Nhiều nhận định cho rằng, phải tới năm 2010 thế giới mới thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, ông nghĩ sao về điều này?
Tôi thấy rằng, hiện nay sự ổn định của hệ thống ngân hàng đã được khôi phục sau hàng loạt biện pháp đặc biệt của nhiều chính phủ. Mặc dù nguy cơ đã không còn quá căng thẳng như thời gian vừa qua, nhưng vẫn còn ở mức cao, phản ánh sự e ngại của nhà đầu tư, "khan hiếm tín dụng" vẫn còn tiếp tục. Vì vậy, các thị trường vẫn còn nhiều biến động; một vài nền kinh tế đã lâm vào tình trạng căng thẳng về tài chính. Chỉ tính riêng thiệt hại từ các TTCK toàn cầu tính đến nay đã vào khoảng 20.000 tỷ USD. Thiệt hại từ lĩnh vực bất động sản đang tăng lên, buộc các nhà đầu tư, định chế tài chính và chính phủ cùng nhau chia sẻ những mất mát này.
Tôi không muốn đưa ra dự đoán, song nhiều khả năng triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ còn tồi tệ hơn, lòng tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng suy giảm. Các định chế tài chính toàn cầu dường như còn phải chịu nhiều thiệt hại hơn nữa, khi mà làn sóng cắt giảm vay nợ vẫn còn và hoạt động kinh tế toàn cầu đang trên đà suy giảm.
Trong cuộc khủng hoảng này, dường như phản ứng chính sách trên toàn cầu tương đối giống nhau?
Như chúng ta đã thấy, phản ứng chính sách trên toàn cầu là ổn định thị trường tài chính và các định chế tài chính; kích thích các nền kinh tế tăng trưởng bằng cách bơm vốn, tạo điều kiện cho vay vốn, mua lại tài sản đang gặp khó khăn (hoặc cho phép sử dụng những tài sản này làm tài sản thế chấp), giảm lãi suất cho vay, tăng cường chi tiêu chính phủ, hỗ trợ cho một số ngành nhất định.
Một biện pháp quan trọng nữa là giám sát các ngân hàng đầu tư, tăng cường tính minh bạch của các quỹ tự bảo hiểm và các công cụ tài chính phái sinh, đồng thời có thêm nhiều công cụ phái sinh được niêm yết và giao dịch, nhằm tăng cường tính minh bạch và giảm rủi ro thanh toán. Nhiều quốc gia phải "xắn tay" cải thiện hơn nữa năng lực quản trị điều hành của các định chế tài chính; giải quyết khó khăn nảy sinh do quy mô quá lớn nên không thể để cho phá sản. Cũng qua cuộc khủng hoảng này có thể thấy, xu hướng đẩy mạnh hợp tác quốc tế - tăng cường đối thoại giữa các chính phủ và nhà điều tiết; đẩy mạnh thỏa thuận hoán đổi tiền tệ và trợ giúp các nền kinh tế đang khủng hoảng.
Là chuyên gia kinh tế trưởng của Hồng Kông tới tháng 10/2008, ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm Trung Quốc đã thực hiện để duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh toàn cầu suy thoái?
Đối sách của Trung Quốc trước cuộc khủng hoảng có thể tóm gọn trong vài ý chính, đó là sớm thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, song song với các chính sách khác nhằm thúc đẩy nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 8%. Trung Quốc đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, từng bước quốc tế hóa đồng nhân dân tệ qua các thỏa thuận trao đổi tiền tệ sử dụng nhân dân tệ, thanh toán thương mại bằng nhân dân tệ.
Trong quá trình thực hiện những chính sách trên, xuất hiện khá nhiều tranh cãi, chẳng hạn như liệu Trung Quốc có nên tiếp tục bơm tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng và dự án vốn? Trung Quốc làm thế nào để kích cầu tiêu dùng tốt hơn và thúc đẩy hơn nữa phát triển các ngành công nghiệp dịch vụ? Các ngân hàng sẽ cho vay, phải cho vay vì Chính phủ muốn họ làm điều đó? Và đặc biệt, liệu nỗ lực tài khóa mở rộng có thành công hay không, đâu là hậu quả sẽ xảy ra nếu chúng thành công hoặc không thành công?
Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, theo ông, đâu là bài học Việt Nam nên chú ý?
Rõ ràng là các thị trường tài chính toàn cầu vẫn còn nhiều biến động, tình trạng tồi tệ nhất của nền kinh tế còn chưa đến; một vài quốc gia phải đối mặt với khó khăn về chính trị - xã hội, nhất là xuất khẩu sẽ suy giảm vì nhu cầu quốc tế giảm, áp lực bảo hộ cao hơn dưới các hình thức trợ cấp; đầu tư trực tiếp ít hơn…
Đối với Việt Nam, tôi cho rằng, đẩy mạnh đồng thời các chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và các hệ thống điều tiết là điều kiện cần thiết để nền kinh tế thị trường vận hành có hiệu quả. Cải cách hành chính, ngân sách và thuế đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, theo đuổi cải cách cơ cấu là giải pháp dài hạn đối với những vấn đề kinh tế vĩ mô ngắn hạn. Chính phủ cũng phải chú ý tới sự chi phối của khu vực nhà nước có khuynh hướng xảy ra do nền kinh tế dựa vào đầu tư, giảm tỷ trọng tiêu dùng trong GDP và tăng trưởng chậm hơn trong nhiều ngành dịch vụ. Điều này có thể dẫn tới việc hình thức cho vay chính sách và dựa trên mối quan hệ vẫn còn phổ biến; rủi ro cao về các khoản nợ xấu có thể xuất hiện, đặc biệt là khi nền kinh tế suy giảm.