Theo quan niệm của người Á Đông, đời người có mấy việc lớn như kết hôn, làm nhà. Và khi làm các việc lớn, thường người ta sẽ quan tâm đến việc có được tuổi hay không, nhất là trong kết hôn, đây là vấn đề được đặc biệt chú ý và tính đến đầu tiên.
Cách tính Kim Lâu rất đơn giản và cũng được phổ biến rộng rãi hiện nay. Mọi người thường truyền nhau câu “1, 3, 6, 8 Kim Lâu”. Có nhiều người lầm tưởng với số tuổi có đuôi 1, 3, 6, 8 là Kim Lâu. Ví dụ như các tuổi: 21, 23, 26, 28, 31, 33, 36, 38… Tuy nhiên, đây là cách hiểu chưa đúng.
Cách tính Kim Lâu được truyền lại và được thống nhất là lấy tuổi Âm chia cho 9, hoặc lấy tuổi Âm cứ trừ cho 9 được kết quả dư 1, 3, 6, 8 là tuổi phạm Kim Lâu. Ví dụ, 10 tuổi, 19 tuổi, 28 tuổi là những tuổi chia 9 dư 1 và phạm Kim Lâu.
Như vậy, chúng ta thống kê được những tuổi phạm Kim Lâu (tuổi Âm) như sau: 21, 23, 26, 28, 31, 33, 36, 38, 41, 43, 46, 48, 51, 53, 56, 58, 61...
Kim Lâu cũng đang khiến nhiều người băn khoăn, với nhiều câu hỏi. Ví dụ như Kim Lâu có phải là sao hạn giống cách tính bảng sao hạn hàng năm hay không?
Theo kiến trúc sư, chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, Phó Viện trưởng Viện Lý học phương Đông thì cách tính Kim Lâu không giống với bảng tính sao hàng năm, tức không đồng nghĩa với việc gặp sao hạn.
Ví dụ, với những người nam có tuổi Âm là 21, 30, 39, 48, 57, 66…, như vậy người có tuổi này phạm Kim Lâu. Còn theo bảng sao hàng năm, thì vào những năm này, người này gặp sao Thủy Diệu. Mà sao Thủy Diệu là sao phúc lộc tinh, là sao tốt, vượng về tài lộc.
Một băn khoăn khác là Kim Lâu có giống như cách tính vận hạn trong lá số hay không?
Chuyên gia phong thủy Hoàng Trà khẳng định, cách tính Kim Lâu hoàn toàn không giống cách tính hạn tốt, xấu theo lá số Tử vi hay lá số Tứ trụ được. Bởi khi tính hạn hàng năm theo lá số, người ta phải căn cứ vào thông tin toàn bộ năm tháng ngày giờ sinh để lập ra lá số rồi mới tính được các bộ sao của đại vận và tiểu vận và lưu niên.
Từ đó mới có thể luận ra sự tốt xấu, thịnh suy, họa phúc của cả cuộc đời và của từng đại vận theo 10 năm, từng tiểu vận và lưu niên theo mỗi năm. Như vậy, để tính được sự tốt xấu của một năm, sẽ có rất nhiều bộ sao quy chiếu vào số mệnh của người đó trong một năm. Cùng năm sinh nhưng lá số khác nhau thì sự tốt xấu cũng khác nhau. Từ đó, chúng ta thấy, cùng tuổi thì có người mọi việc tốt, có người mọi việc lại xấu.
Quay lại bài toán tính Kim Lâu, chúng ta thấy, bài toán theo cơ số 9 tìm ra số dư, có thể gọi là chia cho 9 hay cứ lấy tuổi Âm trừ cho 9 được kết quả dư 1,3, 6, 8. Khi đối chiếu với tất cả các khoa thuật và tính toán cộng với các hệ phép toán trong lĩnh vực khoa học phương Đông, duy nhất chỉ có phép tính của Huyền Không Phi Tinh là có dùng toán cơ số 9, được vận hành theo cửu cung và liên quan đến hướng tốt xấu của ngôi nhà. Như vậy có một chút liên quan, nhưng trong Huyền không thì số 1 là sao Nhất Bạch, số 3 là sao Tam Đức, số 6 là sao Lục Bạch và số 8 là sao Bát Bạch. Dù là các sao có hết vận chăng nữa cũng không phải sao xấu. Cho nên, ứng theo phong thủy cung không đúng.
Nếu quy chiếu bài toán tính Kim Lâu theo Thiên can và Địa chi cũng không khớp, bởi Thiên can vận hành theo toán cơ số 10, Địa chi vận hành toán theo cơ số 12. Khi Thiên can và Địa chi tương tác với nhau sẽ tạo ra các bộ sao và từ đó người ta luận tốt xấu. Hoàn toàn bài toán tính Kim Lâu không khớp theo quy luật.
Như vậy, bài toán tính Kim Lâu là một quy định từ xưa đến nay theo truyền miệng và đúc rút của tiền nhân, để áp dụng và vận hành theo câu nói: "Lấy vợ theo tuổi đàn bà, làm nhà theo tuổi đàn ông".
Ngoài ra, khi tính làm nhà hay lấy vợ, người ta còn đối chiếu thêm năm phạm Hoang ốc, phạm Tam tai, hay phạm Tam địa sát…, chứ người ta không căn cứ vào bảng sao hạn hàng năm hay tính kỹ hơn bằng việc lập lá số. Bởi khi người ta lập lá số nên để tính hạn trong một năm đã hiển lộ lên đầy đủ năm đó có phạm vào các sao trong bộ tam tai hay không.
Thậm chí, có phạm vào Cô thần Quả tú hay không... Mà việc tính hôn nhân thì nặng nề nhất vẫn là phạm vào Cô thần quả tú. Rất nhiều người vào những năm không phạm Kim Lâu, nhưng lại nổi lên Cô thần Quả tú chiếu thì lại tổ chức cưới hỏi.
Hơn nữa, ngày cưới hỏi người ta chọn vào tháng đại lợi và tiểu lợi, cộng với việc xem theo có phải ngày Hoàng đạo không, ngày có trực đẹp hay không, rồi ngày tháng đó có xung với tuổi không. Nhưng việc xem đó vẫn còn chưa đủ, bởi ngày giờ đón dâu khi tính toán các sao tốt xấu dựa theo sự tương tác giữa Thiên can và Địa chi lại nổi lên các sao Cô thần Quả tú hay các sao trong bộ Tam tai thì vẫn cứ là ngày xấu. Đón dâu vào ngày giờ xấu đương nhiên ảnh hưởng đến hôn nhân.
Định nghĩa Kim Lâu là gì thì từ xưa đến nay đều không có giải nghĩa cụ thể, rạch ròi theo nguyên lý tính toán của khoa học phương Đông dựa trên Thiên can và Địa chi. Gần đây, có một số suy luận nhưng cũng khiên cưỡng và không thuyết phục. Và mọi người chỉ biết kiêng theo sách để lại nên đôi khi không đầy đủ và chuẩn xác.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com