Tăng nguồn thu từ dịch vụ
Trước bối cảnh tín dụng tuy đã cải thiện, nhưng còn khó khăn nhất định do nhu cầu vốn doanh nghiệp chưa cao và nợ xấu vẫn là rào cản đối với tăng trưởng dư nợ…, các nhà băng tìm cách đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, gia tăng nguồn thu. Trong đó, có dịch vụ phát hành thẻ (ATM, trả trước, tín dụng), hoạt động ngân hàng bán lẻ, liên kết công ty bảo hiểm để bán sản phẩm bảo hiểm (bancassurance)…
Tổng giám đốc SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho biết, kể từ năm 2016, SCB đặt mục tiêu mở rộng thị trường, mở rộng đối tượng khách hàng để khai thác tối đa nền tảng công nghệ thông tin mà Ngân hàng đã đầu tư. Ngoài ra, Ngân hàng cũng tăng cường hoạt động trong mảng dịch vụ, bán chéo sản phẩm để gia tăng doanh thu như liên kết với các công ty bảo hiểm và bán sản phẩm bảo hiểm của Công ty Bảo hiểm Bảo Long khi SCB đã nắm quyền chi phối tại công ty này.
Theo ông Văn, doanh thu từ Bảo Long đóng góp 630 tỷ đồng trong tổng doanh thu của SCB trong năm qua và dự kiến năm 2016 đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng doanh thu cho Ngân hàng. SCB đang tăng cường đẩy mạnh chiến lược bán lẻ, tài chính cá nhân.
Mới đây nhất, SCB và CTCP Quản lý Quỹ VinaWealth đã ký kết hợp đồng hợp tác triển khai sản phẩm quỹ mở (Mutual Fund) thông qua kênh ngân hàng tại Việt Nam. Trước đó, một số nhà băng khác cũng đã liên kết với VinaWealth để triển khai sản phẩm quỹ mở.
Còn đối với bancassurance, đã có hàng loạt ngân hàng bắt tay công ty bảo hiểm, gia tăng nguồn thu từ phí dịch vụ. Tuy nhiên, với mảng kinh doanh ngoại hối và vàng lại không còn thuận lợi như trước.
Còn nhớ, thời điểm 2007 - 2009 khi thị trường nở rộ sàn vàng và giá mặt hàng kim loại quý này tăng lên mức cao đã đem lại lợi nhuận nghìn tỷ cho không ít nhà băng. Tuy nhiên, thời hoàng kim đó đã xa.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng có thế mạnh về kinh doanh ngoại hối và vàng tại TP. HCM cho biết, hiện nay nguồn thu dịch vụ của ngân hàng chủ yếu phát sinh từ hoạt động tài trợ xuất nhập khẩu, thẻ và hoạt động bán lẻ. Riêng với kinh doanh ngoại hối và vàng, nhân viên chỉ duy trì cầm chừng và nguồn thu đóng góp vào tổng doanh thu của ngân hàng không đáng kể, do tỷ giá được kiểm soát và vàng cũng lặng sóng.
Thực tế, lợi nhuận ngân hàng lâu nay vẫn chủ yếu đến từ tín dụng, kể cả nhà băng lớn. Đến thời điểm này, đã có không ít ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 2 quý đầu năm. Trong đó, VietinBank ước đạt lợi nhuận trước thuế 4.273 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016 nhờ tín dụng tăng 7,7% so đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân ngành.
Lợi nhuận của Vietcombank tăng mạnh, đạt gần 4.200 tỷ đồng trước thuế trong 6 tháng. Nguyên nhân nhờ tín dụng của nhà băng này tăng trưởng mạnh nhất trong 4 năm trở lại đây với mức tăng 10,76% trong 6 tháng.
BIDV với lợi nhuận trước thuế 6 tháng ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm trước, một phần nhờ tín dụng cải thiện, tăng 8 - 9% so với đầu năm nay.
Nóng dần với bán lẻ
Cạnh tranh về bán lẻ ngày càng nóng hơn, do các ngân hàng đều đặt ra mục tiêu tăng trưởng bán lẻ ở mức rất cao 30 - 35% trong năm nay cũng như các năm tới. Với một thị trường dân số lớn, số lượng người tiếp cận dịch vụ ngân hàng còn ít, dịch vụ còn cơ bản… nên còn khá nhiều dư địa, cơ hội để khai thác và tăng trưởng.
Tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho biết, việc đặt ra mục tiêu tăng trưởng về bán lẻ mỗi năm 35% là một khát vọng lớn nhưng khả thi của Ngân hàng.
Có 2 yếu tố, thứ nhất đó là cơ hội của thị trường, nếu đẩy mạnh tăng trưởng bán lẻ được mức 30 - 35% thì sẽ giúp cho ACB mong chóng khôi phục hoạt động và có được thị phần tốt. Thứ hai và cũng chính là vấn đề cốt lõi là truyền thống của ACB trong hơn 20 năm qua đều chú trọng vào phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh chiến lược bán lẻ.
Trong năm 2015, ACB đã đạt được mục tiêu tăng tưởng về bán lẻ. ACB hy vọng, trong giai đoạn tiếp theo từ năm 2016 - 2018, sẽ giữ được đà tăng trưởng bán lẻ này. Trong năm 2016, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.503 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so năm trước.
Trong chiến lược đẩy mạnh bán lẻ năm 2016 của SCB, mục tiêu tăng trưởng tín dụng bán lẻ khoảng 30%, tỷ lệ cho vay vốn trung, dài hạn chiếm khoảng 16% trong tổng dư nợ. Tuy nhiên, theo ông Võ Tấn Hoàng Văn, muốn đẩy mạnh được bán lẻ cũng cần có sự đầu tư rất bàn bản, nên phải có tiềm lực về vốn đầu tư mới thực hiện được.
“Sự cạnh tranh sẽ tạo ra được dịch vụ tốt cho khách hàng, nhưng mỗi ngân hàng đều có phân khúc khách hàng của mình nên sẽ không lo ngại sự chồng lấn. Vì thế, SCB kỳ vọng sẽ sớm tìm được đối tác chiến lược nước ngoài, bán trên 50% cổ phần để đẩy mạnh chiến lược bán lẻ”, ông Văn cho biết.
Quả thực, việc đẩy mạnh bán lẻ, cho vay phân tán đã đem lại nguồn thu và lợi nhuận tích cực cho các nhà băng. VPBank là một điển hình khi đặt mục tiêu năm 2016, lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng đạt 171.017 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng đạt 156.358 tỷ đồng, tăng trưởng 33,8% so năm 2015. Năm 2015, cho vay khách hàng của ngân hàng này đạt 116.804 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước.
Theo VPBank, mức tăng trưởng cho vay cao là hợp lý trong bối cảnh 3 năm qua, Ngân hàng đã xây dựng bộ máy về hệ thống công nghệ quản trị rủi ro, vận hành, duy trì hoạt động an toàn. Ngoài ra, Ngân hàng đã tập trung cho vay vào phân khúc khách hàng chiến lược, tài chính tiêu dùng. Chính điều này đã đem lại kết quả lợi nhuận khả quan cho VPBank trong năm qua, lợi nhuận sau thuế của riêng Ngân hàng là 1.589 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của VPB FC đạt 975,6 tỷ đồng.
VIB cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng 2016 chưa kiểm toán, với mức lãi trước thuế đạt 303 tỷ đồng, giúp VIB đạt 45% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2016. Theo đó, dư nợ cho vay ở mức 51.319 tỷ đồng, tăng 7,4%; số dư tiền gửi đạt 57.248 tỷ đồng. Thu nhập từ phí và dịch vụ cao hơn 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Một phần do 6 tháng đầu năm nay, VIB triển khai hàng loạt chương trình và sản phẩm dịch vụ ưu đãi, hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tận dụng các gói hỗ trợ tài chính từ hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, áp lực trích lập dự phòng rủi ro vẫn đè nặng lên lợi nhuận của các nhà băng. Chẳng hạn, Eximbank là một trong những ngân hàng chịu áp lực dự phòng lớn khi nợ xấu tăng. Lợi nhuận trước thuế quý I/2016 của Ngân hàng còn 30 tỷ đồng, do dự phòng rủi ro tăng cao đột biến, chiếm 337 tỷ đồng. Nhà băng này cũng vừa điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế giảm đến 44% so với kế hoạch đưa ra đầu năm nay, còn 400 tỷ đồng.
Tại ACB, con số dự phòng rủi ro năm nay được lãnh đạo nhà băng đưa ra là 1.500 tỷ đồng. SCB là nhà băng đã bán lượng nợ xấu lên tới trên 15.000 tỷ đồng cho VAMC trong những năm qua sau thời gian hợp nhất và đẩy mạnh tái cơ cấu, nên áp lực trích lập dự phòng rất lớn.