Tìm và sửa ngay những gì đang cản trở doanh nghiệp, nền kinh tế sẽ tăng ít nhất 8%

0:00 / 0:00
0:00
Làm thế nào để nền kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao, ít nhất là 8% trong năm 2025 tiếp tục là chủ đề được giới chuyên gia và doanh nghiệp cùng muốn luận giải.
Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã tham dự và và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17, Phiên toàn thể mùa xuân năm 2025 chiều ngày 7/1/2025 Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã tham dự và và phát biểu chỉ đạo Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17, Phiên toàn thể mùa xuân năm 2025 chiều ngày 7/1/2025

Diễn đàn Kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 17, Phiên toàn thể mùa xuân năm 2025 tưởng như không thể kết thúc sau 4 tiếng làm việc liên tục trong chiều 7/1/2024. Chủ đề - cũng là các câu hỏi được thảo luận, đâu là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2025 và đâu là giải pháp để nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng cao, ít nhất là 8% và cao hơn, đang là mối quan tâm rất lớn của không chỉ giới chuyên gia kinh tế. Các doanh nghiệp không muốn bỏ lỡ cơ hội góp thêm sáng kiến.

"Tăng trưởng cao đã khó, nhưng đảm bảo sự bền vững trong tăng trưởng cao còn khó hơn", PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh trong phần khai mạc Diễn đàn.

Đây là Diễn đàn do Hội Khoa học Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức, với sự chỉ đạo nội dung của Ban Kinh tế Trung ương.

Thách thức tăng trưởng không nhỏ, nhưng có cách làm

Mức tăng trưởng 8% và cao hơn trong năm 2025 không chỉ thách thức ở con số cao, mà còn ở nền khá cao là 7,09% trong năm 2024. Thậm chí, các động lực đã tạo nên tăng trưởng của năm 2024, như xuất khẩu, đầu tư công, tiêu dùng dường như khó có sự đột phá.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tại Phiên 1 của Diễn đàn với chủ để Đột phá tăng trưởng từ các động lực truyền thống

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phát biểu tại Phiên 1 của Diễn đàn với chủ để Đột phá tăng trưởng từ các động lực truyền thống

Ngay cả động lực xuất khẩu vừa phá đổ các kỷ lục – với kim ngạch 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, hơn 2 lần chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 - dù vẫn là động lực, nhưng có vượt lên nữa không lại là câu hỏi khó. Có nhiều lý do để lo ngại, một là kinh tế thế giới có thể tăng trưởng chậm lại, người tiêu dùng thế giới chưa hào hứng trở lại... Đặc biệt, các chuyên gia trong nước và nước ngoài đều nhắc tới những tác động khá phức tạp của chính quyền Trump 2.0, với các kịch bản tăng thuế.

Ông Trần Quốc Khánh, nguyên thứ trưởng Bộ Công thương còn nhắc tới những khó khăn trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu – dù đây luôn là yêu cầu đương nhiên và ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp của Bộ Công thương.

“Không đơn giản tìm ra được thị trường thay thế Mỹ, Trung Quốc với các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn, vì không có nhiều thị trường lớn như vậy”, ông Khánh làm rõ quan điểm. Vì vậy, quan điểm của ông Khánh là các doanh nghiệp cần tiếp tục đáp ứng các yêu cầu của các thị trường, đảm bảo yêu cầu về minh bạch nguồn gốc xuất xứ.

Về động lực đầu tư công, theo ông Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB, Chính phủ đã phân bổ ngân sách khoảng 6-7% GDP, tương đương các nền kinh tế đang phát triển, nhưng thực hiện mới đạt khoảng 5% GDP.

“Nghĩa là hiệu quả thực hiện thấp. Với cải cách gần đây của Chính phủ đang tạo ra cơ hội để thúc đẩy giải ngân, như sửa đổi các quy định, nhưng cần làm nhanh, cần biện pháp mạnh mẽ hơn. Chính phủ có thể làm ngay, đó là giảm thủ tục mạnh hơn”, ông Hùng khuyến nghị.

Đặc biệt, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng chưa an tâm với động lực đang chiếm 63% trong tăng trưởng GDP là tiêu dùng cuối cùng, của cả Chính phủ và người dân.

“Hiện tại, tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng chỉ khoảng 5-6%, so với trước dịch bệnh là tăng 2 con số. Để thúc đẩy tăng trưởng, cần tăng kích thích động lực tiêu dùng cuối cùng của nền kinh tế cao hơn”, TS. Lâm khuyến nghị.

Tuy nhiên, cách làm không chỉ là tạo thu nhập cho người dân, các chính sách thúc đẩy người dân chi tiêu (như giảm mức giảm trừ gia cảnh, giảm thuế suất thuế VAT...), ông Lâm đang lo ngại đến tỷ lệ tiêu dùng hàng nhập khẩu, trong đó có cả nhập khẩu dịch vụ. Ông Lâm nhắc đến con số nhập siêu 380 triệu USD dịch vụ du lịch.

“5,6 triệu khách Việt đi ra nước ngoài tiêu nhiều hơn cả 17,6 triệu khách nước ngoài đến Việt Nam. Tại sao, vì giá vé trong nước đắt, vì không có nhiều sản phẩm, dịch vụ để mua...”, ông Lâm nói. Nếu chỉ ra được lý do, thì sẽ có giải pháp chính sách phù hợp.

Phiên 2 của Diễn đàn với chủ đề Khai phóng các nguồn lực, động lực mới

Phiên 2 của Diễn đàn với chủ đề Khai phóng các nguồn lực, động lực mới

Góc nhìn từ doanh nghiệp: Từ khóa là "thực tế và nhanh"

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia thảo luận, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), không gian tăng trưởng nếu nhìn ở góc độ doanh nghiệp rất rõ ràng. Đó là chất lượng các quy định, chất lượng thực thi và chất lượng phối hợp.

“Chúng tôi có dịp đi khảo sát 30 dự án vừa kết thúc giai đoạn đầu tư. Chúng tôi đã vẽ lại quy trình dự án phải trải qua trên thực tế. Quy trình này khác xa các quy định trong văn bản. Nhiều khi chỉ cần vướng 1 đầu mối, dự án đã bị tắc”, ông Tuấn nói.

Vì vậy, từ góc nhìn doanh nghiệp, động lực tăng trưởng sẽ có khi giải quyết được 2 nhóm vấn đề. Một là, nhóm thủ tục đưa vốn nhanh vào nền kinh tế. Hai là, nhóm thủ tục đưa hàng nhanh vào thị trường.

Cụ thể, ông Tuấn đề xuất rà soát, ưu tiên gỡ ngay quy trình liên quan đến nhóm thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, chấm dứt tình trạng 1 dự án phải mất 2-3 năm mới hoàn tất thủ tục.

“Với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong sửa Luật Đầu tư, đã có thủ tục đầu tư đặc biệt cho các dự án công nghệ cao trong các khu công nghiệp. Việc thực thi tới đây có thể nghiên cứu, rút kinh nghiệm và nhân rộng, sẽ giảm chi phí cho nhà đầu tư, đưa nhanh vốn vào hoạt động”, ông Tuấn nói.

Cùng với đó, ông Tuấn khuyến nghị cắt giảm thủ tục liên quan đến thông quan hàng hóa, giảm thời gian lưu kho bãi. “Tiền và hàng sẽ vào lưu thông nhanh, sẽ tạo ra động lực tăng trưởng”, ông Tuấn bày tỏ quan điểm khi đề cập đến các yêu cầu về tháo gỡ điểm nghẽn thể chế.

Cũng ở góc nhìn cần phải thay đổi từ thực tiễn, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, cách tốt nhất là đánh giá, xem xét lại những quy định, cơ chế đang áp dụng, đặc biệt là các vướng mắc, các quy định đang có sự chênh lệch giữa các chủ thể, để có sự thay đổi.

“Việt Nam nên mổ xẻ, đi vào các nghịch lý để có cách thay đổi. Ví dụ như lãi suất trái phiếu chính phủ chưa đến 2% trong khi doanh nghiệp muốn vay vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất phải 9%. Chênh lệch rủi ro đối với các chủ thể không phải nhà nước quá cao! Đây chỉ là một ví dụ”, ông Dominic Scriven khuyến nghị.

Các doanh nghiệp kỳ vọng, chỉ cần tìm ra những gì đang cản trở tăng trưởng, phát triển, ưu tiên gỡ ngay, không gian tăng trưởng của nền kinh tế có thể đạt được ít nhất là 8%.

Đây là cơ sở ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp tục nhấn mạnh quan điểm, một môi trường kinh doanh chi phí tuân thủ tục thấp, rủi ro thấp, thúc đẩy sáng tạo... sẽ thúc đẩy tăng trưởng.

"Động lực tăng trưởng sẽ đến từ sức sáng tạo của các doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, những gì pháp luật chưa quy định", ông Hiếu bày tỏ quan điểm.

Khánh Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục