Tìm thuốc đặc trị cho lạm phát và lãi suất

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Tăng lãi suất sẽ khiến kinh tế suy thoái và nếu tăng nhanh quá cũng chưa chắc cứu được lạm phát, vì lạm phát là do đứt gãy chuỗi cung ứng. Tốc độ tăng lãi suất chưa chắc là đã thuốc đặc trị lạm phát mà còn gây phản ứng phụ", TS. Cấn Văn Lực nói.
Tìm thuốc đặc trị cho lạm phát và lãi suất

Lạm phát Việt Nam có độ trễ so với thế giới nên không vội mừng

Tại hội thảo “Lạm phát, lãi suất và chứng khoán” tổ chức ngày 15/7, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV chia sẻ: "Cách đây gần 2 tháng, khi Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Tài chính (VFCA) Lê Long Giang trao đổi với tôi rằng năm nay cái gì là nóng nhất, tôi cho rằng, đó là lạm phát. Và 3 chủ đề nóng mà sắp tới EU, G20 sẽ thảo luận cũng là lạm phát, nợ và năng lượng".

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát 6 tháng đầu năm 2022 là 2,44%. Đây là tín hiệu ban đầu đáng khích lệ, nhưng không vội mừng rằng chúng ta đã kiểm soát thành công lạm phát. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, lạm phát có nhiều diễn biến bất thường, như tại Mỹ, tháng 3 năm nay lạm phát là 8,5%; tháng 4 là 8,3%, nhưng tháng 6 lại 8,6%.

Còn theo ông Lực, lạm phát tại Việt Nam có độ trễ hơn so với quốc tế, lạm phát cơ bản tăng thấp và lạm phát hiện nay do chi phí đẩy chứ không phải do cung tiền.

“Có một số nguyên nhân khiến lạm phát Việt Nam thấp hơn so với thế giới, đó là giá xăng được hỗ trợ bình ổn tương đối nhanh, bên cạnh đó là đảm bảo nguồn cung hàng hóa. Đồng thời, một số mặt hàng được điều tiết tương đối mạnh (giá điện không tăng, viện phí không tăng dồn dập vào một thời điểm). Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt công cụ chính sách (hút khoảng 135.000 tỷ đồng) và cung tiền vừa phải, vòng quay tiền chậm (thời kỳ hoàng kim vòng quay tiền là 1 - 1,5 lần, nếu chậm quá là đọng vốn; thời kỳ cao điểm vòng quay là 3-3,5 lần)”, TS. Lực nói.

3 nhóm làm tăng lạm phát được “điểm mặt chỉ tên” là: giao thông, vật liệu xây dựng, dịch vụ hàng ăn uống.

“Yếu tố tác động vào lạm phát nhiều nhất và nhanh nhất năm là giao thông do giá xăng dầu tăng. Bây giờ chống lạm phát là phải bình ổn giá xăng dầu tốt nhất có thể. Chúng tôi đang kiến nghị ngoài thuế bảo vệ môi trường thì tiếp tục xem xét giảm 30% đối với các thuế phí còn lại”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Tại Hội thảo, các chuyên gia kinh tế đều nhận định áp lực lạm phát từ giờ tới cuối năm khá lớn. Giá hàng hoá thế giới còn tăng và Việt Nam có nguy cơ nhập khẩu lạm phát do phụ thuộc nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, đà phục hồi kinh tế và sự sôi động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng tạo ra áp lực lạm phát cầu kéo.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn xử lý tốt vấn đề lạm phát, Việt Nam cũng như nhiều nước cần kết hợp các chính sách chứ riêng chính sách tiền tệ không giải quyết được vấn đề lạm phát một cách hoàn hảo.

“Các yếu tố chính hỗ trợ kiềm chế đà tăng của lạm phát là kỳ vọng đà tăng giá cả hàng hoá, xăng dầu thế giới sẽ chậm lại và việc điều tiết giá cả hàng hoá, xăng dầu trong nước tiếp tục phát huy hiệu quả. Đồng thời, tỷ giá và lãi suất kỳ vọng vẫn trong tầm kiểm soát, góp phần kiềm chế đà tăng giá và sự phối hợp ngày càng nhịp nhàng hơn giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá. Cuối cùng là việc truyền thông được chú trọng”, ông Lực gợi ý.

Lãi suất tăng sẽ đi ngược lại với Chương trình phục hồi kinh tế

Trong bối cảnh ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất, có ý kiến băn khoăn về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn chưa tăng lãi suất, ông Lực cho rằng, hiện tại, lạm phát của Việt Nam không xuất phát từ vấn đề tiền tệ, bởi cung tiền ở mức vừa phải. Trong khi đó, tăng lãi suất chỉ khi cung tiền cao. Do vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành chưa chắc phát huy tác dụng tốt với nền kinh tế. Cùng với đó, Chương trình phục hồi kinh tế đang triển khai đã có yêu cầu giữ ổn định lãi suất.

“Nếu Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất thì người dân và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và đi ngược lại với Chương trình phục hồi kinh tế ”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát của Việt Nam là do chi phí đẩy, nên vai trò của Ngân hàng Nhà nước trong câu chuyện này là nhỏ. Lạm phát khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực, nên việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất như ngân hàng trung ương trên thế giới là điều không cần thiết.

Liên quan đến vấn đề tăng hay hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh lưu ý:

Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm khác với kinh tế thế giới, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây. Ví dụ, trong 6 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nổi lên như một ngôi sao bởi chúng ta duy trì được mức độ tăng trưởng dương. Thế nhưng, trong 6 tháng cuối năm 2021 thì ngược lại, khi nền kinh tế thế giới phục hồi tốt, thì chúng ta lại lạc nhịp. Hay ví dụ như 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng thế giới xấu, nhưng Việt Nam lại phục hồi rất tốt.

“Chính những điểm khác biệt này khiến chúng ta không thể điều hành lãi suất như thế giới được”, ông Thành nhấn mạnh.

Thứ hai, trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế, chúng ta đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ, nên các điều hành liên quan đến vấn đề này vô cùng quan trọng, đòi hỏi chúng ta buộc phải thận trọng.

Thứ ba, mức giá của đồng Việt Nam hiện nay không quá lớn nên cần giữ ổn định tỷ giá của đồng Việt Nam.

“Ngoài ra, cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất cũng chưa phải là vấn đề cần thiết”, ông Thành nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục