Tín chấp dòng tiền: “Cửa hẹp” cho doanh nghiệp cần vốn

Nhiều ý kiến cho rằng biện pháp tín chấp dòng tiền vẫn chỉ là “cửa hẹp” để DN có thể tiếp cận vốn.

Hình thức này muốn mở rộng được cần sự nỗ lực của tất cả các bên từ khách hàng, ngân hàng tới sự hướng dẫn, trợ giúp từ các cơ quan liên quan. Trong đó, quan trọng nhất là về phía các doanh nghiệp.

Dù lãi suất đã giảm nhiều, song tín dụng vẫn khó tăng. Ngoài các nguyên nhân như sức cầu trong và ngoài nước yếu, triển vọng kinh tế chưa sáng sủa... thì một nguyên nhân quan trọng là do DN không đủ điều kiện để vay vốn. Đã có một số giải pháp được đưa ra (cả từ phía các cơ quan quản lý và từ các ngân hàng) nhưng vẫn chưa mấy hiệu quả. Giải pháp tín chấp dòng tiền được nhìn nhận là một trong những lối mở, dù là “cửa hẹp” để giúp DN có thể tiếp cận với tín dụng từ các ngân hàng.

Thực ra giải pháp này không mới và hiện vẫn được các ngân hàng thực hiện, như LienVietPostBank, DongA Bank, MB... Đối tượng để các ngân hàng có thể cho vay theo cách này thường là các DN lớn, uy tín, có sức khỏe tài chính lành mạnh và được kiểm toán độc lập.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng: Đây là một giải pháp tích cực. Vấn đề lúc này là làm sao để việc cho vay theo hình thức này có thể mở rộng hơn và đến được với các DN có quy mô nhỏ hơn, sức khỏe tài chính yếu hơn song ngân hàng vẫn nhìn thấy “cửa” là dòng tiền thu về trong tương lai của họ.

Ví dụ, như một DN xuất khẩu khi đã có được tín dụng thư xuất khẩu (L/C), nhưng gặp khó khăn về vốn thì họ có thể đem “thế chấp” L/C này cho ngân hàng để vay tiền không? Câu trả lời là có và ngân hàng nên đồng ý cho vay trong những trường hợp như vậy. Vì L/C đó chính là một bằng chứng về nguồn hoàn trả, về dòng tiền mà DN sẽ thu được khi đảm bảo thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết trong điều khoản của L/C. Điểm mấu chốt ở đây là các DN muốn vay tín chấp bằng dòng tiền thì phải chứng minh được nguồn hoàn trả hết sức trung thực, xác đáng.

Dòng tiền của khách hàng được nhìn nhận là yếu tố hết sức quan trọng trong việc ngân hàng xem xét cho vay. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng nên xem xét cấp tín dụng từ dựa trên tài sản đảm bảo sang cấp tín dụng dựa trên khả năng trả nợ (dòng tiền) của khách hàng.

Ông Phạm Hồng Hải - Phó tổng giám đốc, phụ trách Tiền tệ và Thị trường vốn Ngân hàng HSBC (Việt Nam ) nêu ý kiến: Nếu quyết định cho vay dựa trên tài sản đảm bảo, nhiều khả năng ngân hàng không chỉ phải quản lý mà còn phải xử lý tài sản đảm bảo. Với những tài sản đặc biệt, khó quản lý, khó đánh giá chất lượng, giá trị... thì sẽ là “rắc rối” cho ngân hàng.

Theo ông Hải, việc cho vay dựa trên tín chấp dòng tiền có thể có nhiều hình thức như, cho vay nhà cung cấp, cho vay nhà phân phối. Với hình thức cho vay nhà cung cấp, thường nhà cung cấp muốn nhận được tiền ngay trong khi người mua muốn thanh toán sau. Nếu “nhờ” ngân hàng giải quyết vấn đề này thì sau khi người mua ký chấp nhận hóa đơn giao hàng của nhà cung cấp, sẽ “tín chấp” hóa đơn này cho ngân hàng và ngân hàng sẽ chiết khấu hóa đơn này để thanh toán tiền ngay cho nhà cung cấp.

Ở hình thức thứ hai (cho vay nhà phân phối), nhà cung cấp muốn nhận được tiền ngay, nhưng lại muốn hỗ trợ nhà phân phối để đẩy mạnh bán hàng. Mặt khác, nhà phân phối có thể gặp khó khăn về dòng tiền nên không thể đặt mua nhiều hàng như mong muốn. Trong những trường hợp như thế, ngân hàng sẽ xét hạn mức cho từng nhà phân phối dựa trên uy tín và khả năng của từng nhà phân phối.

Tuy nhiên ông Hải cũng cho biết, trong các trường hợp cho vay như vậy, người mua hàng hay nhà cung cấp thường là những DN lớn mà ngân hàng an tâm về khả năng trả nợ của họ. Bên cạnh đó, thường sẽ có thêm các điều kiện đi kèm như: nhà cung cấp phải chấp nhận mua lại hàng đã giao cho nhà phân phối nếu ngân hàng cần thanh lý hàng hóa.

Dù nhìn nhận đây là một biện pháp tốt để giúp tín dụng đến được với DN, nhưng những rủi ro từ cho vay bằng tín chấp dòng tiền cũng khá lớn. Chẳng hạn, với trường hợp của một DN xuất khẩu, mặc dù là có L/C để “tín chấp” nhưng nếu DN đó xuất đi các sản phẩm hàng hóa không đúng quy chuẩn đã cam kết dẫn đến việc bị trả lại hàng, thì sẽ là rủi ro cho ngân hàng đã cho vay tiền, kể cả ngân hàng chấp nhận mở L/C cho DN. Hay việc DN khi đã vay được tiền lại không sử dụng đúng nguồn vốn đó để thực hiện L/C thì cũng là một rủi ro…

“Khi đã xảy ra rủi ro với những trường hợp như vậy thì sẽ mang lại hậu quả thậm chí còn lớn hơn là cho vay có tài sản đảm bảo. Vì lúc ấy DN đâu còn “tóc” cho ngân hàng nắm nữa. Các ngân hàng sẽ không dám mạo hiểm cho vay theo hình thức này nếu thấy rủi ro lớn”, TS. Hiếu nhìn nhận.

Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng biện pháp tín chấp dòng tiền vẫn chỉ là “cửa hẹp” để DN có thể tiếp cận vốn. Hình thức này muốn mở rộng được cần sự nỗ lực của tất cả các bên từ khách hàng, ngân hàng tới sự hướng dẫn, trợ giúp từ các cơ quan liên quan, trong đó, quan trọng nhất là về phía các DN.

Ngoài các yếu tố như phương án kinh doanh hiệu quả thì các DN cần có sự minh bạch và trung thực về các báo cáo tài chính, dòng tiền của mình để ngân hàng có cơ sở thẩm định cho vay. Muốn vậy việc có kiểm toán độc lập trong hoạt động của mỗi DN là yếu tố ngày càng cần thiết.


TBNH

Tin cùng chuyên mục