Tín dụng đen và tái cấu trúc ngân hàng

(ĐTCK-online) Tín dụng đen, theo hàm nghĩa của từ này, ám chỉ đến một điều gì đó thiếu minh bạch, thiếu công khai, phi chính thống và không được pháp luật thừa nhận.
Tín dụng đen và tái cấu trúc ngân hàng

Nhưng hệ thống tín dụng này vẫn tồn tại như một tất yếu khách quan từ xa xưa và xét một góc độ nào đó về việc đáp ứng các nhu cầu xã hội, nhu cầu tài chính của người dân thì hệ thống tín dụng này đươc gọi với một cái tên hiền hòa hơn và có nghĩa rộng hơn: tín dụng phi chính thức.

 

Giống như hệ thống "song" tỷ giá: tỷ giá chính thức của các ngân hàng và tỷ giá trên thị trường tự do, hệ thống tín dụng phi chính thức tồn tại song song với hệ thống tín dụng chính thức của các ngân hàng và các tổ chức tài chính. Sự tồn tại này dựa trên nguyên lý khi hệ thống chính thức không đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của người dân thì hệ thống phi chính thức sẽ đáp ứng cho phần thiếu hụt đó. Xét về mặt quy mô thì hệ thống phi chính thức luôn nhỏ hơn nhiều lần hệ thống chính thức.

 

Hiện tại, hệ thống tín dụng phi chính thức đang tạo ra một hệ lụy khó lường với hàng loạt vụ vỡ nợ 'tín dụng đen' với số tiền hàng trăm tỷ đồng. Mọi ý kiến, mọi góc nhìn đang cố lý giải tại sao hệ thống tín dụng đen lại có thể huy động được số tiền lớn như vậy. Còn các chuyên gia thì  cố lý giải căn nguyên tồn tại của hệ thống tín dụng đen này.

 

Đáng chú ý, có ý kiến thậm chí đổ lỗi cho sự yếu kém của hệ thống tín dụng chính thức của các ngân hàng đã tạo đất cho tín dụng đen phát triển và đặt vấn đề phải sớm tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng.

 

Nhận định này không hề sai nếu xét theo mối quan hệ tương hỗ giữa tín dụng chính thức và phi chính thức. Khi hệ thống tín dụng chính thức đang bị 'co lại' và bộc lộ hàng loạt vấn đề như hiện nay, thì hệ thống tín dụng phi chính thức sẽ có 'đất diễn' lớn hơn vì nhu cầu tài chính của dân cư và doanh nghiệp luôn có. Với đặc thù của hệ thống phi chính thức là không có sự kiểm soát thì những hình thức trục lợi, lừa đảo theo đúng nghĩa của cụm từ "tín dụng đen" sẽ bộc phát.

 

Đó là logic của vấn đề, nhưng nếu tái cấu trúc nhằm đưa hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn, hạn chế cơ hội phát triển của tín dụng đen có lẽ sẽ là không đủ.

 

Nói như vậy là bởi việc cấp tín dụng và cung cấp các dịch vụ tài chính, các ngân hàng chỉ có thể đảm đương một phần quan trọng chứ không thể phủ khắp nhu cầu của xã hội.

 

Một minh chứng là trong vài năm trở lại đây, các ngân hàng liên tục mở rộng mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch khắp cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài. Tuy vậy, các công ty tài chính tiêu dùng dù mới đi vào hoạt động như SGVF, Prudential... vẫn tìm kiếm được thị trường với những món vay nhỏ (thường dưới 200 triệu đồng), trực tiếp tới tay người tiêu dùng. Chưa hết, các quỹ tín dụng tại các địa phương, các công ty cho thuê tài chính, các công ty tài chính... dù doanh số không nhiều nhưng vẫn có những khách hàng riêng của chính mình.

 

Hệ thống tín dụng chính thức là như vậy, còn hệ thống tín dụng phi chính thức vẫn có những hình thái rất riêng để tồn tại. Vay mượn tại các chợ là hình thức được các tiểu thương ưa thích, rồi cầm đồ cũng là một dạng khác của vay mượn, hay những hình thức rất độc đáo như cho thuê phương tiện bán hàng rong tính lãi theo ngày không khác gì hoạt động của các công ty cho thuê tài chính, góp vốn dưới hình thức hụi phổ biến tại nhiều miền quê... Bên cạnh đó, hệ thống cho vay nặng lãi đâu đó vẫn được nhắc đến trong các vụ bắt giữ.

 

Nói những điều trên để có thể hình dung sơ bộ về khả năng bao quát thị trường tín dụng của các ngân hàng. Nhìn lại trong quá khứ, các ngân hàng đã có những nỗ lực để mở rộng hoạt động của mình nhằm thu hẹp 'lãnh địa' của tín dụng phi chính thức. Chẳng hạn như Ngân hàng Đông Á từ năm 1993 đã tiên phong phát triển hình thức tín dụng tại chợ, hay mở rộng hơn một chút là Eximbank thí điểm triển khai mua bán ngoại tệ theo giá thỏa thuận từ năm 2006 trong tổng thể mục tiêu rất lớn là thu hẹp thị trường ngoại tệ tự do...

Nhưng điều đó dường như đã bị quên lãng, không tạo được một hiệu quả rõ rệt. Thành thực mà nói, nếu các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tại chợ như Đông Á thì chi phí đầu tư sẽ lớn như thế nào và liệu có thể bao phủ nổi hàng  nghìn chợ trên cả nước không?.

 

Với bức tranh đó, có thể nói rằng, bên cạnh các ngân hàng giữ vai trò cung cấp tín dụng chủ đạo cho nền kinh tế, cần có các hệ thống tài chính khác như đề cập ở phần trên hoạt động vững mạnh mới có thể giúp hệ thống tín dụng chính thức 'áp đảo' được hệ thống phi chính thức và tránh những hậu quả xấu do hệ thống phi chính thức tạo nên.

 

Quay lại câu chuyện tái cơ cấu ngân hàng, đó là yêu cầu cấp thiết đặt ra để nâng cao chất lượng và khả năng phục vụ của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế. Nhưng cũng cần lưu ý, tái cơ cấu ngân hàng cần đặt trong tổng thể tái cơ cấu hệ thống tài chính như yêu cầu được nêu ra trong Nghị quyết Trung ương 3 vừa qua.      

T.Kiên
T.Kiên

Tin cùng chuyên mục