Tín dụng quý IV/2021 tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động tín dụng được các ngân hàng đẩy mạnh từ đầu quý IV/2021 nhằm bù đắp phần thiếu hụt do thời gian dài giãn cách xã hội để phòng chống dịch trước đó.
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng năm 2021 ước đạt khoảng 13%. Ảnh: Dũng Minh Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng năm 2021 ước đạt khoảng 13%. Ảnh: Dũng Minh

Tín dụng tăng mạnh quý cuối năm

Trong thời gian giãn cách, tín dụng của ngành ngân hàng giảm 0,23% tính đến cuối tháng 9/2021, tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng, nhưng bắt đầu tăng tốc từ tháng 10, khi các địa phương bắt đầu mở cửa trở lại. Theo đó, tín dụng trong tháng 10 và 11 tăng gần 3%, bằng gần một nửa 3 quý trước đó cộng lại, tương đương khoảng 200.000 tỷ đồng.

Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 diễn ra ngày 28/12/2021 vừa qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho hay, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tính đến ngày 22/12/2021 tăng 12,97% so với cuối năm 2020 và dự kiến cả năm sẽ đạt khoảng 14%.

Tại TP.HCM, số liệu thống kê của NHNN Chi nhánh Thành phố cho biết, tín dụng trên địa bàn tiếp tục đà tăng trưởng đều đặn trong quý cuối năm 2021, cụ thể là tháng 11 tăng hơn 2% so với tháng 10, cũng là tháng tăng thứ 2 liên tiếp,sau khi giảm 0,67% trong tháng 9, cho thấy tín hiệu tích cực trong phục hồi sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Thành phố.

Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, so với trước dịch thì cầu tín dụng chưa thể cao bằng, bởi sau khi “ốm dậy”, sức khỏe doanh nghiệp mới từng bước hồi phục nên chưa thể sớm đẩy mạnh mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh và một số lĩnh vực dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn do dịch. Với người dân, tác động của Covid-19 khiến thu nhập bị ảnh hưởng, cho nên nhu cầu vốn tiêu dùng, mua sắm cũng khó cao như những năm trước.

“Tín dụng toàn nền kinh tế năm 2021 dự báo đạt khoảng 10-12% và tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đến cuối tháng 11/2021 vào khoảng 10,1%. Như vậy, dư địa còn lại cho tăng trưởng cho vay tháng cuối năm vẫn còn nhiều”, ông Minh nói.

Thực tế, hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng đã cạn và mới được cấp thêm để đáp ứng nhu cầu vay tăng nhanh dịp kinh doanh cao điểm cuối năm. Theo đó, NHNN đã nới room tín dụng cho một loạt ngân hàng trong quý IV/2021 với mức tăng bình quân từ 1-6% tùy từng nhà băng.

TPBank là ngân hàng được cấp room cao nhất với 23,4% cho năm 2021, tăng so với mức 17,4% trước đó. Ba ngân hàng được giao tăng trưởng tín dụng trên 20% năm 2021 gồm Techcombank (22,1%), MSB (22%), MBBank (21%), các ngân hàng được nới room ở mức thấp hơn là VIB (19,1%), VPBank (17,1%), Vietcombank (15%)...

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho hay, việc nâng room tín dụng giúp các ngân hàng có thêm dư địa cho vay những tháng cuối năm 2021 nhằm hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, trong điều kiện nhiều ngân hàng đã chạm trần tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Dựa trên hạn mức cho vay mới, SSI Research ước tính, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng năm 2021 sẽ đạt khoảng 13%.

Lợi nhuận cũng sẽ khởi sắc

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, trong tháng 11/2021, Ngân hàng đã được NHNN nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 10% lên 15%. Điều này được kỳ vọng giúp Ngân hàng có thêm dư địa tăng trưởng trong tháng còn lại của năm, qua đó gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Trong bối cảnh dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng từ 1,6% cuối năm 2020 lên mức 1,9% như hiện tại vẫn trong tầm kiểm soát. Hơn nữa, hầu hết ngân hàng đều rất mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro, nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu tương đối lớn.

Năm 2021, Ban lãnh đạo OCB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 25%. Như vậy, sau khi room tín dụng mới được NHNN phê duyệt, OCB sẽ có cơ hội bứt phá trong quý IV/2021. Theo đó, lợi nhuận 2021 và 2022 của OCB được dự báo ở mức 5.300 tỷ đồng và 6.200 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 20% và 17% (trong 9 tháng đầu năm 2021, OCB đạt 3.768 tỷ đồng lợi nhuận).

Với VPBank, biên lãi ròng (NIM) dự báo tăng trở lại trong quý IV/2021, một trong trong những yếu tố hỗ trợ là nguồn vốn chi phí thấp từ thương vụ thoái vốn tại FE Credit. Trong năm 2022, VPBank có thể tiếp tục có các nguồn vốn chi phí thấp nếu phát hành thành công cổ phần cho đối tác chiến lược. Trên cơ sở đó, SSI Research dự báo lợi nhuận 2021 và 2022 của VPBank có thể duy trì mức tăng trưởng lần lượt là 22% và 23%, cho dù áp lực trích lập dự phòng rủi ro vẫn lớn.

VIB kỳ vọng bứt phá tăng trưởng trong quý IV/2021 khi cho vay mua, sửa chữa nhà và cho vay mua ô tô của VIB duy trì đà tăng trưởng ổn định. CASA (tiền gửi không kỳ hạn) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với tỷ lệ gần 20%. Trong đó, tỷ trọng đóng góp của kênh số tăng mạnh qua từng quý.

Bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ của VIB chia sẻ, 5 năm qua, ngân hàng bán lẻ luôn là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh của Ngân hàng và trong tương lai vẫn sẽ như vậy. “Chúng tôi vượt qua những thách thức từ đại dịch và có chiến lược tận dụng cơ hội từ điều kiện bình thường mới để tạo bứt phá trong quý IV/2021 với lợi nhuận dự kiến ở mức cao”, bà Hương nói.

Giới phân tích tài chính cũng đưa ra nhận định rằng, các chỉ số hoạt động của các ngân hàng trong năm 2021 không đến mức u ám, nếu không muốn nói là khá tích cực nhờ 3 yếu tố: Mục tiêu tín dụng 13% trong năm 2021 được hỗ trợ bởi việc nới room tín dụng trong quý IV/2021; nhiều ngân hàng gia tăng tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục đầu tư, nhờ đó cải thiện được NIM do lãi suất cao hơn so với cho vay trực tiếp; ngân hàng tập trung huy động CASA giúp giảm chi phí vốn, gia tăng hiệu quả cho vay.

Thực tế, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nhu cầu tín dụng cũng như dự phòng của ngân hàng, song không làm điều chỉnh giảm quá nhiều lợi nhuận do phần lớn ngân hàng đã hoàn thành khoảng 80% kế hoạch lợi nhuận sau 3 quý đầu năm 2021.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), lợi nhuận 3 quý đầu năm 2021 của các ngân hàng tăng cao có sự đóng góp không nhỏ của lãi dự thu. Ông Hùng cho biết, hiện quy mô khoản lãi dự thu ở các ngân hàng vẫn khá lớn và có xu hướng tăng, nhất là trước tác động của đại dịch Covid-19. Điều này tiềm ẩn rủi ro lợi nhuận ngân hàng bị “thổi phồng”, trong khi con số nợ xấu không được phản ánh đầy đủ trên sổ sách và những ngân hàng quy mô lớn hơn cũng ghi nhận lãi dự thu tăng mạnh. Đó là chưa kể, lãi và phí dự thu còn được xem như một nguồn lãi “ảo” của ngân hàng, vì có thể được ghi nhận vào lợi nhuận khi trên thực tế chưa có tiền thu về.

Chẳng hạn, Techcombank ghi nhận các khoản phải thu tính đến cuối tháng 9/2021 ở mức 24.883 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số hồi đầu năm là hơn 16.572 tỷ đồng; lãi và phí phải thu 9 tháng ở mức hơn 6.223 tỷ đồng, so đầu năm là hơn 5.184 tỷ đồng. Tương tự, các khoản phải thu tính đến cuối quý III/2021 của MBBank là trên 22.266 tỷ đồng, trong khi đầu năm ở mức 18.350 tỷ đồng...

Bà Phạm Thùy Dương, Phó giám đốc Bộ phận Phân tích, Dragon Capital cho rằng, nợ xấu tăng đang là mối bận tâm lớn của các ngân hàng, nhưng nếu xét ở góc độ đầu tư thì vấn đề chưa quá bi quan. Theo bà Dương, trong bối cảnh dịch bệnh, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng từ 1,6% cuối năm 2020 lên mức 1,9% như hiện tại vẫn trong tầm kiểm soát. Hơn nữa, hầu hết ngân hàng đều rất mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro trong 3 quý đầu năm 2021, nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu tương đối lớn, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực từ nợ xấu tăng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục