Báo cáo Tổng quan thị trường tài chính 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, tổng tài sản của các định chế tài chính Việt Nam ước đạt khoảng 200% GDP, tăng 17,3% so với cuối năm 2016.
Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực, quy mô của hệ thống tài chính Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Tỷ trọng tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) là 95,9% (cuối năm 2016 là 96,2%), các doanh nghiệp bảo hiểm là 3%, các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ là 1,1%.
Theo ông Nguyễn Văn Thùy, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, tuy mức đủ vốn bình quân của hệ thống tài chính cao hơn mức quy định tối thiểu, nhưng trong hệ thống vẫn còn một số định chế tài chính quy mô nhỏ có mức đủ vốn thấp hơn mức quy định. Báo cáo cho thấy, khả năng sinh lời của hệ thống đã được cải thiện: ROA bình quân đạt 0,73% (năm 2016 là 0,62%), ROE bình quân đạt 10,1% (năm 2016 là 7,79%).
Thị trường tiền tệ: Ổn định
Nghiên cứu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, năm 2017, thanh khoản của hệ thống TCTD tương đối ổn định. Nguồn vốn huy động toàn hệ thống tăng thấp hơn năm 2016, ước tăng 16,9% (năm 2016 tăng 19,3%); tín dụng toàn hệ thống tăng tương đương với năm 2016 (ước tăng 19,3%). Do đó, hệ số LDR (tỷ lệ dư nợ/vốn huy động) tăng nhẹ từ 85,6% (cuối năm 2016) lên 87,3% (cuối năm 2017).
Thanh khoản của hệ thống vẫn được đảm bảo nhờ việc Ngân hàng Nhà nước tăng cung tiền qua việc mua hơn 7,5 tỷ USD trong năm 2017. Ước tính lượng tiền ròng đã được bơm ra là 110.000 tỷ đồng. Do đó, lãi suất liên ngân hàng được giữ ở mức thấp. Cuối năm 2017, lãi suất qua đêm bình quân ở mức 1,3%/năm, giảm khoảng 3,2 điểm % so với đầu năm.
Lãi suất trên thị trường I ổn định kể từ năm 2015. Lãi suất huy động bình quân cũng khá ổn định. Lãi suất huy động VND kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,4%-7,2%/năm. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm khoảng 0,5-1%/năm so với đầu năm. Đối với khu vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay ở mức 6,8-11%/năm.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tuy thanh khoản hệ thống khá tốt, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi, lãi suất có tín hiệu giảm, nhưng chưa được như kỳ vọng. Điều đặc biệt được ghi nhận đó là, năm 2017, tỷ giá USD/VND khá ổn định. Tính đến tháng 12/2017, tỷ giá trung tâm ước tăng khoảng 1,5-1,7% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá ngân hàng thương mại giảm khoảng 0,2%, tỷ giá thị trường tự do giảm khoảng 1,5% so với đầu năm.
Theo ông Nguyễn Văn Thùy, chất lượng tài sản hệ thống TCTD co sự cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống đạt khoảng 9,5%, giảm mạnh so với đầu năm chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm.
Thị trường vốn: Khởi sắc
Trên thị trường trái phiếu chính phủ, theo đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, năm 2017, Kho bạc Nhà nước chủ động giảm huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ để tiết kiệm ngân sách nhà nước do việc giải ngân nguồn vốn trái phiếu chính phủ còn chậm. Cả năm 2017, Kho bạc Nhà nước huy động được 162.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu chính phủ, hoàn thành 88% kế hoạch phát hành cả năm.
Một số điểm nổi bật của thị trường trái phiếu chính phủ trong năm 2017: Thứ nhất, kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ cải thiện rõ rệt, đạt 13,5% (năm 2016 là 8,7%). Các kỳ hạn dài từ 10 năm trở lên thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư, với tỷ lệ trúng thầu bình quân đạt trên 80%.
Thứ hai, lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ giảm ở tất cả các kỳ hạn so với cuối năm 2016, với mức giảm từ 0,6-1,9%/năm, qua đó tiết kiệm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước. Thứ ba, thanh khoản thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp cải thiện, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 4.500 tỷ đồng/phiên (tăng 23% so với năm 2016).
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 100.000 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu do lãi suất năm 2017 có dấu hiệu tạo đáy và thị trường chưa xuất hiện những đợt phát hành trái phiếu doah nghiệp lớn.
Đối với thị trường cổ phiếu, có sự tăng trưởng tích cực trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành, nhiều doanh nghiệp lớn niêm yết; lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ngành tài chính - ngân hàng, bất động sản - xây dựng… khởi sắc. Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời vào tháng 8/2017 bước đầu thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Theo đó, chỉ số VN-Index đạt mức cao nhất trong 9 năm qua, vượt mốc 900 điểm. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng mạnh, ước đạt 66% GDP (cuối năm 2016 là 43,2% GDP). Giá trị giao dịch thị trường cổ phiếu ước tăng 50% so với năm 2016.
Xu hướng thị trường tích cực đang tạo điều kiện thuận lợi cho cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước, thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Mục tiêu giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 70% vào năm 2020 có cơ sở để hoàn thành.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài: Quá tốt
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức cao nhất kể từ năm 2011 nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, Chính phủ có nhiều cải cách quyết liệt, thị trường có thêm nhiều hàng hóa chất lượng và mặt bằng giá cổ phiếu hấp dẫn.
Tổng giá trị mua ròng chính thức trong năm 2017 ước đạt 1,85 tỷ USD, tăng gấp 6,5 lần so với năm 2016 (trong đó, mua ròng 750 triệu USD trái phiếu và 1,1 tỷ USD cổ phiếu).
Tổng giá trị thị trường danh mục nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài ước đạt 32,5 tỷ USD, tăng 60% so với cuối năm 2016. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường cổ phiếu ước đạt 19,7% và trên thị trường trái phiếu ước đạt 5,3%.
Đặc biệt, Báo cáo của cơ quan này cho thấy, dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản tiếp tục xu hướng tăng. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dòng vốn FDI vào bất động sản trong 11 tháng đầu năm đạt 2,5 tỷ USD, đứng thứ 3 về lĩnh vực thu hút vốn FDI, chiếm 7,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Vốn FDI vào bất động sản tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, liên quan đến câu chuyện dòng vốn đầu tư nước ngoài, TS. Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế tỏ ra quan ngại: “Vấn đề cần quan tâm là dòng tiền đó đến từ đâu? Điều này có lẽ vượt qua câu chuyện hiệu quả thuần túy của nền kinh tế, trong khi bản chất ‘trò chơi’ của đối tác là dài hạn”.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam
Lãi suất thị trường liên ngân hàng thấp không có nghĩa phải kéo mặt bằng lãi suất trên thị trường chung xuống thấp. Lạm phát giảm, nhưng kỳ vọng lạm phát không thấp và yêu cầu đòi hỏi lãi suất của người gửi tiền trên 6%/năm.
Bên cạnh đó, vẫn có cạnh tranh lãi suất tiền gửi giữa các TCTD khiến những ngân hàng không muốn tăng vẫn phải tăng lãi suất huy động. Điều này cho thấy, vẫn có sự khác biệt rất lớn giữa các ngân hàng mà không thể hiện bằng thanh khoản.
Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất của hệ thống ngân hàng không phải là xử lý nợ xấu, mà là tăng vốn để đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn Basel II là tổng vốn chủ sở hữu của ngân hàng phải tăng 1,8-2 lần đến năm 2020.
Nhìn về trung hạn, thị trường vốn đang có tiền đề rất tốt để phát triển. Việt Nam thường lo ngại về yếu tố định lượng như quy mô thị trường, quy mô doanh nghiệp niêm yết và mức độ giao dịch…
Tuy nhiên, đối với quốc tế, điều quan ngại là yếu tố định tính mà thị trường chứng khoán Việt Nam đang thiếu như chuẩn mực kế toán, kiểm toán và đặc biệt là giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Về sự phát triển của thị trường chứng khoán trong trung hạn, mục tiêu đặt ra là cải cách để nâng hạng thị trường.