Chỉ thị 01 không như kỳ vọng
UBCK từng góp ý với NHNN quan điểm về tín dụng chứng khoán rằng, việc các NĐT mua cổ phiếu trên thị trường sơ cấp sẽ góp vốn cho DN đầu tư kinh doanh nên không thể gọi là tín dụng phi sản xuất. Bên cạnh đó, trước đây NHNN có văn bản “nới tín dụng BĐS” thì đối với TTCK cũng nên có chính sách tương tự.
Đề nghị của UBCK là dễ hiểu khi mà trong thời gian dài, chứng khoán liên tục sụt giảm, nhiều NĐT và CTCK điêu đứng. Đặc biệt, những khoản lỗ từ đầu tư tài chính của nhiều DN có thể đẩy họ đến bờ vực phá sản. Không những vậy, việc giá cổ phiếu xuống quá thấp và dòng tiền ngừng chảy vào thị trường có thể để lại những hệ quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của TTCK, DN và cả nền kinh tế.
Ngày 13/2 vừa qua, NHNN ban hành Chỉ thị 01, kèm theo Công văn 674/NHNN-CSTT quy định khá rõ chính sách tiền tệ và giới hạn tín dụng cho một số lĩnh vực. Theo đó, NHNN không dùng khái niệm “tín dụng phi sản xuất” đang gây tranh cãi, mà thay đó là khái niệm “lĩnh vực không khuyến khích”.
Đáng chú ý, tín dụng “lĩnh vực không khuyến khích” đã loại trừ tín dụng chứng khoán trong trường hợp “cho vay đối với người lao động công ty nhà nước để mua cổ phần lần đầu khi chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần”. Như vậy, NHNN đã nới lỏng một phần, tuy nhiên sự nới lỏng này không cao như kỳ vọng, theo đề nghị của UBCK trước đó.
Tại buổi họp báo chiều 14/2, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, tỷ trọng cho vay phi sản xuất trong năm 2011 được kiểm soát ở mức 11,3%. Trong đó, tỷ trọng của lĩnh vực tín dụng BĐS khoảng 9%, cách khá xa so với chỉ tiêu 16% và tỷ lệ tín dụng cho vay đầu tư chứng khoán cũng khá nhỏ. Do vậy, “room” tín dụng mà các ngân hàng có thể cho vay đối với đầu tư chứng khoán còn khá nhiều.
Lối thoát cho tái cấu trúc DNNN
Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đặt ra mục tiêu tái cấu trúc 3 lĩnh vực là ngân hàng, DNNN và đầu tư công. Đây có lẽ là chính sách xuyên suốt năm 2012 để vực dậy nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Nội dung của Chỉ thị 01 một lần nữa khẳng định lại quyết tâm của Chính phủ trong việc thực thi các mục tiêu trên. Việc quy định chặt chẽ các mức tăng trưởng tín dụng đối với từng loại ngân hàng cho thấy, NHNN đang cố gắng kiểm soát tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc và làm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, NHNN tái khẳng định việc kiểm soát tín dụng đối với khu vực BĐS, mặc dù thị trường này đang trong giai đoạn rất khó khăn.
Đáng lưu ý nhất là NHNN vẫn siết tín dụng cho đầu tư chứng khoán, nhưng không quên tạo lối mở cho việc tái cấu trúc DNNN. Việc loại nhóm tín dụng mà người lao động vay để mua cổ phiếu khi cổ phần hóa DNNN có thể khiến cho các đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) DNNN thành công hơn. Thực tế, năm 2011 có rất ít DNNN được cổ phần hóa và phần lớn các đợt IPO không thành công. Bài học BIDV IPO thành công trong bối cảnh TTCK khó khăn nhờ việc ngân hàng này cho NĐT và người lao động vay tiền mua cổ phiếu là rất đáng lưu tâm.
Năm 2012 được dự đoán còn nhiều khó khăn đối với TTCK và nền kinh tế. Do vậy, cổ phần hóa các DNNN cũng không dễ dàng. Để tái cấu trúc DNNN (thường đi liền với cổ phần hóa) diễn ra nhanh hơn, cần tạo lối mở cho NĐT tiếp cận vốn để mua cổ phiếu trong các đợt IPO. Với các thông điệp từ Chỉ thị 01, giới đầu tư khó kỳ vọng dòng tiền sẽ đổ mạnh vào TTCK, nhưng chỉ thị này vẫn tạo lối mở cho quá trình tái cấu trúc DNNN. Ngoài ra, chính sách có thể tạo nên lòng tin của người dân đối với quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ. Về lâu dài, TTCK có thể được hưởng lợi từ sự phát triển ổn định của nền kinh tế.