Theo đó, dư nợ cho vay bất động sản đạt 252.000 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn thành phố 11 tháng đầu năm, tương đương mức tăng trưởng 9,6% so với đầu năm nay.
Nhưng con số dư nợ này theo ông Minh, chỉ tính cho vay đầu tư dự án và mua nhà kinh doanh, không bao gồm dư nợ cho vay mua nhà để ở.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng cho thấy, nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn thành phố chiếm 2,2% trên tổng dư nợ của các ngân hàng. Riêng nợ xấu cho vay bất động sản của các ngân hàng trên địa bàn chiếm 3,3% tổng dư nợ cho vay bất động sản của các ngân hàng tại TP.HCM nói trên.
Trước quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN vừa được NHNN ban hành, nhiều người cho rằng, sẽ có tác động nhất định lên tín dụng bất động sản và thị trường bất động sản nói chung khi các ngân hàng phải áp lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn kể từ tháng 10/2020 xuống 37% và giảm tiếp sau đó theo lộ trình xuống 30%.
Mặt khác, theo Thông tư 22 của NHNN, bên cạnh việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo lộ trình, NHNN còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.
Tuy nhiên, các khoản phải đòi được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện sau sẽ có hệ số rủi ro 50%.
Theo giới phân tích tài chính, việc áp dụng hệ số rủi ro đối với nhà ở, nhà ở xã hội, khoản vay dưới 1,5 tỷ đồng ở mức 50% là khá tích cực vì khách hàng vay ở phân khúc này nhiều. Còn với những khoản vay lên hơn 3 tỷ đồng thì cũng nên áp dụng hệ số rủi ro cao để tránh hiện tượng đầu cơ. Giải pháp tách bạch đối tượng trên để hạn chế tình trạng lách chính sách để đầu cơ bất động sản được đánh giá là khá phù hợp.