Tín dụng tăng nhanh hơn huy động, ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi

Nhà đầu tư “chán” chứng khoán, chưa quay lại với bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp khiến tiền gửi ngân hàng tăng kỷ lục. Dẫu vậy, tín dụng vẫn tăng nhanh hơn huy động vốn, khiến nhiều ngân hàng mạnh tay nâng lãi suất huy động.
Từ đầu tháng 11/2024 tới nay, có hơn chục ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có Agribank. Ảnh: Đức Thanh

Đói kênh đầu tư, tiền gửi chảy mạnh vào ngân hàng

Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng vốn huy động của toàn ngành ngân hàng đến ngày 30/9 đạt 14,5 triệu tỷ đồng. Trước đó, tính đến cuối tháng 8/2024, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi vào hệ thống đạt 13,76 triệu tỷ đồng. Nếu không có gì bất thường, tính đến hết tháng 10/2024, huy động vốn vào hệ thống ngân hàng vượt 15 triệu tỷ đồng - mức cao nhất từ trước tới nay.

PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh các kênh đầu tư quá rủi ro, nhiều biến động như hiện nay, người dân có xu hướng tăng gửi tiền vào ngân hàng. “Khi các kênh đầu tư chưa thực sự bền vững, dòng tiền thông minh sẽ hướng về ngân hàng để chờ đợi một giai đoạn mới với nhiều cơ hội rõ ràng hơn”, ông Nguyễn Hữu Huân chia sẻ.

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản tuy đã phục hồi về giá, song chưa phục hồi về thanh khoản; một số phân khúc tăng nóng, nhưng có dấu hiệu giá ảo, tiềm ẩn rủi ro lớn với nhà đầu tư. Hơn nữa, đây là kênh đầu tư đòi hỏi vốn lớn, không phù hợp với khả năng tài chính của tất cả nhà đầu tư.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán đi lùi so với đầu năm, thanh khoản ảm đạm, nhà đầu tư ngoại liên tục bán ròng, lỡ hẹn nâng hạng, sự trỗi dậy của các kênh đầu tư truyền thống… khiến nhà đầu tư đang mất kiên nhẫn. Suốt mấy tháng gần đây, thị trường chứng khoán không có phiên giao dịch nào bùng nổ, dòng tiền tham gia nhỏ giọt. Trong quý III/2024, thanh khoản bình quân trên sàn HoSE cũng chỉ đạt 14.157 tỷ đồng/phiên, giảm 20% so với quý trước đó.

Còn thị trường vàng, dù mang lại lợi nhuận lớn nhất cho nhà đầu tư từ đầu năm tới nay, song đang trong giai đoạn điều chỉnh. Giá vàng thời gian tới rất khó dự đoán bởi chính sách của chính quyền tân Tổng thống Mỹ chưa được công bố.

Trong bối cảnh này, nhiều quỹ đầu tư cũng đưa ra khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng để chờ đợi. Theo đại diện AFA Capital, trong bối cảnh thị trường chứng khoán, bất động sản đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay, việc giữ tiền mặt hoặc các tài sản thanh khoản giúp nhà đầu tư có thể nắm bắt cơ hội khi thị trường có dấu hiệu phục hồi.

Ngân hàng đua tăng lãi suất hút tiền gửi

Giảm lãi suất sẽ tác động đến tỷ giá. Chính vì vậy, thời gian qua, ngân hàng Nhà nước phải cân bằng các mục tiêu, nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỷ giá, có thể tạo tâm lý không yên tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Thời gian tới, việc có tiếp tục giảm lãi suất hay không phụ thuộc vào diễn biến kinh tế trong nước và thế giới, cũng như thanh khoản hệ thống ngân hàng.

- Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Mặc dù tiền gửi vào ngân hàng đang tăng kỷ lục, song tổng huy động vốn vẫn thấp hơn tổng dư nợ cho vay. Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến hết tháng 9/2024, tín dụng toàn hệ thống đạt 14,7 triệu tỷ đồng, trong khi huy động vốn chỉ đạt 14,5 triệu tỷ đồng (tín dụng cao hơn huy động vốn 200.000 tỷ đồng). Do đó, để đáp ứng nhu cầu vay vốn từ nay đến cuối năm, các ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh huy động vốn.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, thông thường, tín dụng tăng mạnh cuối năm, ước đạt 15% cả năm. Như vậy, trong 2 tháng cuối năm, tín dụng tăng khoảng 2%/tháng, đồng nghĩa hơn nửa triệu tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế.

Trong bối cảnh tín dụng tăng cao hơn huy động, áp lực huy động vốn càng tăng cao. Đây là lý do nhiều ngân hàng đang mạnh tay nâng lãi suất huy động. Tính từ đầu tháng 11/2024 tới nay, có hơn chục ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có GPBank, LPBank, Nam A Bank, IVB, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank, VietBank…

Đáng chú ý là, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã lên tới 5,95%/năm, kỳ hạn 13 tháng chính thức vượt 6%/năm. Mức lãi suất huy động trên 6%/năm với kỳ hạn dài đã xuất hiện tại nhiều ngân hàng, như Ocean Bank, BaoViet Bank, BVBank, HDBank, NCB, ABBank, Bac A Bank, Saigonbank…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc tăng lãi suất huy động sẽ giúp các ngân hàng giảm rủi ro thanh khoản, đảm bảo dòng vốn cho các hoạt động cho vay và duy trì tính ổn định cho hệ thống tài chính.

Nhóm chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VDSC đánh giá, việc ngân hàng tăng lãi suất đầu vào là cần thiết trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp tăng cao dịp cuối năm. Điều này cũng cho thấy sự linh hoạt của ngân hàng trong việc đảm bảo nguồn vốn để phục vụ nền kinh tế, đồng thời duy trì sự an toàn và tính thanh khoản cho hệ thống.

Ngoài nhu cầu tăng trưởng tín dụng, lãi suất huy động tăng cũng là cách để ngân hàng cạnh tranh với các kênh đầu tư khác.

Lãi suất huy động tăng khiến mục tiêu giảm thêm lãi suất huy động trở nên khó khăn hơn. Trong 10 tháng năm 2024, Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất điều hành, trong khi lãi suất cho vay giảm 0,76% so với cuối năm 2023. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sức ép tỷ giá từ thị trường quốc tế, cộng thêm sức ép cung ứng vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế vẫn còn lớn, khiến việc giảm thêm lãi suất thời gian tới trở nên khó khăn hơn.

Trần Mạnh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục