Tín dụng gần đây tăng nhanh, nhưng khó đạt mục tiêu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cuối tháng 10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,39% so với cuối năm 2022, cải thiện đáng kể so với mức 7,1% tính đến ngày 27/10.
Lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới tại nhiều ngân hàng hiện giảm hơn 2%/năm so với đầu năm Lãi suất trung bình của những khoản cho vay mới tại nhiều ngân hàng hiện giảm hơn 2%/năm so với đầu năm

Tín dụng cả năm tăng khoảng 12% là hợp lý

Rào cản trở lớn nhất đối với tín dụng hiện nay được cho là tổng cầu yếu, doanh nghiệp khó tìm được đầu ra. Tiêu dùng trong nước chưa thể đạt được như kỳ vọng do tâm lý thắt chặt hầu bao của người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Chi tiêu đầu tư công dù đã cải thiện nhiều so với những năm trước, nhưng vẫn ở mức thấp.

Theo Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 31/10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, so với kế hoạch năm 2023 tăng 14%, thì mức thực hiện tín dụng mới chỉ đạt một nửa, dù 4 ngày cuối tháng 10 ghi nhận tăng thêm 0,29%.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn đến cuối tháng 10/2023 đạt 4,67%, thấp hơn so với cả nước (tăng 7,39%), song phù hợp với tình hình kinh tế chung.

PGS.TS. Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, tín dụng từ đầu năm đến nay tăng chậm là bình thường, đúng chu kỳ, nhưng cần tính đến điều xấu nhất để đưa giải pháp tốt nhất. Nếu GDP chỉ có khả năng tăng 4,7% thì phải tính lại mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Trường hợp GDP tăng 4,7 - 5%, thì tín dụng tăng 11 - 12% là phù hợp, không nên nhắc đến mục tiêu cả năm tăng 14 - 15%.

Tăng trưởng tín dụng năm nay được dự báo đạt 10 - 12,5% so mục tiêu ngành ngân hàng đề ra là 14%.

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng hiện tại, TS. Trần Hùng Sơn, giảng viên tài chính - ngân hàng, Trường đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, mục tiêu 14% mà ngành ngân hàng đưa ra năm nay hiện không còn khả thi. Tăng trưởng tín dụng cả năm có thể chỉ đạt khoảng 12%, do thị trường bất động sản trầm lắng, xuất khẩu giảm tốc, hoạt động sản xuất gặp khó khăn, khiến sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý IV/2023 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện cho thấy, tỷ lệ các tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu vay vốn của khách hàng cải thiện trong quý III/2023 thấp hơn so với quý II, cũng như thấp hơn với kỳ vọng trong kỳ điều tra liền trước. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 4,4% trong quý III/2023 và tăng 12,5% trong năm 2023. Kết thúc quý III/2023, tín dụng ở các ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt. Có nhà băng sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng được giao, song một số nhà băng mới chỉ đạt 3 - 4% và khó có thể tăng đột biến trong quý IV/2023.

PSG.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dồi dào, nhưng không ít doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện vay lại không muốn vay, vì không có đầu ra. Ngược lại, doanh nghiệp khác muốn vay lại chưa đáp ứng đủ điều kiện tín dụng, vì không còn tài sản đảm bảo, trong khi “sức khỏe” bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kinh tế trong và ngoài nước khó khăn. Vì thế, việc giảm lãi suất lúc này không hẳn là vấn đề mấu chốt để thúc đẩy hoạt động cho vay, nên khó kỳ vọng tín dụng tăng cao khi sức hấp thụ vốn còn yếu.

Vấn đề chính vẫn là đầu ra của doanh nghiệp

Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đánh giá, tín dụng năm nay tăng thấp so với năm ngoái có nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn của tình hình kinh tế trong và ngoài nước tác động đến doanh nghiệp, khiến nhu cầu đầu tư, tiêu dùng, tín dụng đều giảm. Trong khi đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quyền Tổng giám đốc ABBank, ông Phạm Duy Hiếu cho hay, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện kéo giảm mặt bằng lãi suất. Theo đó, các ngân hàng liên tục đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất để kích cầu tín dụng, đồng thời thực hiện rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của doanh nghiệp vẫn chưa cao khi đầu ra sản phẩm chưa hồi phục.

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 9/2023 có 4.124 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 5.273 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 1.441 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm, tháng 9 là 49,7 điểm, tháng 10 là 49,6 điểm, cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất suy giảm. Vì thế, nhu cầu vốn của khách hàng giả sử tăng cao trong dịp cận Tết thì tín dụng cả năm cũng khó có thể đạt mục tiêu.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ngân hàng giảm lãi suất, đơn giản thủ tục vay vốn, song doanh nghiệp không có nhiều đơn hàng nên không vay, dẫn đến ngân hàng “thừa tiền”. Trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp “bơm, hút” hợp lý, giúp ngân hàng có lượng vốn rẻ để trả lãi suất huy động, đồng thời sử dụng dòng tiền của ngân hàng vào phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Vấn đề quan trọng vẫn là phải giải quyết được đầu ra, kích thích tăng trưởng tiêu dùng trong nước mới có thể kỳ vọng đẩy mạnh tín dụng.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận xét, tăng trưởng tín dụng hiện ở mức thấp so với mục tiêu cả năm là 14%, nhưng thực chất, Việt Nam đang dùng đòn bẩy tài chính quá cao, tín dụng/GDP lên tới 130%.

“Trong tương lai, khi thị trường vốn phát triển thì tín dụng chỉ nên tăng mức 10%/năm, không nên ở mức 13 - 15% như hiện nay”, TS. Võ Trí Thành nói.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục