Tìm lời giải cho chung cư mini trong bài toán nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Khi người dân có thêm nhiều lựa chọn an cư giá rẻ, các dự án kém chất lượng sẽ tự động bị đào thải.
Các căn hộ tại chung cư mini thường có giá dao động dưới 1 tỷ đồng. Ảnh: Danh Khang. Các căn hộ tại chung cư mini thường có giá dao động dưới 1 tỷ đồng. Ảnh: Danh Khang.

Sự lựa chọn “đường cùng”

Chị Tú Linh (45 tuổi, nhân viên văn phòng) vẫn không khỏi ớn lạnh trước vụ cháy thảm khốc tại phường Khương Đình, bởi lẽ chính gia đình chị cũng đang sống tại một chung cư mini. Dù bản thân hiểu được những nguy hiểm tiềm tàng của loại hình nhà ở này, nhưng chị vẫn “nhắm mắt cho qua” vì giấc mộng an cư.

“Cách đây 3 năm, tôi đã chi hơn 700 triệu đồng để mua một căn hộ 36 m2 tại quận Tây Hồ. Trước đó, tôi đã tìm khắp nơi, cả nhà đất lẫn chung cư. Tuy nhiên, không có một nơi nào ở nội thành có giá căn hộ dưới 1 tỷ đồng. Do đó, dẫu biết nơi đây không đảm bảo an ninh, an toàn nhưng tôi vẫn chấp nhận mua vì đâu còn sự lựa chọn nào khác”, chị Linh cho biết.

Câu trả lời của chị Linh cũng là nỗi lòng chung của rất nhiều người. Trước vụ cháy thương tâm gần đây, phía Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã đặt ra một chữ “nếu”.

“Nếu như thị trường có đủ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của đông đảo người dân, thì có lẽ những tòa chung cư mini không đảm bảo tiêu chuẩn cũng sẽ không có cơ hội được tiêu thụ”, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam bình luận.

Hiện Bộ Xây dựng cho biết đã hoàn thành xây dựng 181 dự án nhà ở xã hội, với khoảng 94.390 căn hộ. Tuy nhiên, theo đề án được Thủ tướng phê duyệt, cả nước sẽ phải hoàn thành xây dựng khoảng 428.000 căn hộ trong giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, nguồn cung căn hộ mới chỉ đạt khoảng 22% so với mục tiêu đề ra, dù thời gian thực hiện kế hoạch đã trôi qua một nửa.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, việc nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế xuất phát từ sự thiếu “mặn mà” của doanh nghiệp. Cụ thể, mức lợi nhuận tối đa 10% chưa thực sự thu hút các chủ đầu tư. Ngoài ra, quy trình thủ tục, pháp lý còn phức tạp. Điều này khiến thời gian xây dựng bị kéo dài và vô hình trung khiến giá nhà tăng lên.

“Bên cạnh đó, quá trình quy hoạch đất ‘sạch’ dành cho nhà ở xã hội diễn ra vẫn còn chậm. Các cấp chính quyền địa phương còn thiếu sát sao vì tư duy ‘sợ sai’. Nhiều nơi mất cả năm trời để đấu giá đất”, ông Điệp bình luận.

Nhà ở xã hội sắp được dịp “lên tiếng”

Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng bức tranh nhà ở xã hội hứa hẹn sẽ khoác lên mình một gam màu tươi sáng hơn trong thời gian tới, đặc biệt là khi dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua và đi vào thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023. Ảnh: Media Quốc hội.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023. Ảnh: Media Quốc hội.

Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cập nhật, một số chính sách về phát triển nhà ở xã hội đã được căn chỉnh lại trong dự thảo luật. Nổi bật là các cải cách về thủ tục hành chính và khơi thông nguồn lực từ phía doanh nghiệp.

Trong đó, dự thảo đã bổ sung nhóm chính sách về nhà ở công nhân ở khu công nghiệp (gồm nhà ở xã hội và nhà lưu trú cho công nhân) và nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang.

Bên cạnh đó, ông Sinh khẳng định dự thảo sẽ khắc phục được những hạn chế trước đây về vấn đề quỹ đất. Theo đó, dự thảo luật chỉ yêu cầu doanh nghiệp dành 20% quỹ đất trong dự án nhà thương mại ở các đô thị loại 3 trở lên cho nhà ở xã hội. Ngoài ra, UBND cấp tỉnh cũng sẽ được trao quyền chủ động hơn trong việc dành quỹ đất để phát triển dự án.

Không chỉ vậy, dự thảo đã làm rõ, bổ sung nhóm chính sách ưu đãi dành cho các chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để “hâm nóng” thị trường, gia tăng nguồn cung.

“Chủ đầu tư tham gia sẽ được miễn tiền sử dụng đất, hưởng lợi nhuận 10%, được dành 20% diện tích đất thương mại dịch vụ để đầu tư, phục vụ cư dân tại khu vực dự án. Doanh nghiệp cũng sẽ được vay nguồn vốn ưu đãi thông qua ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng liệt kê những quyền lợi của chủ đầu tư.

Về đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, dự thảo luật cũng đã giảm bớt các thủ tục. Trước đây, luật quy định 3 tiêu chí xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội là cư trú, thu nhập và diện tích nhà ở. Tuy nhiên, dự thảo mới đã bỏ tiêu chí cư trú.

"Đã là công dân Việt Nam thì được quyền mua (nhà ở xã hội) nếu đủ điều kiện về thu nhập, nhà ở", ông Sinh khẳng định.

Bên cạnh đó, điều kiện về thu nhập, diện tích nhà ở cũng đã được nới rộng. Chẳng hạn, trước đây, điều kiện để được mua nhà ở xã hội là diện tích bình quân của hộ gia đình phải dưới 10m2/sàn/người. Tuy nhiên, mức quy định sẽ được xem xét nâng lên thành 15 m2, bằng với các nước trong khu vực.

Không chỉ vậy, dự thảo luật còn có các cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, xác định giá bán, giá thuê mua. Ông Sinh cho rằng, thị trường nhà ở xã hội sẽ sớm được thúc đẩy nhờ những cơ chế thông thoáng từ lần sửa đổi này.

Từ góc độ địa phương, ông Mạc Đình Minh, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết mục tiêu chiến lược của thành phố là phát triển 6,8 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

Đây là một chỉ tiêu lớn và để hoàn thành mục tiêu này, ông Minh cho rằng cần có giải pháp cải cách về trình tự thủ tục, đặc biệt là việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Liên quan tới tiền sử dụng đất từ 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại, TP. Hà Nội đề xuất được sử dụng tiền này thông qua quỹ phát triển nhà ở địa phương để phát triển đầu tư hoặc cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Cùng với đó, ông Mạc Đình Minh đề xuất tăng lợi nhuận định mức của các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội lên thành 15%. Con số này trong quy định hiện chỉ dừng ở lại ở mức 10%.

Thanh Vũ
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục