Tín dụng mua nhà sẽ tăng trở lại vào năm tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Trịnh Bằng Vũ, Giám đốc Khối Bán lẻ Ngân hàng Shinhan Việt Nam. 
Tín dụng mua nhà sẽ tăng trở lại vào năm tới

Ông đánh giá thế nào về động thái kéo dài thêm thời hạn áp dụng Thông tư 22/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn?

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản lấy ý kiến các tổ chức tín dụng về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 22/2019/TT-NHNN, trong đó có việc lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung - dài hạn.

Theo đó, có 2 phương án được đưa ra: Một là các ngân hàng tiếp tục giữ tỷ lệ tối đa 40% vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn  đến 31/3/2021 và sẽ hạ dần theo tỷ lệ cũ trong các năm tiếp theo; hai là sẽ duy trì tỷ lệ 40% đến hết ngày 30/9/2021 và hạ dần sau đó.

Theo tôi, dù là phương án nào thì việc kéo giãn lộ trình áp dụng như trên là phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là khi đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực và còn diễn biến phức tạp. Ðiều này sẽ tác động tích cực lên cả thị trường tín dụng và thị trường bất động sản.

Vậy tín dụng cho cá nhân vay mua nhà trong nửa cuối năm 2020 cũng như năm 2021 sẽ tích cực hơn?

Như chúng ta đã biết, dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới. Trong 6 tháng đầu năm 2020, GDP Việt Nam chỉ tăng 1,81% - thấp nhất trong nửa đầu năm của cả giai đoạn 2011-2020.

Trong bối cảnh đó, việc phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc lớn vào khả năng khống chế dịch và theo chúng tôi, mọi kịch bản dự đoán đều không chắc chắn.

Tuy nhiên, với việc khống chế dịch tốt và nền kinh tế vẫn tăng trưởng dương trong nửa đầu năm, các hoạt động sản xuất - kinh doanh nói chung và tín dụng mua nhà nói riêng sẽ từng bước hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2021.

Theo ông, rào cản trong cho vay mua nhà của khách hàng cá nhân hiện nay là gì?

Ông Trịnh Bằng Vũ.

Theo chúng tôi, thị trường tín dụng nhà ở của khách hàng cá nhân hiện nay tồn tại 3 rào cản chính, thứ nhất là về giá.

Hiện nay, giá nhà ở bình quân, đặc biệt tại khu vực thành thị, còn khá cao so với thu nhập bình quân của đại đa số người dân có nhu cầu mua nhà.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay mua nhà tại Việt Nam cũng cao hơn so với so với các nước khác trong khu vực, từ đó tác động trực tiếp lên giá nhà ở.

Thứ hai là về pháp lý trong quản lý hoạt động bất động sản, đặc biệt liên quan đến các sản phẩm của phân khúc nhà dự án như căn hộ, condotel… đang khiến thị trường nhà ở vẫn chưa được tháo gỡ tại các nút thắt để phát triển thuận lợi hơn.

Thứ ba là nguồn vốn tham gia thị trường, chủ yếu là sự yếu kém về nguồn vốn tự có của các chủ đầu tư, dẫn đến phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng hoặc từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, mà như chúng ta đã biết, hiện có không ít ý kiến quan ngại việc huy động vốn rầm rộ từ thị trường này với người mua chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp nên dễ dẫn đến rủi ro.

Ðây là một trong những lý do khiến cơ quan quản lý phải kiểm soát chặt chẽ hơn việc huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây.

Ông có đề cập lãi suất vay mua nhà đang thấp, vậy lãi suất cá nhân vay mua nhà của Shinhan Bank hiện ra sao?

Hiện Shinhan Bank đang áp lãi suất đối với khách hàng cá nhân mua nhà quanh mức 7,5%/năm (cố định trong 1 năm đầu), 8,3%/năm (cố định trong 2 năm đầu) và 9,4%/năm (cố định trong 3 năm đầu).

Sau thời gian ưu đãi, khoản vay sẽ được áp dụng lãi suất thả nổi theo công thức: “Lãi suất cơ sở + biên độ”. Hiện nay, tổng mức lãi suất thả nổi (lãi suất cơ sở + biên độ) của Shinhan Bank chỉ khoảng 10%/năm, còn mặt bằng chung trên thị trường là 11-13%/năm.

Số tiền cho vay mua nhà tối đa áp dụng cho từng trường hợp khách hàng cụ thể phụ thuộc vào giá trị định giá tài sản thế chấp để bảo đảm cho khoản vay, cũng như năng lực trả nợ của từng khách hàng theo khung đánh giá của Ngân hàng, tối đa đến 70% giá trị định giá của bất động sản là nhà ở tại khu vực Hà Nội và TP.HCM.

Tất nhiên, số tiền vay cuối cùng còn phụ thuộc vào năng lực trả nợ của từng khách hàng như tổng mức thu nhập, số tiền còn lại dùng để trả nợ mỗi tháng sau khi khấu trừ các khoản chi tiêu, vay nợ khác (nếu có)… với thời gian vay đề nghị cụ thể.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục