Thêm dư địa cho vay cuối năm
Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng LienVietPostBank cho biết, room tăng trưởng tín dụng năm 2017 của ngân hàng này vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng lên mức 21%.
Tuy nhiên, Ngân hàng kỳ vọng sang tháng 11/2017, sẽ được NHNN cho phép nâng lên mức 30% cho năm nay để có thêm dư địa mở rộng cho vay. Hiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của LienVietPostBank ở mức khoảng 43% và sẽ giảm dần theo quy định của NHNN tại Thông tư 06/2017/TT-NHNN.
Tại các ngân hàng VietinBank, Vietcombank, room tăng trưởng tín dụng cũng đã được NHNN cho phép tăng từ 16% lên mức 18%. Tại OCB, room tăng trưởng tín dụng được NHNN cho phép nới lên 21% để có thêm quota cho vay những tháng cao điểm cuối năm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng, quý IV/2017 luôn là thời điểm tốt để kinh doanh vốn. Vì thế, việc chuẩn bị tốt thanh khoản đã được thực hiện ngay từ các quý giữa năm.
Đến ngày 20/9/2017, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 9,59% so với cuối năm 2016 (tăng 15,36% so cùng kỳ 2016), hỗ trợ kiểm soát lạm theo mục tiêu trong bối cảnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý được điều chỉnh.
Tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 11,02% so với cuối năm 2016 - là mức tăng cao so với nhiều năm gần đây (cùng kỳ năm 2016 tăng 10,46% và cùng kỳ năm 2015 tăng 10,78%).
(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)
Trước đó, NHNN cũng đã chấp thuận cho các ngân hàng ACB, VIB nâng room tăng trưởng tín dụng từ mức 16% lên 24%... Đến tháng 6/2017, VIB đã sử dụng hết room tăng trưởng tín dụng được giao đầu năm ở mức 16%.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cũng cho hay, đến cuối quý II/2017, ngân hàng này đã gần cạn room tín dụng 16% được NHNN giao đầu năm. Ngoài ra, TPBank cũng được tăng room tín dụng từ 16% lên 20%.
Thực tế, tín dụng đã cải thiện ngay từ những tháng đầu năm 2017, đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Các ngân hàng kỳ vọng, tín dụng sẽ cải thiện vào các tháng cuối năm, nhu cầu vốn tăng cũng là thời điểm để đẩy mạnh kinh doanh vốn, từ đó gia tăng lợi nhuận.
Đề phòng rủi ro nợ xấu tái tăng
Như mọi năm, các ngân hàng thường tập trung tăng trưởng giai đoạn cuối năm. Với tốc độ như hiện nay, có thể thấy, tín dụng sẽ tăng vượt mục tiêu NHNN đề ra là 18 - 20%.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tếViệt Nam, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ Tướng cho rằng, nếu không thận trọng khi đẩy tín dụng tăng lên, thì trong những tháng tới, vốn chưa hẳn vào sản xuất, kinh doanh, rủi ro nợ xấu là khó tránh.
Theo TS. Alan Phạm, Kinh tế gia trưởng của Tập đoàn VinaCapital, so với 3 năm trước, hiện nợ xấu của ngành ngân hàng Việt Nam tạm ổn do các ngân hàng đã chuyển nợ xấu phần lớn sang Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tuy nhiên, VAMC cũng chỉ mới là “kho” chứa nợ xấu cho các ngân hàng để làm sạch bản cân đối kế toán tạm thời cho các nhà băng. Nếu sau 5 năm, các khoản nợ xấu đó không được xử lý triệt để, buộc ngân hàng phải nhận lại từ VAMC.
Chính sách của NHNN hiện nay cũng khuyến khích và ưu tiên các ngân hàng đẩy mạnh vốn cho vay, nhất là ở các lĩnh vực ưu tiên, trên cơ sở kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Tất nhiên, việc xử lý nợ xấu cũng cần được đẩy nhanh giải quyết, không thể kéo dài quá lâu vì sẽ ảnh hưởng đến giá trị tài sản đảm bảo, kể cả bất động sản có ấm lên, nhưng tài sản nằm bất động thì cũng sẽ không khai thác hiệu quả.