Hàng trăm nghìn tỷ đồng bị “mắc kẹt” vì vướng pháp lý
Là người phát biểu mở đầu hội thảo “Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam, những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ” diễn ra cuối tuần qua tại TP. Cam Ranh (Khánh Hòa), TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam tỏ ra rất nóng ruột trước thực trạng nổi cộm nhất hiện nay là sự cấp thiết tạo dựng một khung pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch. Trong khi đó, đây là yêu cầu rất cấp bách trong bối cảnh ngành du lịch đang đứng trước nhiều cơ hội phục hồi sau dịch.
Theo ông Quyền, không chỉ Khánh Hòa, mà nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch khác đang gặp vướng mắc pháp lý, khiến hàng trăm dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí nguồn lực.
Cùng góc nhìn, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, vướng mắc pháp lý bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng khiến hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực này của doanh nghiệp và nhà đầu tư bị “mắc kẹt”.
Theo ông Đính, hiện nay, việc đầu tư nhiều sản phẩm bất động sản thuộc phân khúc này chỉ được khẳng định bằng hợp đồng hợp tác đầu tư hay góp vốn…, mà không có giấy tờ pháp lý mạnh hơn để có thể tự do chuyển nhượng tài sản đầu tư đã ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường.Điều này không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, ngân sách nhà nước, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, thị trường bất động sản nói riêng.
“Hiện nguồn cung sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng chỉ mới đáp ứng 25% nhu cầu thị trường, năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam cũng chưa bằng một số quốc gia láng giềng như Thái Lan, Maylaysia…, nguyên nhân một phần xuất phát từ cơ chế chính sách, hành lang pháp lý liên quan tới du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng chưa đầy đủ, thống nhất, thiếu đồng bộ, đồng thời tạo điểm nghẽn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh những lĩnh vực này”, ông Đính nhấn mạnh.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết, các sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng mới như condotel dù mới hình thành và phát triển trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhưng đã đóng góp hơn 21% số lượng buồng phòng của các khách sạn 3-5 sao trên toàn quốc.
Mặt khác, hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản du lịch đang chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp lý chung áp dụng trong hoạt động kinh doanh bất động sản, du lịch và các quy định khác (ít nhất 5 luật liên quan). Hệ thống pháp lý căn bản cao nhất gồm Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Du lịch.
Sự chồng chéo không chỉ gây cản trở quá trình phát triển lĩnh vực giàu tiềm năng này, mà còn gây khó cho công tác quản lý, rủi ro cho các tổ chức tín dụng trong quá trình hỗ trợ vốn, xử lý nợ xấu… bởi chưa xác định được 5 điểm gồm: Chưa được định danh, chưa nằm trong quy hoạch phát triển du lịch; chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu; chưa theo kịp nhu cầu và năng lực cạnh tranh quốc tế; thiếu đồng bộ, nhất quán về cơ chế, chính sách.
Nhiều dự án du lịch, nghỉ dưỡng đang chờ tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Ảnh: Dũng Minh |
Giải pháp nào?
Theo bà Nguyễn Thị Nga, Đại học Luật Hà Nội, để giải quyết dứt điểm những vướng mắc hiện nay, cần nghiên cứu điều chỉnh luật. Tuy nhiên, đặc thù của lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng liên quan đến nhiều luật nên để điều chỉnh đồng bộ đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Do đó, trước mắt cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án hiện hữu để thúc đẩy thanh khoản, duy trì sự phát triển ổn định của thị trường.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, việc cấp bách nhất hiện nay là làm thế nào khơi thông hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đang ứ đọng tại các dự án, giải phóng nguồn lực đầu tư và để làm được điều này, Chính phủ cần ban hành các văn bản dưới luật tháo gỡ các nút thắt pháp lý, nhanh chóng triển khai trở lại các dự án.
Cụ thể hơn, ông Hoàng Thái Sơn, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Long Beach Land đề xuất, Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan tới Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất của người mua, cho thuê mua sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
“Cần sớm sửa đổi các luật liên quan tới hoạt động kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng theo hướng đồng bộ, thống nhất, quy định cụ thể, chi tiết các khái niệm, hình thức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất xây dựng bất động sản du lịch… Đây là cơ sở quan trọng để hạn chế tình trạng tự phát làm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại nhiều địa phương như thời gian qua”, ông Sơn nói.
Tại hội thảo, thuật ngữ “đất ở không hình thành đơn vị ở” cũng được đề cập tới và nhiều ý kiến cho rằng, thuật ngữ này phù hợp với phần lớn dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng hiện nay. Đây là sản phẩm mà nhà đầu tư thứ cấp sở hữu một đơn vị trong tổng thể toàn dự án. Hình thức này được hiểu là chủ sở hữu nhưng không thường trú tại sản phẩm đó, mà chỉ bàn giao lại cho đơn vị điều hành, khai thác.
Ông Nguyễn Văn Quyền cho biết, thuật ngữ “đất ở không hình thành đơn vị ở” mới phát sinh và chưa được quy định trong luật, nhưng nó mang lại nhiều lợi ích cho thị trường du lịch, nghỉ dưỡng nói riêng, thị trường bất động sản nói chung, đặc biệt là sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương phát triển du lịch, nên cần sớm luật hóa để tạo điều kiện thuận lợi phát triển các sản phẩm này.
“Luật Đất đai 2013 đang trong thời gian chờ sửa đổi, bổ sung. Để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, các bộ, ngành chức năng cần nhanh chóng ban hành các văn bản dưới luật về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với ‘đất ở không hình thành đơn vị ở’ để sớm khơi thông thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, giàu tiềm năng này”, ông Quyền nhấn mạnh.