Tìm động lực từ nội lực

(ĐTCK) “Phải tìm động lực tăng trưởng mới”. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 5/2019. Ảnh: VGP Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 5/2019. Ảnh: VGP

Chỉ đạo trên được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019 trong bối cảnh, bên cạnh những diễn biến tích cực, nền kinh tế đang đối mặt với không ít thách thức và ngày càng khó lường từ diễn biến quốc tế.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng phức tạp, giá dầu thô và một số hàng hóa tiếp tục xu hướng lên xuống thất thường, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành kinh tế tại Việt Nam.

Trong khi đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước vẫn rất chậm, 5 tháng đầu năm mới đạt 99.500 tỷ đồng, bằng 28,9% kế hoạch năm…

Hoạt động đầu tư, thương mại khó khăn đang đặt ra những thách thức lớn để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% và kiểm soát lạm phát dưới 4%. Thủ tướng yêu cầu tìm động lực tăng trưởng mới chính là sớm chủ động hóa giải các khó khăn để duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Quan sát sự chuyển động của nền kinh tế có thể thấy, bên cạnh những động lực tăng trưởng truyền thống như công nghiệp, dịch vụ, du lịch…, một động lực tăng trưởng tuy không mới nhưng đang có diễn biến đáng chú ý trong tháng 5 vừa qua là nguồn lực từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước được huy động tốt hơn vào phát triển kinh tế, thể hiện rõ nét ở việc dòng vốn từ khu vực này chảy mạnh hơn.

Làn sóng khởi nghiệp là kênh huy động vốn tích cực cho nền kinh tế. Trong 5 tháng đầu năm 2019, có gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 669.700 tỷ đồng, tăng 3,2% về số doanh nghiệp và tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

Ðây là số lượng doanh nghiệp đăng ký cao nhất trong 5 năm qua. Nếu tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm, trong 5 tháng đầu năm nay, ước tính các doanh nghiệp bổ sung vốn đăng ký cho nền kinh tế gần 1,7 triệu tỷ đồng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn ví dụ, ngày 14/6 tới sẽ khánh thành Nhà máy Vinfast (thuộc Tập đoàn Vingroup, với số vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD) tại Hải Phòng là một minh chứng sinh động cho dòng vốn tư nhân đang ngày càng có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế…

Dòng vốn từ khu vực tư nhân chảy vào nền kinh tế đang mạnh còn nhờ sự góp sức rõ nét của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khi tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm trong 5 tháng đầu năm đạt hơn 9 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 7,3 tỷ USD, lần lượt tăng 27,1% và 7,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong 5 tháng qua còn có 3.160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7,65 tỷ USD, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2018…

Giải phóng các nguồn lực từ khu vực tư nhân và tăng sức hút với các nguồn lực từ bên ngoài là những giải pháp đang và sẽ mở không gian mới cho tăng trưởng kinh tế, không chỉ trong trước mắt mà cả dài hạn.

Những khó khăn, biến động từ môi trường quốc tế là không thể lường hết và có thể còn nhiều hơn nữa, nhưng nếu sức mạnh nội lực từ các khu vực kinh tế trong nước được động viên và trỗi dậy, thì câu chuyện tăng trưởng của Việt Nam chắc chắn sẽ được viết tiếp bằng những con số khả quan.

Tăng trưởng GDP 6,8% là mục tiêu khả thi của năm 2019. Cho tương lai xa hơn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư chờ đợi điều gì?

Ðiều chờ đợi nhất, như chia sẻ của nhiều doanh nghiệp đầu đàn là Chính phủ quyết liệt chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính; cắt giảm điều kiện kinh doanh, không để lợi ích nhóm chi phối và cần mở đường, hỗ trợ các DN hiểu để tăng cường ứng dụng kinh tế số để tự tin hội nhập và vươn xa.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục