Tín dụng kỳ vọng tăng mạnh

(ĐTCK) Với tín hiệu khả quan ngay từ đầu năm, tín dụng quý I cũng như cả năm 2025 được kỳ vọng tăng mạnh, hàng triệu tỷ đồng được “bơm” ra sẽ hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng cao.
Sức cầu tín dụng đang được cải thiện. Ảnh: Dũng Minh

Dư nợ tăng

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025 và Ngân hàng Nhà nước sớm phân bổ room tín dụng, các ngân hàng nỗ lực đẩy mạnh hoạt động cho vay, giúp tín dụng ngay trong tháng đầu năm tăng trưởng, thay vì suy giảm như cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 3/2/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với cuối năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2024 giảm 0,6%.

Trước đó, kết thúc năm 2024, quy mô tín dụng nền kinh tế đạt trên 15,6 triệu tỷ đồng, tăng 15,08% so với cuối năm 2023. Các ngân hàng thương mại có vai trò to lớn trong việc cấp tín dụng đối với nền kinh tế, chiếm khoảng 92,6% tỷ trọng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho hay, đến cuối tháng 1/2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố đạt 3.944.500 tỷ đồng, tăng 0,04% so với cuối năm 2024 và tăng 12,43% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn giảm 0,73%, nhưng cho vay trung và dài hạn tăng 0,77%. Mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng tháng 1/2025 thấp, song đây là điểm khác biệt so với cùng kỳ 2 năm trước, khi tín dụng tháng 1/2024 giảm 0,93%, tháng 1/2023 giảm 0,48%.

“Tín dụng tăng trong tháng 1/2025, tháng đầu tiên của năm cùng với những yếu tố thuận lợi sau Tết Âm lịch khi các hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch tăng trưởng tốt, đơn hàng tăng… sẽ là động lực để duy trì tốc độ tăng trưởng trong những tháng tiếp theo và đạt được mục tiêu định hướng, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch năm”, ông Lệnh nói.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB nhận định, sức cầu tín dụng sẽ tiếp tục cải thiện, với sự gia tăng các nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp trong nước và sức cầu của người tiêu dùng.

Năm 2025, nền kinh tế có thể được “bơm” thêm 2,5 - 3 triệu tỷ đồng.

Theo ông Phát, với mục tiêu tín dụng toàn ngành dự kiến tăng trưởng 16%, kế hoạch của ACB năm nay tăng trưởng 17 - 18%. Ngân hàng sẽ tập trung cho vay các doanh nghiệp lớn đầu ngành, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp sản xuất có tỷ trọng xuất khẩu cao. Đối với khách hàng cá nhân, ACB tập trung cho vay hộ sản xuất và cho vay mua nhà đất riêng lẻ dự kiến hồi phục tốt và là phân khúc dẫn dắt xu hướng tăng giá của thị trường địa ốc.

Nhiều tổ chức tín dụng kỳ vọng, nhu cầu vay vốn sẽ cải thiện, giúp tín dụng toàn ngành có thể đạt mức tăng trưởng 3,4% trong quý I và tăng 14,2% trong năm 2025. Đây là kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2025 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện.

Kỳ vọng của các tổ chức tín dụng được một chuyên gia tài chính đánh giá là khả thi, bởi bên cạnh tín dụng hướng vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, thì bất động sản và hạ tầng cũng được coi là động lực tăng trưởng tín dụng năm 2025. Năm nay, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%, tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới, nên tín dụng ngân hàng sẽ là kênh dẫn vốn quan trọng. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công và ngành ngân hàng sẽ mở rộng tín dụng hướng vào các loại bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực, bất động sản là vệ tinh của các đại dự án, trục giao thông công cộng như phát triển nhà ga, đường sắt, các đô thị nhỏ...

Kích cầu vốn

Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với các ngân hàng, bàn giải pháp bơm 2,5 - 3 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế trong năm 2025. Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% (tương đương bơm thêm gần 2,5 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế). Tuy nhiên, nếu tăng trưởng GDP lên đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18 - 20%, tức ngành ngân hàng sẽ bơm ra nền kinh tế 2,8 - 3,1 triệu tỷ đồng. Để hỗ trợ tăng trưởng GDP, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đổi mới cơ chế cấp room tín dụng. Nhờ được cấp room tín dụng sớm, nhiều ngân hàng đã xây dựng kế hoạch tăng tốc tín dụng ngay từ đầu năm.

Các ngân hàng đã và đang từng bước đẩy mạnh kích cầu tín dụng như Vietcombank cho vay với lãi suất ưu đãi từ 4,6%/năm dành cho khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất - kinh doanh ngắn hạn, quy mô gói tín dụng lên tới 250.000 tỷ đồng. ACB cho vay mua nhà với lãi suất từ 5,5%/năm…

Chuyên gia của VinaCapital nhận định, Chính phủ sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025 bằng cách đẩy mạnh đầu tư công. Để huy động đủ vốn cho các đại dự án, ngoài ngân sách nhà nước, cần có sự tham gia của các ngân hàng. Ngoài ra, tín dụng xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản được kỳ vọng tăng trưởng khả quan, ngay cả khi thương chiến xảy ra.

Các yếu tố thuộc cơ chế chính sách tiền tệ - tín dụng như lãi suất, hạn mức tín dụng và các gói tín dụng cho các chương trình, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế (xuất khẩu, tiêu dùng, nhà ở xã hội…) tiếp tục là yếu tố thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và cả đối với các tổ chức tín dụng trong quá trình khai thác và sử dụng vốn.

Cơ chế chính sách tiền tệ và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, sự hấp thụ vốn và tăng trưởng của nền kinh tế cùng với các giải pháp và hành động cụ thể của ngành ngân hàng trong năm 2025 sẽ là yếu tố nền tảng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Mặt bằng lãi suất thấp sẽ tạo lực đẩy cho nhu cầu vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và tiêu dùng cũng như vay mua nhà; tín dụng bán buôn duy trì ổn định…

Lãi suất huy động được PSG.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, sẽ đi ngang trong năm 2025, khi ngành ngân hàng nỗ lực thúc đẩy tín dụng. Lãi suất cho vay có thể duy trì ở mức thấp cho đến giữa năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế, song có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng. Với tác động từ các yếu tố trên thế giới như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng tạm dừng cắt giảm lãi suất, lãi suất tại Việt Nam sẽ khó giảm, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước đã duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian dài, lạm phát “sẵn sàng” ở mức 3,7 - 4% nên không còn nhiều dư địa để hạ thêm lãi suất, mà cần tập trung vào chính sách tài khóa.

Các chuyên gia SSI kỳ vọng, với sự quyết tâm của Chính phủ trong việc giải quyết vấn đề bất động sản, một số dự án có hồ sơ pháp lý chưa hoàn thiện có thể được giải quyết và tái khởi động trong năm 2025, giúp ngân hàng thu hồi nợ từ người mua nhà. Tuy nhiên, vấn đề dòng tiền của chủ đầu tư và niềm tin người mua vẫn là yếu tố quan trọng, vì nếu chủ đầu tư không hoàn thành hợp đồng hoặc giao nhà đúng tiến độ, nợ xấu có thể gia tăng, nhất là ở nhóm khách hàng cá nhân.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục