Tìm nhóm “dẫn sóng”

(ĐTCK) Tuần qua, nhóm ngân hàng có phiên giao dịch nổi bật với nhiều mã bật tăng. Đây là một trong những nhóm ngành được nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng.
Xu hướng tăng của thị trường chứng khoán luôn bắt đầu từ nền giá đi ngang Xu hướng tăng của thị trường chứng khoán luôn bắt đầu từ nền giá đi ngang

Ngân hàng được quan tâm trở lại

Phiên giao dịch ngày 4/1/2024, nhóm cổ phiếu ngân hàng nổi sóng khi mã VCB tăng 1,7%, mã CTG tăng 3,6%, mã MBB tăng 5%, mã MSB tăng 3,1%, mã TPB tăng 2,6%, mã VPB tăng 1,3%... Thậm chí, mã MBB và VPB có thời điểm chạm giá trần.

Giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE đạt 24.300 tỷ đồng, tăng 86% so với phiên liền trước, chủ yếu nhờ thanh khoản tăng vọt ở các cổ phiếu ngân hàng như SHB, MBB, STB, TPB, VPB, ACB, MSB. Trong đó, khối ngoại mua ròng VCB (98 tỷ đồng), VPB (67 tỷ đồng), MSB (62 tỷ đồng).

Hệ thống AI của DATX bật khuyến nghị mua cổ phiếu ngân hàng với mã TPB. Còn mã ACB được một số nhóm nhà đầu tư hô hào mua vào, với luận điểm đây là ngân hàng thường xuyên chia cổ tức bằng tiền mặt, nhiều môi giới của SSI gửi những bài phân tích sâu về mã cổ phiếu này.

Một nhà đầu tư trong nhóm trên cho biết, năm ngoái, anh mua cổ phiếu chứng khoán, còn năm nay quan tâm đến cổ phiếu ngân hàng, vừa mua “thăm dò” một mã bị “rẻ rúng” suốt thời gian dài khiến định giá ở mức thấp, với kỳ vọng năm 2024 sẽ hồi phục.

Động thái đảo chiều sang mua ròng của khối ngoại ở nhóm ngân hàng đã góp phần tháo gỡ “nút thắt” tâm lý của nhà đầu tư nội, khi Quỹ Fubon ghi nhận giá trị mua ròng trên 100 tỷ đồng trong 3 tuần liên tiếp. Bên cạnh đó, dòng tiền nhà đầu tư tổ chức trong nước có dấu hiệu quay lại thị trường.

Trong các kênh đầu tư phổ biến, nhóm nhà đầu tư Đình Trung dự kiến phân bổ 30% danh mục cho chứng khoán, với luận điểm kinh tế trong nước hồi phục, tạo môi trường cộng hưởng giữa các mắt xích để các doanh nghiệp niêm yết quay trở lại xu hướng tăng trưởng. Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp với lãi vay có dư địa giảm thêm, kết hợp cung tiền M2 tăng trở lại tiệm cận mức bình quân trước dịch Covid-19, giúp dòng tiền dồi dào chảy vào kênh chứng khoán. Lạm phát tháng 12/2023 tăng 3,58% so với cùng kỳ năm 2022 và cả năm 2023 bình quân tăng 3,25% cho thấy lạm phát trong tầm kiểm soát và tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ kinh tế tăng trưởng.

Với nhiều chỉ tiêu vĩ mô dần tốt lên, cùng với đó là mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025, nhóm nhà đầu tư tin tưởng rằng, 2024 sẽ là năm khởi đầu cho một chu kỳ tăng của VN-Index. Chu kỳ này sẽ được hỗ trợ từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến đảo chiều chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng hơn vào cuối quý I/2024, trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ hạ nhiệt.

Hiệu ứng tháng Giêng

“Chẳng có gì mới trên Phố Wall hay trong đầu cơ chứng khoán. Những gì xảy ra trong quá khứ sẽ lặp lại trong tương lai. Đó là bởi bản chất con người không bao giờ thay đổi và cảm xúc con người luôn ảnh hưởng xấu đến trí tuệ của họ” (Jesse Livermore).

Vậy tháng Giêng, thị trường chứng khoán thường có diễn biến ra sao? Xét trong 11 năm qua của thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index có số lần tháng Giêng tăng điểm nhiều hơn số lần giảm điểm (mức giảm cao nhất là 5,6% năm 2016).

Xét về tính chu kỳ năm, dường như có một sự trùng hợp: VN-Index tạo đáy tháng 4/2016, tạo đỉnh tháng 4/2018; tạo đáy tháng 4/2020, tạo đỉnh tháng 4/2022. Liệu giai đoạn tháng 4/2024 - 4/2026 có phải là một chu kỳ lớn tiếp theo?

Vừa qua, VN-Index có diễn biến tăng sau giai đoạn đi ngang, chỉ số từ dưới 1.100 điểm vượt lên trên 1.150 điểm, hướng đến mục tiêu tiếp theo là ngưỡng 1.200 điểm và biên độ biến động của thị trường thu hẹp dần. Thực tế cho thấy, xu hướng tăng luôn bắt đầu từ nền giá đi ngang, thể hiện sự “rũ bỏ” xong, qua thời gian sẽ tạo sự ổn định cho thị trường, xây dựng niềm tin và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia, tạo điều kiện để hình thành xu hướng tăng trung và dài hạn.

Một số câu chuyện hấp dẫn

Kỳ vọng, 2024 sẽ là năm khởi đầu cho một chu kỳ tăng dài hạn của VN-Index.

Ghi nhận trên thị trường, có một số câu chuyện nổi bật đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Thứ nhất là tiêu dùng, xuất khẩu sẽ hồi phục, nhóm ngành kỳ vọng được hưởng lợi rõ nét là bán lẻ, vận tải, kho bãi.

Nhu cầu tiêu dùng chậm lại kể từ cuối năm 2022 và kéo dài đến hết năm 2023. Với việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất ở mức thấp và kinh tế bước vào chu kỳ phục hồi, sức mua được kỳ vọng sẽ dần cải thiện. Các chính sách hỗ trợ phía cầu của Chính phủ như giảm thuế giá trị gia tăng đối với hầu hết nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2024 từ 10% xuống 8%, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2024…, có thể kích thích nhu cầu tiêu dùng.

Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia có kinh tế tăng trưởng tốt, sở thích tiêu dùng về công nghệ cao. Sở thích về tiêu dùng công nghệ cùng sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ là động lực tăng trưởng của ngành bán lẻ điện tử và gia dụng trong trung và dài hạn.

Về xuất khẩu, MBS dự báo, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 sẽ tăng trưởng dương 6 - 7% nhờ áp lực chuỗi cung ứng hạ nhiệt, đồng thời nhu cầu điện thoại, linh kiện điện tử đang có dấu hiệu tạo đáy.

Thứ hai là hệ thống KRX và câu chuyện nâng hạng thị trường, với các nhóm ngành kỳ vọng được hưởng lợi bao gồm chứng khoán, ngân hàng, nhóm VN30.

Trong năm 2023, HOSE quyết tâm go-live hệ thống KRX, nhưng tiến độ đã không được đảm bảo, mang lại sự thất vọng cho không ít nhà đầu tư. Tuy nhiên, hệ thống này có thể sẽ sớm đi vào vận hành, qua đó giúp cơ quan quản lý cũng như các bên tham gia thị trường triển khai các giải pháp giao dịch và thanh toán mới như giao dịch trong ngày (T+0), bán chứng khoán đang trên đường về, bán khống, rút ngắn thời gian thanh toán… Từ đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đạt một số tiêu chuẩn cần thiết trong tổng yêu cầu để được nâng hạng thị trường bởi FTSE, sau đó là MSCI, giúp thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Thứ ba là đầu tư công, với các nhóm ngành kỳ vọng được hưởng lợi là xây dựng, vật liệu xây dựng, tài nguyên cơ bản.

Năm 2024 được coi là năm bản lề để hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Hiện tại, hầu hết dự án đầu tư công đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, nên năm nay sẽ đẩy nhanh tiến độ. Khi các nút thắt đầu tư những năm trước được tháo gỡ (công tác chỉ định thầu giúp đẩy nhanh quá trình giao thầu, việc khai thác các mỏ đất đá mới đã được cấp phép, giá nguyên vật liệu xây dựng hạ nhiệt…), giải ngân đầu tư công sẽ mạnh mẽ hơn.

Các dự án đầu tư công được tập trung triển khai trong giai đoạn 2024 - 2025 bao gồm 12 dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1...

Lê Đạt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ