Thông tin mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, ước tính dư nợ cho vay phi sản xuất đến cuối tháng 10/2011 là 352,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,8% so với tổng dư nợ, giảm 18,8% so với cuối năm 2010.
Trong đó, khối ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng TMCP có dư nợ phi sản xuất chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cho vay phi sản xuất của toàn ngành, lần lượt là 46,3% và 43,3%.
Nhìn vào thống kê trên có thể thấy, toàn ngành ngân hàng đã thực hiện quyết liệt và thành công chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN trong việc giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống dưới 16% vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, xung quanh việc ghép tín dụng chứng khoán vào lĩnh vực phi sản xuất, dư luận vẫn không ngớt phản ứng rằng, đây là sự gán ghép phi lý, NHNN cần đưa ra một cách hiểu mới về dòng tín dụng vào TTCK bắt đầu từ năm 2012.
Trong một cuộc trao đổi với ĐTCK, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK cho biết, ông đã và sẽ kiên trì đề xuất với NHNN về việc tách tín dụng chứng khoán ra khỏi nhóm phi sản xuất, để cởi trói dòng vốn chảy vào chứng khoán. TTCK phát triển sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng và hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Các chuyên gia thì cho rằng, TTCK không phải là một ngành mà là một môi trường, với sự tham gia của rất nhiều chủ thể thuộc rất nhiều ngành khác nhau. Vì thế, các chính sách điều tiết TTCK sẽ không thể đồng nhất như chính sách áp dụng với một ngành.
TTCK càng giảm, tín dụng chứng khoán càng bị thắt - Ảnh: Hoài Nam
Trong khoản tín dụng ngân hàng rót vào chứng khoán có một phần dành cho thị trường thứ cấp (giao dịch), nhưng một phần lớn khác dùng để mua cổ phần mới của các DN, tức là trực tiếp góp vốn vào sản xuất - kinh doanh. Vì thế, nếu ghép tín dụng chứng khoán vào nhóm phi sản xuất là sai lệch.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, từ khi NHNN yêu cầu hạn chế tín dụng chảy vào chứng khoán, TTCK đã sụt giảm rất mạnh. Chính sự sụt giảm mạnh mẽ này lại khiến khối ngân hàng thắt chặt hơn nữa các dòng tiền vào chứng khoán theo nhiều cách, như quyết liệt thu hồi nợ, không cho vay mới đầu tư chứng khoán, không cho vay với tài sản thế chấp là chứng khoán….
Quá trình "càng giảm, càng thắt" này là một trong các nhân tố đẩy TTCK vào thế mất thăng bằng, rơi quá đà, đã không chỉ khiến giá cổ phiếu giảm hàng loạt, mà còn vô hiệu chức năng quan trọng nhất của TTCK là tạo kênh huy động vốn cho DN.
Mang những thắc mắc trên chia sẻ với Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình, ông cho biết, trong cách nhìn của ông, hệ thống ngân hàng giữ vai trò chu chuyển dòng vốn ngắn hạn, hệ thống TTCK chu chuyển vốn trung và dài hạn, nên về căn bản, không thể lấy vốn ngắn hạn đầu tư vào dài hạn được. Tuy nhiên, do cách hiểu về lĩnh vực phi sản xuất còn chung chung, nên trong thực thi chính sách, đã bộc lộ một số bất cập.
Theo ông Bình, dòng chảy vốn từ ngân hàng sang chứng khoán sẽ vẫn phải kiểm soát, nhưng sẽ theo cách hợp lý hơn, chứ không cứng nhắc như cách đưa chứng khoán vào lĩnh vực phi sản xuất thời gian qua.
Chưa hết năm 2012, dư nợ phi sản xuất đã giảm dưới 16%. Trên kết quả "đúng như kế hoạch" này, các thành viên TTCK đang chờ đợi NHNN công bố một quan niệm mới về tín dụng chứng khoán, bắt đầu từ năm 2012, trong mục tiêu chung phát triển hài hòa kênh dẫn vốn ngắn hạn và dài hạn, hỗ trợ thanh khoản và vực dậy chức năng huy động vốn dài hạn cho TTCK Việt Nam.