIDV đến 30/6/2016 đã tăng thêm hơn 3.000 tỷ đồng, lên 13.183 tỷ đồng, so với cuối năm 2015. Trong đó, cả 3 nhóm nợ (từ nhóm 3-5) đều tăng. Nợ xấu tại Eximbank cũng là điểm nhấn trong mùa báo cáo tài chính quý II năm nay. Eximbank có tới 4.285 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 5,3% tổng dư nợ, trở thành ngân hàng duy nhất có tỷ lệ nợ xấu vượt mốc 3% trong số các ngân hàng đã công khai số nợ.
Trong khi đó, lãnh đạo Vietcombank (VCB) cho hay, 6 tháng đầu năm nay, nhà băng này đã xử lý được 2.411 tỷ đồng nợ xấu. CTCK HSC cho rằng, với việc đã kiểm soát tốt nợ xấu, lượng xử lý nợ xấu tăng 28,4% so với cùng kỳ năn ngoái, VCB có thể tận dụng kết quả lợi nhuận khả quan để xử lý trái phiếu đặc biệt VAMC với tốc độ nhanh hơn.
Về xử lý nợ xấu toàn ngành, số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ở mức 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Theo số liệu do các tổ chức tín dụng và VAMC báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm 2016 đạt 59,71 nghìn tỷ đồng (giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, bán nợ cho VAMC đạt 8,8 nghìn tỷ đồng, khách hàng trả nợ 30,98 nghìn tỷ đồng, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu 7,24 nghìn tỷ đồng.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc quá trình xử lý nợ xấu có điều kiện được đẩy mạnh hơn sẽ là cơ hội khơi thông dòng chảy tín dụng. Nhưng vấn đề chất lượng tín dụng vẫn cần đặt lên hàng đầu.