Tín dụng cần đòn bẩy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cam kết với các doanh nghiệp là các tổ chức tín dụng sẽ ngay lập tức đáp ứng nhu cầu tín dụng. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay được nhận định khó có thể đạt được nếu thiếu “đòn bẩy”.
Đại dịch Covid-19 làm gián đoạn nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh nên nhu cầu tín dụng giảm. Ảnh: Dũng Minh Đại dịch Covid-19 làm gián đoạn nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh nên nhu cầu tín dụng giảm. Ảnh: Dũng Minh

Mục tiêu 12% nhưng linh hoạt

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 20/9/2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 7,17%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 là 4,99%.

“Có thể có ý kiến cho là quá lời, nhưng thực tế, hàng ngày cơ quan quản lý chắt chiu từng con số tăng trưởng tín dụng, bởi số liệu tăng trong giai đoạn này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến tình hình kinh tế trở nên khó khăn hơn như hiện nay”, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.

Số liệu 9 tháng đầu năm 2021 được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm trong 9 tháng đầu năm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước, làm giảm 0,3 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 7,79%, làm giảm 0,47 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 23,18%, làm giảm 0,57 điểm phần trăm.

Dịch Covid-19 kéo dài đã làm nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ phá sản; chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy do các đợt giãn cách liên tiếp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 9 có sự sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Trong tháng 9/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới chỉ đạt 3.899 doanh nghiệp, giảm 62,2%; số vốn đăng ký chỉ đạt 62.400 tỷ đồng, giảm 69,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước có thể nới nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp vay vốn.

Tính chung 9 tháng năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới là 85.500 doanh nghiệp, giảm 13,6%; quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới là 14 tỷ đồng, giảm 3,1%; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 90.300, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á nhận định: “Tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại ở mức 10 - 11% trong năm nay, thấp hơn chỉ tiêu 12%. Tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng gia hạn các biện pháp hỗ trợ tín dụng cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thông qua tái cơ cấu nợ và duy trì phân loại nợ, miễn hoặc giảm lãi suất các khoản vay hiện có và cho vay ưu đãi đến ngày 30/6/2022. Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng dự kiến sẽ được cải thiện trong năm 2022, khi các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại bình thường”.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp tại Đồng Nai cho biết, khách hàng, đối tác của họ trước đây vào khoảng 75.000 doanh nghiệp tại 13 tỉnh từ Long An đến Cà Mau thì nay chỉ còn khoảng 300 doanh nghiệp tại khu vực miền Tây là hoạt động.

“Đau xót lắm, nhưng cũng không biết làm thế nào. Hiện chính quyền bắt đầu mở phong toả có lộ trình và chúng tôi đã có kế hoạch trở lại thương trường”, giám đốc một công ty sản xuất bao bì và thuốc bảo vệ thực vật nói.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho hay, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12%, nhưng linh hoạt. Nếu cần thiết và có điều kiện mở rộng, Ngân hàng Nhà nước có thể nới hạn mức tăng trưởng tín dụng nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.

Giải pháp cần thận trọng

Hàng không là một trong những lĩnh vực bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19. Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước chia sẻ: “Máy bay phủ bạt ở sân bay, xót ruột lắm. Máy bay không bay để lâu cũng hỏng, trong khi chi phí cho kiểm định an toàn bay vừa mất thời gian, vừa tốn kém. Khi máy bay được cất cánh thì tất cả các quy trình phải làm lại từ đầu”.

Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức cuộc họp với các hãng hàng không, đại diện các tổ chức tín dụng có dư nợ trong lĩnh vực này, bàn về việc mở “Gói tín dụng cho hàng không”. Dù nhận được nhiều ý kiến đồng thuận, phản hồi tích cực, nhưng cũng có quan điểm cho rằng, không nên phân biệt đối tượng nào là đối tượng được hưởng các ưu đãi từ Chính phủ. Nguyên do bởi đợt dịch thứ tư vừa qua cho thấy, hàng không - du lịch - dịch vụ khách sạn, nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng những doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác như nông, lâm, thuỷ hải sản, ngay cả các khu công nghiệp cũng chịu nhiều thiệt hại.

“Nên hỗ trợ một cách bình đẳng, chứ chọn cách hỗ trợ theo ngành thì e là không đáp ứng được việc Chính phủ muốn tạo điều kiện phục hồi cho các doanh nghiệp”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nói.

Ông Tuấn Anh cho biết, ngành ngân hàng có dư địa tín dụng để cung ứng vốn cho nền kinh tế. Hai tháng qua, ngành ngân hàng rất tích cực, tìm mọi cách “đẩy”, nhưng tín dụng chưa “ra”. Câu chuyện hiện nay là do cầu tín dụng chưa có, Chính phủ bắt đầu tháo gỡ giãn cách từ cuối tháng 9 thì cầu tín dụng sẽ sớm trở lại.

“Hiện chúng tôi còn dư địa 5% để điều tiết tín dụng trong vòng 3 tháng còn lại. Như vậy, cần khẳng định rằng, ngân hàng không hề siết chặt tín dụng, mà còn mong muốn doanh nghiệp thuận lợi để cung ứng tín dụng. Tôi cam kết với các doanh nghiệp là các tổ chức tín dụng sẽ ngay lập tức đáp ứng các nhu cầu tín dụng”, ông Tuấn Anh nói.

Nhưng làm thế nào để doanh nghiệp “vào guồng” trở lại? TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế chia sẻ, theo kinh nghiệm quốc tế, trong đợt dịch này, tổn thất về tài chính cho ngân sách cũng như ngân hàng là chưa từng có trong lịch sử. Tổn thất vô cùng nặng nề nên các gói tài trợ cho nền kinh tế và người dân cũng chưa từng có.

Cụ thể, gói tài trợ ở Mỹ lên tới 6.000 tỷ USD, trong khi GDP của nước này khoảng 10.000 tỷ USD. Tại Nhật Bản, tài trợ xấp xỉ 2.500 tỷ USD, trong khi GDP là 4.500 tỷ USD. Ở châu Âu hay các nước Đông Nam Á cũng có các gói hỗ trợ rất lớn.

“Chính phủ của những quốc gia này thường hỗ trợ trực tiếp bằng tiền thông qua việc hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp bị mất việc làm. Chưa thấy có nước nào tài trợ qua ngân hàng”, TS. Nghĩa cho hay.

Theo TS. Nghĩa, nếu tài trợ qua ngân hàng thì phải tài trợ trực tiếp bằng việc cho vay mới, nhưng vấn đề là doanh nghiệp đã gặp khó khăn (do có nợ xấu, không có tài sản bảo đảm) thì không đủ điều kiện để vay ngân hàng. Do đó, chỉ hỗ trợ lãi suất sẽ không giải quyết được vấn đề, vì doanh nghiệp không được vay ngân hàng. Ở một số nước thành lập nhóm ngân hàng tài trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp bằng cách cho vay tín chấp, có thể có bảo lãnh hoặc không. Điều này tạo ra một luồng tín dụng mới cho những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.

“Một phương án được thực hiện để giảm lãi suất cho các doanh nghiệp là dùng công cụ chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Hiểu đơn giản là tăng cung tiền lên, hạ lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương xuống thấp. Dựa vào lãi suất điều hành đó, các ngân hàng thương mại có thể giảm lãi suất cho vay. Cách làm này sẽ là đại trà cho tất cả các doanh nghiệp, tuy nhiên, các biện pháp đơn giản, tiện lợi, nhanh đều phải cẩn trọng”, TS. Nghĩa đề xuất.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tuấn Anh nhấn mạnh: “Khi xây dựng cơ chế chính sách, chúng ta phải tính toán tới hai mục tiêu. Mục tiêu quan trọng nhất là ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Không đảm bảo được hai mục tiêu này thì các chính sách được đưa ra có thể sẽ không tích cực, thậm chí còn phản ứng ngược, gây tác hại lớn cho nền kinh tế. Vì vậy, chúng ta cần tính toán cụ thể giải pháp trong thời gian tới”.

Hà An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục