Thông thường, nguồn vốn của công ty được cấu thành chính bởi nguồn vốn sở hữu của cổ đông và nguồn vốn vay. Các nguồn vốn này tạo cho công ty các tài sản như máy móc, thiết bị, nhà xưởng và các tài sản lưu động khác phục vụ cho hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty. Do đó, có lúc công ty có vốn cổ đông (hay gọi là vốn điều lệ) thấp, nhưng tài sản thể hiện bên ngoài lớn thì chưa chắc đó là tài sản hình thành từ vốn cổ đông đóng góp mà có thể một phần từ vốn vay. Nguồn vốn sở hữu của cổ đông được gọi là giá trị tài sản thuần của công ty, giá trị này chính là chỉ số NAV.
Giá trị tài sản thuần NAV bao gồm vốn cổ đông (vốn điều lệ) và vốn hình thành từ lợi nhuận để lại; vốn chênh lệch do phát hành cổ phiếu ra công chúng cao hơn mệnh giá (Share Premium); lỗ trong hoạt động kinh doanh và các quỹ dự trữ phát triển dự phòng.
Người ta thường sử dụng chỉ số NAV/Share (giá trị thuần của mỗi cổ phiếu phát hành) để đánh giá giá trị cổ phiếu trên sổ sách và giá cổ phiếu mua vào. Chỉ số này được tính bằng cách lấy tổng giá trị vốn sở hữu (tổng tài sản trừ cho tất cả nợ và chứng khoán trái phiếu có quyền đòi ưu tiên) chia cho tổng số cổ phần phát hành.
Chỉ số này giúp cho nhà đầu tư đánh giá công ty khi đầu tư ở một số khía cạnh như sau:
- Giả sử công ty có cổ phần mệnh giá là 100.000 đồng/cổ phần mà NAV là 120.000 đồng/cổ phần thì có nghĩa là công ty đã tích luỹ vốn để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, có thể từ nguồn lợi nhuận để lại hoặc chênh lệch từ phát hành cổ phiếu. Như vậy, nhà đầu tư mua cổ phần với giá 120.000 đồng/cổ phần thì họ vẫn mua đúng với giá trị trên sổ sách.
- Nếu NAV là 120.000 đồng/cổ phần, nhưng công ty đạt được lợi nhuận hàng năm cao thì nhà đầu tư cũng có thể mua cổ phiếu với giá cao hơn NAV để mong lợi nhuận gia tăng, khi đó nhà đầu tư sẽ được chia cổ tức cao hoặc công ty có tích luỹ cao
và NAV sẽ tiếp tục tăng trong thời
gian tới.
- Nếu NAV là 120.000 đồng/cổ phần nhưng công ty vẫn đang lỗ có nghĩa sẽ tiếp tục giảm NAV thì bạn có quyết định mua với 120.000 đồng hay cao hơn không? Đây là quyết định khó khăn và nó phụ thuộc nhiều vào việc đánh giá, phân tích của nhà đầu tư về công ty ở nhiều khía cạnh về tương lai. Ở đây chỉ có một nguyên tắc đơn giản mà nhà đầu tư chấp nhận đầu tư đó là "lợi nhuận cao thì rủi ro cao".
Nói tóm lại, NAV là thước đo bảo thủ nhất để nhà đầu tư quyết định mua cổ phiếu của công ty theo giá trị thực của công ty đó. Trên thực tế, điều quan trọng nhất vẫn là vấn đề "lợi nhuận" luôn được đặt lên hàng đầu, vì đó là cơ sở chính để đánh giá khả năng sinh lời của việc sử dụng đồng vốn của công ty.