Còn nhớ 2 năm trước đây, mặc dù tín dụng quý I tăng trưởng không cao (quý I/2015 tín dụng tăng 1,91%; quý I/2016 tăng 1,79%) song tăng trưởng GDP vẫn đạt tương ứng 6,03% và 5,48%. Điều này đã thay đổi vào quý I năm nay khi theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 23/3/2017, tổng tín dụng các ngân hàng cung ứng cho nền kinh tế đã tăng 3,14% so với cuối năm 2016.
Tín dụng tăng trở lại được dự báo từ cuối năm ngoái khi nền kinh tế đã ổn định và phục hồi trở lại. Tín dụng thường song hành với tốc độ tăng trưởng kinh tế, bởi đây là nguồn vốn chủ yếu cho cấu phần I trong công thức tính GDP (C+I+G+EX). I (investment) là vốn đầu tư cho nền kinh tế mà tín dụng hiện đang chiếm khoảng 65% bên cạnh các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vốn từ ngân sách và từ dân cư…
Vấn đề ở chỗ, tín dụng tăng nhưng GDP lại diễn biến ngược chiều so với cùng kỳ.
Tất nhiên, theo công thức tính GDP đề cập phía trên thì tín dụng cũng chỉ có một phần vai trò trong quyết định tăng trưởng của nền kinh tế, bên cạnh tiêu dùng, chi tiêu chính phủ và chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu,… Tuy nhiên, trước những diễn biến khác quy luật, cần có sự đánh giá một cách thận trọng hơn.
Băn khoăn đích đến của tín dụng
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện nhiều và vẫn dựa chủ yếu vào vốn đầu tư, trong đó vốn tín dụng là một kênh vô cùng quan trọng khi mà hiện một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp đang sống dựa vào nguồn vốn tín dụng.
Cũng có ý kiến cho rằng, mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng kinh tế có độ trễ khoảng 5-6 tháng. Tuy nhiên, nhìn lại năm 2016, tăng trưởng tín dụng khá cao 18,71% và tập trung chủ yếu vào giai đoạn cuối năm. Nếu chiểu theo lý thuyết trên, lượng tín dụng này phải tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế quý I năm nay.
Bởi vậy, với việc tín dụng tăng cao song tăng trưởng chỉ đạt thấp không khỏi khiến nhiều người tỏ ra băn khoăn về đích đến cũng như hiệu quả của đồng vốn mặc dù NHNN khẳng định, dư nợ tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 80%.
Theo một Báo cáo của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, mặc dù tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản đã tăng chậm lại trong năm 2016 khi chỉ tăng 12,5% so với cuối năm 2015, thấp hơn nhiều so với mức tăng tới 28,3% của năm 2015. Tuy nhiên, đã có sự “biến tướng” khi tín dụng tiêu dùng 2016 ước tăng tới 39% so với cuối năm 2015, chiếm 11,4% tổng tín dụng (năm 2015 là 9,8%). Trong đó, gần 50% tín dụng tiêu dùng tập trung vào cho vay sửa chữa nhà, mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương của khách hàng vay.
Báo cáo tình hình kinh tế quý I và dự báo cả năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế đến 31/3/2017 tăng 6,2% cuối năm 2016. Khu vực ngân hàng tiếp tục là kênh cung ứng vốn chủ yếu, chiếm 59,8% tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ thị trường tài chính. Vốn cung ứng từ thị trường chứng khoán cho nền kinh tế tăng 10,6% so với cuối năm 2016.
Không thể phủ nhận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã giúp thị trường bất động sản “sống lại” sau nhiều năm “chết lâm sàng”. Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết, lượng giao dịch bất động sản tháng 3/2017 đã tăng trở lại sau khi chững lại dịp Tết Nguyên đán. Tại Hà Nội, trong tháng 3 có khoảng 1.000 giao dịch thành công, tăng 17% so với tháng 2.
Tại TP. HCM, có khoảng 1.100 giao dịch thành công, tăng 22% so với tháng 2. Nhìn chung, thị trường bất động sản 3 tháng đầu năm tiếp tục phát triển, các giao dịch chủ yếu vẫn diễn ra tại phân khúc trung và cao cấp.
Còn đánh giá của CBRE cho biết, tiếp tục tâm lý lạc quan từ năm 2016, quý I/2017 ghi nhận mức tăng ấn tượng, đáng chú ý ở Hà Nội là giá chung cư và biệt thự. Ở phân khúc chung cư, tổng cộng có 9.398 căn hộ mở bán từ 35 dự án trên toàn Thành phố, cho thấy mức tăng theo quý cả về số lượng và dự án mở bán. Xét về giá chào bán, các dự án đặt tại các vị trí đắc địa, cung cấp đầy đủ các tiện nghi, tiện ích cho cư dân có xu hướng tăng giá. Tất cả các phân khúc chung cư đều chứng kiến mức tăng giá sơ cấp tính theo năm.
Trong đó phân khúc cao cấp và hạng sang tăng mạnh nhất ở mức 8,4% và 12,3%. Đặc biệt, tại thị trường thứ cấp, mức giá trung bình toàn thị trường tăng 0,5% theo năm.
Những con số trên đã tạo ra một câu hỏi, phải chăng tín dụng lại tái diễn cảnh tập trung vào bất động sản, dưới hình thức tín dụng tiêu dùng (!?)
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, để tín dụng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thì dòng vốn phải thực sự đi vào sản xuất kinh doanh, nếu tín dụng đẩy vào những tài sản bất động sản được mua đi - bán lại sẽ không đóng góp nhiều cho tăng trưởng kinh tế.
“Người dân vay tiền ngân hàng mua nhà rồi bán lại kiếm lợi khiến dư nợ tín dụng của toàn ngân hàng tăng, trong khi đó, vốn cho bất động sản trong trường hợp này không sản xuất hay còn gọi là tài sản sinh lời nhưng không hỗ trợ sản xuất nên cho dù tín dụng được đẩy vào bất động sản có đến 3-4% thì tăng trưởng kinh tế cũng không tăng”, TS. Hiếu nói.
Bởi vậy, để gia tăng hiệu quả dòng vốn đối với nền kinh tế cũng như giảm thiểu rủi ro, cần phải kiểm soát chặt đích đến của dòng tín dụng. NHNN cũng cho biết, định hướng, giải pháp điều hành tín dụng trong thời gian tới sẽ kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Triển khai cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh...
Đặc biệt, NHNN nhấn mạnh, sẽ theo dõi sát tình hình cấp tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như tín dụng trung, dài hạn; tín dụng đối với nhóm khách hàng lớn, các dự án BOT, BT giao thông; tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.