Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó tổng giám đốc OceanBank nhận định: "Xét cho cùng, cho vay xây dựng nhà ở cho lao động ở các khu công nghiệp; sửa chữa và mua nhà để ở bằng tiền lương, tiền công… giúp người dân yên tâm lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất, thu hút lao động, tạo thêm việc làm…, góp phần đảm bảo an sinh xã hội", ông Hoàn nói.
Ông Hoàn cũng cho rằng, việc nới tín dụng BĐS này cũng cần phải thực hiện một cách thận trọng, bởi bản thân các ngân hàng cần có sự quản lý chặt chẽ trong quản trị rủi ro hoạt động kinh doanh của mình. Bên cạnh đó, việc nắm chắc, đánh giá hiệu quả dự án BĐS, cho vay đúng đối tượng là cách để dòng vốn cho vay của các ngân hàng sẽ phát huy hiệu quả, giúp phục hồi hoạt động để doanh nghiệp BĐS bớt khó khăn hơn. Thực tế, ngay sau công bố của NHNN, rất nhiều ngân hàng đã "rục rịch" tái triển khai chương trình cho vay BĐS.
Lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC cho biết, các lãnh đạo của ngân hàng đang tính toán để có thể triển khai lại sớm nhất các chương trình cho vay BĐS nhằm hỗ trợ khách hàng của mình trong khuôn khổ quy định của NHNN. Tương tự như vậy, ông Nguyễn Tiến Khanh, Giám đốc tín dụng cá nhân Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ khu vực TP. Hà Nội cho biết, trước đây, chương trình cho vay BĐS của ANZ được triển khai khá thành công, nhưng sau đó phải tạm dừng bởi quy định của Chính phủ.
"Chưa thể khẳng định ngay thời gian nào sẽ triển khai lại sản phẩm cho vay BĐS nhưng tôi chắc chắn ANZ sẽ nối lại chương trình đã tạm dừng", ông Khanh nói.
Câu chuyện này ở các ngân hàng thương mại Việt
Đối với những khách hàng thực sự có nhu cầu mua nhà để ở, ông Khanh cho rằng, đây là thời điểm rất tốt, bởi: thứ nhất, ngân hàng bắt đầu mở tín dụng nên việc tiếp cận vốn đã dễ dàng hơn; thứ hai, trên thị trường BĐS hiện có khá nhiều dự án mà chủ đầu tư đang rất cần tiền nên giảm giá mạnh.