Tìm kênh đầu tư mới qua sàn giao dịch hàng hóa

(ĐTCK-online) Việc giao dịch hàng hóa (GDHH) qua sàn đã trở nên phổ biến trên thế giới, song ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ… Theo Tổng giám đốc Sở GDHH Việt Nam (VNX), ông Nguyễn Duy Phương, đầu tư qua sàn GDHH là kênh đầu tư không kém phần hấp dẫn bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán, bất động sản…
Tìm kênh đầu tư mới qua sàn giao dịch hàng hóa

Xin ông cho biết vài điều về VNX và kế hoạch phát triển của sàn GDHH này?

VNX là Sở GDHH đầu tiên được Bộ Công thương cấp phép hoạt động tại Việt Nam với ba mặt hàng được cấp phép giao dịch là cà phê, cao su và thép. Mô hình hoạt động của VNX gồm 3 phần là Sàn giao dịch, Trung tâm thanh toán bù trừ, Trung tâm kiểm định và giao dịch hàng hóa. Bên cạnh đó, VNX sẽ tiến hành thiết kế các hợp đồng tương lai, các tổ chức giám sát, thanh toán và giao hàng.

 

Hiện VNX có những giải pháp nào để hỗ trợ NĐT?

Hiện nay, VNX đang có hợp tác với một số ngân hàng và bản thân nhà băng cũng là ngân hàng thanh toán cho VNX. Đồng thời, có một số ngân hàng đang chuẩn bị hồ sơ để làm thành viên kinh doanh cho Sở. Vì thế, các ngân hàng sẽ hợp tác với VNX để cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản, thanh toán ngân hàng quản lý bù trừ, sau đó có thể tài trợ thương mại và tín dụng cho NĐT tham gia GDHH qua Sở. Hiện chúng tôi đang thương thảo với một số ngân hàng như BIDV, Techcombank… để kết nối hệ thống, chiết khấu thương mại, dịch vụ tài chính…

 

Kỳ vọng của ông như thế nào về hoạt động của Sở GDHH trong tương lai?

Trong giai đoạn đầu, kỳ vọng của chúng tôi là đưa kênh đầu tư này tới NĐT cá nhân, giúp họ đa dạng kênh đầu tư bên cạnh những hình thức đầu tư truyền thống. Còn đối với các DN, những nhà sản xuất thì VNX muốn phổ cập kênh đầu tư này để họ có thể phát triển và bảo hiểm hoạt động kinh doanh. Chúng tôi hy vọng, trong năm 2011, hầu hết các NĐT, DN, hiệp hội thuộc các ngành nghề mà VNX đang đăng ký giao dịch sản phẩm đều hiểu được kênh đầu tư này và sau đó có thể sử dụng nó. VNX cũng đặt kế hoạch liên kết với các sở GDHH trên thế giới như: Luân Đôn, Nhật Bản và Singapore.

 

Theo ông, đâu là khó khăn và thuận lợi đối với hoạt động của sàn GDHH hiện nay cũng như thời gian tới?

Khó khăn thì rất nhiều, vì đây là kênh đầu tư mới, lĩnh vực mới. Nhưng điều quan trọng nhất là phương pháp vận hành của Sở GDHH và đưa kênh này đến với NĐT. Một khó khăn nữa là công tác nhân sự, nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong lĩnh vực này hiện còn hạn chế. Trong khi đó, vận hành hệ thống Sở GDHH đòi hỏi khả năng kiểm soát rủi ro lớn, rủi ro trong vận hành hệ thống, rủi ro trong quy trình nghiệp vụ, rủi ro cân đối hàng thực và hàng giao dịch qua tài khoản, rủi ro về giá cả… Là người tiên phong, chúng tôi đang cố gắng để VNX hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

 

Sản phẩm giao dịch phái sinh bao giờ được áp dụng và theo ông, liệu các NĐT cá nhân, tổ chức có thể tham gia theo hình thức nào khi có nhu cầu giao dịch qua Sở?

Sở GDHH sẽ cung cấp công cụ tài chính phái sinh (thông qua các hợp đồng tương lai) cho NĐT. NĐT muốn tham gia phải ký quỹ một khoản tiền là 5%/tổng giá trị giao dịch, nhưng hợp đồng tương lai khác với các sản phẩm phái sinh khác là hàng ngày trước khi giao dịch thì phải tất toán trạng thái và thể hiện lãi lỗ. Ví dụ: 1 lô cà phê trên sàn hiện có giá 1.000 USD, ngày hôm sau giá lên 1.100 USD, nhưng NĐT chưa đóng lệnh, tài khoản vẫn có thêm 100 USD tiền lãi. Nhưng sang ngày tới, nếu giá không lên mà giảm còn 800 USD thì NĐT lỗ 200 USD, hoạt động này phải diễn ra cuối phiên giao dịch mỗi ngày chứ không phải chỉ khi đóng lệnh.

 

Một số sàn GDHH đã ra đời tại Việt Nam, nhưng hoạt động rất èo uột. VNX có giải pháp gì để khắc phục, thưa ông?

Chúng tôi không đánh giá các sàn GDHH trước đây hoạt động có hiệu quả hay không, vì mỗi công ty đều có chiến lược và sự chuẩn bị về kế hoạch phát triển riêng. Nhưng chúng tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong 1 năm chuẩn bị hồ sơ. Dù các hoạt động GDHH đều được thực hiện qua sàn, sở, nhưng so với các sàn GDHH đã và đang hoạt động, VNX có chức năng và quy mô lớn hơn. Với vị thế và nhiệm vụ là Sở GDHH đầu tiên được cấp giấp phép tại Việt Nam, mục tiêu của VNX là thu hẹp tình trạng chênh lệch giá giữa hàng hóa Việt Nam so với thị trường thế giới, tránh trường hợp "được mùa mất giá - được giá mất mùa". VNX sẽ tập trung phổ biến các sản phẩm, dịch vụ mũi nhọn đến NĐT và DN như: cung cấp các hợp đồng tương lai, hợp đồng hoán đổi, dịch vụ môi giới hàng hóa, dịch vụ giao nhận, tư vấn đầu tư, tài trợ thương mại.

Thùy Vinh thực hiện
Thùy Vinh thực hiện

Tin cùng chuyên mục