Ông nhận định như thế nào về kinh tế Việt Nam năm 2020?
Hiện nay, kỳ vọng giai đoạn tiếp theo sẽ đổi chiều tăng trưởng, tức là kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Năm 2020, kinh tế có nhiều triển vọng đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,8% và bình quân cả 5 năm 2016 - 2020 tăng 6,8%/năm (so với mục tiêu kế hoạch bình quân 6,5 - 7%/năm).
Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng tích cực của tốc độ tăng trưởng, các yếu tố đóng góp chưa ổn định.
Nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng cao trong năm 2018 - 2019 khó duy trì trong năm 2020 như công nghiệp chế biến, xuất khẩu, sức mua thị trường nội địa, du lịch, thị trường bất động sản...
Về xuất khẩu, chúng ta chủ yếu xuất khẩu sản phẩm gia công, nếu tiếp tục xuất khẩu và thu hút đầu tư kiểu này và việc dồn vào một vài thị trường như Mỹ, hay xuất siêu một nơi, nhập siêu một nơi là không ổn, nhất là trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa lắng dịu hiện nay.
Được xem là “huyết mạch của nền kinh tế”, theo ông, hoạt động của ngành ngân hàng đã thay đổi ra sao sau một thời gian đẩy mạnh tái cơ cấu?
Những yếu tố từng gây bất ổn kinh tế vĩ mô như ngân hàng và được coi là “quả bom nổ chậm” thì hiện nay đã ổn định. Trước khi bắt tay vào quá trình tái cơ cấu và đẩy mạnh xử lý nợ xấu, không ít người lo ngại đến vấn đề xấu nhất là khó tránh sự đổ vỡ, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Hoạt động của ngành ngân hàng từng bước đẩy mạnh tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, loại dần ngân hàng yếu kém.
Theo tôi, sau một thời gian tái cơ cấu, cơ quan quản lý ngành ngân hàng nên “buông” những ngân hàng yếu kém hiện nay (CBBank, OceanBank, GPBank), có thể xem xét bán cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nợ xấu của ngành ngân hàng đến thời điểm này không còn là mối lo lớn đối với nền kinh tế?
Mục tiêu quan trọng của ngành ngân hàng thời gian qua và hiện nay là xử lý nợ xấu, thanh khoản và kiểm soát được tín dụng. Trong đó, với xử lý nợ xấu, ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Từ ngày lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và sau này có Nghị quyết 42/2017/NQ-QH của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trước đây.
Lũy kế từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (15/8/2017) đến 31/8/2019, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 236.800 tỷ đồng nợ xấu.
Cho đến thời điểm này, nợ xấu nội bảng của các ngân hàng theo báo cáo là dưới 2%. Hiện nay, đã đến thời hạn 5 năm bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng từng bước tất toán trái phiếu VAMC.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng được cho là sẽ giảm dần, liệu có hợp lý với đà phát triển của kinh tế Việt Nam?
Tôi cho rằng, việc kiểm soát mục tiêu tăng trưởng tín dụng là phù hợp, nhằm tránh phụ thuộc vào tín dụng của doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp ở lĩnh vực bất động sản.
Với điều kiện cung - cầu về nguồn vốn hiện nay, duy trì mức tăng trưởng tín dụng 14% là hợp lý.
Trước đây, tín dụng ngành ngân hàng từng có giai đoạn tăng cao, nhưng hậu quả để lại là nợ xấu.
Trong đó, chủ yếu là nợ xấu ở lĩnh vực bất động sản, do ngân hàng không kiểm soát được chất lượng khoản vay cũng như mục đích sử dụng dòng tiền, nhưng nay tình hình đã thay đổi.
Ngân hàng cũng khó có thể tăng trưởng tín dụng cao, mà phải theo mục tiêu tăng trưởng chung của ngành cũng như hạn mức được phân bổ và tăng cường kiểm soát rủi ro nợ xấu.
Trong năm qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản ồ ạt phát hành trái phiếu huy động vốn với lãi suất cao, ông có nhận xét gì?
Việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn, giảm dần phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng cũng là giải pháp.
Thị trường vốn của Việt Nam hiện nay chưa thực sự sôi động nên để có thể huy động được vốn, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao. Tuy nhiên, cũng nên thận trọng với diễn biến này.
Thị trường bất động sản và thị trường tài chính, nhất là vấn đề condotel (căn hộ khách sạn) và trái phiếu doanh nghiệp đang có nguy cơ châm ngòi bất ổn.
Bài học “bong bóng” chứng khoán năm 2006 và “bong bóng” bất động sản năm 2007 để lại hậu quả nặng nề cho nền kinh tế, dẫn đến cuộc “tiểu khủng hoảng” 2008 - 2011 cần được rút kinh nghiệm để ngăn chặn nguy cơ tiềm ẩn.
Vừa qua, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã có cảnh báo về việc đua lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản.
Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, trong điều kiện chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4% thì khó có ngành nghề nào có thể kinh doanh có lãi với vốn huy động trái phiếu lãi suất 12 - 14%/năm. Vì thế, trái phiếu doanh nghiệp lãi suất cao có rủi ro khó lường.
Theo ông, mặt bằng lãi suất năm nay sẽ theo xu hướng nào khi tăng trưởng tín dụng ngành không quá 14%?
Lãi suất trong năm qua được giữ ổn định và duy trì sự ổn định trong năm nay đã là thành công. Hai năm gần đây, lãi suất cho vay cũng được kiềm chế.
Lãi suất cho vay VND ngắn hạn ở mức 6 - 7%/năm, trung và dài hạn từ 9 - 11%/năm, nhưng vẫn ở mức cao so với lạm phát dưới 4%.
Mặc dù vậy, với lãi suất cho vay bất động sản, gồm cả mua nhà, khó có khả năng giảm, bởi chủ trương giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn được duy trì, năm 2020 giảm từ 40% xuống 37% và sẽ tiếp tục giảm sau đó.
Đồng thời, hệ số rủi ro trong cho vay kinh doanh bất động sản được nâng lên mức 150 - 200%, thay vì 100% hiện nay.
Tuy nhiên, đối với lĩnh vực ưu tiên (sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp...), lãi suất nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo chủ trương của ngành ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp ở lĩnh vực này.