Tín dụng ngân hàng tăng nhanh 5 tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế hồi phục đẩy cầu vốn trở lại. Điều này được chứng minh qua tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng 5 tháng đầu năm 2022.
Tín dụng ngân hàng tăng nhanh 5 tháng đầu năm

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, tính đến 20/5, tín dụng toàn ngành kinh tế tăng 7,66%, còn tính tới 27/5 ước tăng 7,75%, tăng cao hơn gấp 2 lần cùng thời điểm năm 2021.

Đáng nói, tín dụng tăng đều vào tất cả lĩnh vực của nền kinh tế chứ không phải dồn vào một vài lĩnh vực. Thậm chí, một số lĩnh vực gặp khó khăn thời gian qua lại có mức tăng trưởng tín dụng cao: tín dụng vận tải, du lịch, dịch vụ tăng 8,25%, tín dụng công nghiệp phụ trợ tăng trên 7,6%...

Còn riêng tại khu vực TP.HCM, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn thành phố 5 tháng tăng 8,4% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, cùng kỳ này năm 2021 tín dụng tăng 4,76%; năm 2020 tăng 1,75% và năm 2019 tăng 6,47%.

Thực tế, các ngân hàng đều ghi nhận tín dụng tăng vọt trong quý đầu năm nay, nhiều ngân hàng tăng gấp đôi cùng kỳ, vượt ngưỡng 10% chỉ trong ba, bốn tháng đầu năm 2022.

Trong 27 ngân hàng niêm yết trên HOSE, HNX và giao dịch trên UPCoM, có 18 nhà băng ghi nhận tăng trưởng cho vay khách hàng quý I/2022 cao hơn năm ngoái.

Trong đó, phải kể tới nhóm ngân hàng quốc doanh khi 3 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng VietinBank đạt tới 8,7%, Vietcombank với 7,1%, còn BIDV tăng trưởng cho vay 4,7%.

Riêng với Vietcombank, nếu tính lũy kế tới 5 tháng đầu năm 2022, tín dụng hơn 9%, trong khi hạn mức năm nay tăng trưởng chỉ 15%.

Trong khi đó, quý I năm ngoái, VietinBank gần như không tăng trưởng tín dụng, mức tăng của Vietcombank chỉ 3,8%, còn BIDV là 1,6%.

Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, mức chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng trong quý I/2022 và cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của MB đạt hơn 14,3% sau ba tháng đầu năm, so với mức tăng 8,6% cùng kỳ năm trước. HDBank tăng trưởng cho vay với biên độ hơn gấp đôi...

Mức tăng trưởng mạnh hiếm thấy của tín dụng đã khiến nhiều ngân hàng lớn gần cạn "room" ngay trong đầu quý II/2022.

Vì thế, để có dư địa triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, các nhà băng vừa đồng loạt đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay. Đề nghị này cũng xuất phát từ thực tế là tín dụng trong những tháng đầu năm nay đã tăng vọt.

Liên quan đến vấn đề nới room tín dụng, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngay từ khi phân bổ room tín dụng kỳ đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước đã nhận thấy tín dụng năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm trước rất nhiều.

Tuy nhiên, điều quan trọng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào để kiểm soát lạm phát.

Theo ông Tú, nới hạn mức tăng trưởng tín dụng là một đề xuất rất cần thiết của các ngân hàng thương mại. Và cơ quan quản lý cũng sẽ xem xét, tính toán, điều hành khối lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế.

Trong đó, tăng trưởng tín dụng đầu tiên là phải phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, phù hợp với chính sách lãi suất và các quan hệ vĩ mô khác; đồng thời tạo dư địa để cho chính sách hỗ trợ lãi suất 2% được thực hiện.

SSI Research cho rằng, nguyên nhân một phần là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn chững lại (giao dịch trái phiếu doanh nghiệp được tính trong tăng trưởng tín dụng).

Một phần khác, tăng trưởng tín dụng tại hầu hết các ngân hàng lớn đã gần chạm mức trần tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra đầu năm, do vậy giải ngân tín dụng mới sẽ được các ngân hàng cân nhắc hơn.

Trong giai đoạn cuối năm, SSI Research cho rằng, Vietcombank và MB có thể có lợi thế về tăng trưởng tín dụng trong năm nay, do hai ngân hàng này có kế hoạch tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng "0 đồng".

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục