Gợn lên những hạn chế lớn
Đánh giá về kết quả thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đến năm 2020, dự kiến 16 trong số 23 mục tiêu lớn được giao tại Nghị quyết số 27/NQ-CP ban hành ngày 21/2/2017 của Chính phủ được hoàn thành và có khả năng hoàn thành (chiếm gần 70%).
Đáng kể, 5 mục tiêu quan trọng đã hoàn thành vượt xa so với kế hoạch đề ra, góp phần tạo ra bước tiến thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2016 - 2020. Đơn cử, quy mô nợ công giảm mạnh, từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016, xuống khoảng 55% GDP cuối năm 2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể tăng đến 57-58% GDP, song vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là không quá 65% GDP.
Còn trong 7 mục tiêu có khả năng không hoàn thành, 2 mục tiêu về bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ nợ xấu được đánh giá có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2019, nhưng có thể “lỡ kế hoạch” do tác động tiêu cực của Covid-19.
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng giảm từ mức 2,46% cuối năm 2016, xuống 1,63% cuối năm 2019, khoảng 1,92% tạm tính đến cuối tháng 7/2020. Nhưng cũng do Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ giảm mạnh, dẫn đến tình trạng nợ xấu có thể gia tăng, do đó có thể không đạt được mục tiêu.
Bà Đặng Thị Thu Hoài, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế ngành và lĩnh vực của CIEM cho hay, tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 có 8 hạn chế lớn liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, ngân sách nhà nước, dịch vụ công, các tổ chức tín dụng, phát triển các thị trường, cơ cấu lại các ngành, phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Riêng với doanh nghiệp nhà nước, nhóm nghiên cứu CIEM đánh giá, tái cơ cấu giai đoạn vừa qua chưa hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra, đơn cử về “nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước”, kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và “phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp nhà nước”.
Đại diện CIEM cho rằng, thực tế trên xuất phát từ nguyên nhân chủ quan. Trong đó, nhận thức về vai trò của doanh nghiệp nhà nước, kinh tế nhà nước mà chủ đạo là doanh nghiệp cũng như việc sử dụng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ vĩ mô chưa rõ ràng… Ngoài ra, những tồn tại về doanh nghiệp nhà nước hiện nay cũng xuất phát từ hệ thống pháp luật còn chồng chéo, dẫn đến khó khăn trong quá trình cổ phần hóa và hoàn thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước còn khó; xung đột lợi ích trong thúc đẩy quá trình cổ phần hóa.
Đối với các tổ chức tín dụng, quy mô, năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh của các tổ chức này còn hạn chế, trong khi mức độ an toàn chưa bền vững so với các nước trong khu vực; chưa triển khai dứt điểm cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Ngoài ra, “việc xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, nợ xấu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là trước tác động tiêu cực của Covid-19”, đại diện CIEM nêu.
Những cải thiện về hiệu quả, năng suất từ tái cơ cấu kinh tế giai đoạn vừa qua là chưa đủ để dịch chuyển mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Do đó, bà Hoài cho rằng, cần phải tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, bởi dù có cải thiện, nhưng tăng trưởng cơ bản vẫn theo chiều rộng; hiệu quả sử dụng nguồn lực còn kém, thị trường nhân tố sản xuất chưa phát triển, các ngành vẫn chủ yếu gia công, nội địa hóa thấp, kinh tế tư nhân nhìn chung còn yếu.
Ba vấn đề cốt lõi
Tại hội thảo với chủ đề: “Cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hậu Covid-19 giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030”, diễn ra chiều 16/12, chuyên gia kinh tế Cao Viết Sinh cho rằng, việc xử lý những vấn đề về nợ xấu không thể hiện được khả năng thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Tái cơ cấu cần đánh giá trên 3 khía cạnh: năng suất, khả năng cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, mà cả ba khía cạnh này đều được bộc lộ thời Covid-19.
Tái cơ cấu cần đánh giá trên 3 khía cạnh: năng suất, khả năng cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, mà cả ba khía cạnh này đều được bộc lộ thời Covid-19.
Theo ông Cao Viết Sinh, cần làm rõ khả năng cạnh tranh của Việt Nam đang đứng thứ bao nhiêu, thị phần doanh nghiệp Việt Nam trên thế giới ra sao. Tất nhiên, vẫn khen khi môi trường kinh doanh trong nước tăng bậc, nhưng cần nhìn rộng ra thế giới chuyển động ra sao, chẳng hạn Ấn Độ tăng đến 70 - 80 bậc về môi trường kinh doanh trong những năm gần đây.
Còn TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM lưu ý, phân bổ lại, sử dụng nguồn lực sao cho hiệu quả là trọng tâm cốt lõi của tái cơ cấu kinh tế.
Chuyên gia này cho rằng, nền kinh tế kém hiệu quả trong khi thế giới tiến lên và nhiều cái mới xuất hiện, như công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, kinh tế số, là do phân bổ nguồn lực sai lệch và thể chế phân bổ nguồn lực là phi thị trường.
Dẫn chứng chuyện phân bổ nguồn lực cho các địa phương, ông Cung đánh giá, phân bổ ngân sách đầu tư cho các địa phương là không logic và hiệu quả. “Hà Nội và TP.HCM có số lượng người cư trú gấp 1,5 - 2 lần số người đăng ký hộ khẩu thường trú, nhưng phân bổ nguồn lực cho hai địa phương này lại chỉ dành cho những người đăng ký hộ khẩu”, ông Cung nói.
Có thể thấy rõ hơn sự bất cập trong phân bổ nguồn lực khi một tỉnh ở phía Bắc xây dựng tượng đài ngàn tỷ đồng, nhưng chỉ lác đác người đi qua, trong khi Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh ở phía Nam, những địa bàn tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn, lại đang tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.