Tìm lại dấu chân“Xích Thố” tăng trưởng của Trung Quốc

(ĐTCK) Dấu chân ấy thực ra đã kinh qua các láng giềng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Khi các nhà phân tích nói về ba thập kỷ tăng trưởng vừa qua của Trung Quốc, họ thường biểu đạt một cách đầy ngưỡng mộ và sùng bái. 35 năm tăng trưởng bình quân 9,7%/năm “là một điều thần kỳ chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại”, Justin Lin Yifu, kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới từ 2008 đến 2012 nói.

Thực tế, việc có khoảng 400 - 600 triệu người thoát nghèo có thể coi là một thành quả diệu kỳ, nhưng mô hình tăng trưởng và tỷ lệ tăng trưởng nói trên không phải là chưa từng có, nó đã xuất hiện ở các nền kinh tế láng giềng của Trung Quốc. “Chúng ta đã xem bộ phim này từ trước rồi, ở Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Nhật Bản. Chúng ta chỉ đang xem một phiên bản hoành tráng và nhiều màu sắc hơn ở Trung Quốc mà thôi”, Frederic Neumann, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC nói. “Nhật Bản trong thập kỷ 1960 cũng tăng trưởng 10%/năm và cũng được coi là một nền kinh tế thần kỳ khi đó”.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 7,7% trong năm 2013, theo số liệu được chính phủ nước này công bố hôm thứ Hai (20/1), tương đương mức tăng trưởng đã hiệu chỉnh của năm 2012. Nhưng hầu hết nhà phân tích đều dự đoán tăng trưởng sẽ giảm tốc trong năm nay, xuống mức chậm nhất trong hơn hai thập kỷ.

Với hầu hết các nền kinh tế châu Á tăng trưởng cao trước đây, động lực tăng trưởng được cung cấp bởi hoạt động đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giá rẻ phục vụ xuất khẩu, một mô hình có thể duy trì được hơn mười năm. Và cũng ở các nền kinh tế láng giềng châu Á của Trung Quốc, mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sau đó được thay thế bằng mô hình lấy động lực từ đầu tư nội địa, đặc biệt vào hạ tầng kỹ thuật và bất động sản. Nhưng giai đoạn tiếp theo là giảm tốc đột ngột, do đầu tư hạ tầng đạt tới giới hạn.

“Trung Quốc cũng sẽ không thể tránh được việc phải đối diện với một sự điều chỉnh sâu, như các nền kinh tế láng giềng khác đã trải qua, và nguy cơ đó đang hiển hiện”, nhà nghiên cứu Neumann nhận định. “Việc nghĩ rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể miễn dịch với nguy cơ mà các nền kinh tế khác đã đối mặt chỉ là huyễn hoặc, là đặt nhầm niềm tin vào quan niệm ‘ngoại lệ Trung Quốc’”.

Dự đoán được nhất trí giữa các nhà kinh tế tự do là tăng trưởng 7,4% cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2014, tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990.

Dĩ nhiên, một nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn nhưng có quy mô lớn hơn vẫn đóng góp cho GDP toàn cầu nhiều hơn một nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn nhưng có quy mô nhỏ hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo lạc quan nhất cũng nói rằng, Trung Quốc buộc phải thực thi các cải cách kinh tế đau đớn mới có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng thấp hơn đó.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra mức tăng trưởng bình quân khoảng 6%/năm cho Trung Quốc trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, trên cơ sở một kịch bản tốt nhất, trong đó, Chính phủ thực hiện thành công các cải cách để tái cân bằng nền kinh tế.

Đứng đầu trong danh sách các lĩnh vực cần cải cách của Trung Quốc là tài chính, để giải tỏa gánh nặng nợ của nền kinh tế. Tổng nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng từ 130% trong năm 2008 lên hơn 200% vào cuối năm 2013. Ở tốc độ này, nhiều nền kinh tế khác đã trượt chân vào khủng hoảng.

Bắc Kinh đang cố gắng kìm chế nạn tăng trưởng tín dụng bừa bãi và vay mượn tràn lan của các chính quyền địa phương, nhưng cũng lo nếu siết chặt quá sẽ gây ra tình trạng “đóng băng” tài chính.

“Mấu chốt là các lãnh đạo Trung Quốc cần cân bằng giữa những cải cách hỗ trợ tăng trưởng và cải cách triệt tiêu tăng trưởng và phối hợp chúng một cách nhuần nhuyễn”, Stephen Green, Trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc của Standard Chartered nói. “Những cải cách gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng bao gồm cắt giảm chi tiêu cho các lĩnh vực dư thừa công suất, trong khi những cải cách hỗ trợ tăng trưởng bao gồm việc mở ra các ngành nghề mới, như viễn thông, đường sắt, các dịch vụ tài chính cho đầu tư tư nhân, khuyến khích dịch vụ và cắt giảm các giấy phép, thủ tục hành chính.

Tốc độ cải cách tùy thuộc vào cảm nhận của Chính phủ về mức độ chậm lại của tăng trưởng. Trong nhiều thập kỷ qua, chính các lãnh đạo của Trung Quốc cũng thừa nhận rằng, địa vị của họ là do tăng trưởng cao liên tục và việc tạo ra hàng triệu việc làm mỗi năm tạo nên. Trong hai năm gần đây, tăng trưởng chậm lại ở nửa đầu mỗi năm đã khiến Bắc Kinh do dự thắt chặt đầu tư hạ tầng và nới lỏng chính sách về giữa năm.

Nếu Chính phủ tiếp tục siết rồi lại nới chính sách do lo ngại tăng trưởng chậm thì công cuộc tái cân bằng nền kinh tế có thể vĩnh viễn bị đình lại, mà hậu quả cuối cùng có thể còn tồi hơn cả tăng trưởng chậm.          

Quang Huy
(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục