Tìm động lực cho chứng khoán 2025

(ĐTCK) Năm 2025 được đánh giá là năm bản lề cho kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam, trong đó nhiều kênh đầu tư được đánh giá hấp dẫn. Dù vậy, việc lựa chọn kênh đầu tư hiệu quả vẫn là một bài toán khó khi nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều biến số.

Ông Jeon Mun Cheol, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam

Ông Jeon Mun Cheol, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2025 được kỳ vọng khởi sắc nhờ các yếu tố vĩ mô thuận lợi và chính sách hỗ trợ tích cực. Tỷ giá USD/VND dự kiến ổn định với mức tăng 1 - 2%, trong khi chính sách tiền tệ tiếp tục xu hướng nới lỏng, duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, TTCK Việt Nam còn kỳ vọng được nâng hạng thị trường theo FTSE, mở ra cơ hội thu hút dòng vốn quốc tế.

Nhìn chung, trong năm 2025, sự dịch chuyển và tái cơ cấu dòng tiền giữa các kênh đầu tư sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ bối cảnh vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tốc độ phục hồi kinh tế. Nếu các ngân hàng trung ương, như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục hạ lãi suất và hướng tới chính sách nới lỏng, dòng tiền sẽ dần rời bỏ các kênh trú ẩn an toàn như tiền gửi ngân hàng và trái phiếu để hướng tới những kênh rủi ro cao hơn nhưng có tiềm năng sinh lời lớn hơn như chứng khoán, bất động sản… Trong đó, TTCK được dự báo tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, nhờ khả năng thanh khoản cao và kỳ vọng tăng trưởng ở các ngành hưởng lợi từ xu hướng dài hạn, như đầu tư công, công nghệ, chuyển đổi số.

Tuy nhiên, các biến số khó lường như nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, suy yếu kinh tế Trung Quốc và căng thẳng địa chính trị leo thang… cần được theo dõi sát sao và có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế và biến động trên thị trường chứng khoán.

Ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT

Ông Barry Weisblatt David, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT

Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 và dự báo tăng trưởng GDP ở mức 7,3%, tăng so với ước tính trước đó của chúng tôi là 6,6%. Trong đó, đầu tư công sẽ tăng tốc và trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đã vạch ra một kế hoạch đầu tư công đầy tham vọng cho năm 2025, với mức chi tiêu cho đầu tư và phát triển ở mức 790.700 tỷ đồng (31,1 tỷ USD), tăng 16,7% so với kế hoạch năm 2024.

Hiện TTCK đang có nhiều lo ngại, chủ yếu là do ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, nhưng chúng tôi tin rằng, những động lực tăng trưởng cho thị trường vẫn hiện hữu, có thể kể đến như việc nâng hạng từ thị trường và nâng hạng tín nhiệm quốc gia lên mức đầu tư, hay thậm chí Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm ra hướng giải quyết căng thẳng thương mại, từ đó giảm bớt các mối lo ngại cho thị trường.

Chúng tôi tin rằng, đây là thời điểm tốt để tích lũy cổ phiếu trong trung và dài hạn, vì mức định giá hiện ở mức hợp lý với VN-Index đang giao dịch quanh mốc P/E 13 lần. Chúng tôi ước tính mức tăng trưởng EPS đạt 17% vào năm 2025 và khá tự tin về con số này. Tuy nhiên, tùy thuộc vào chính sách thương mại của Mỹ và quyết định của FTSE về việc nâng hạng của TTCK Việt Nam, VN-Index có thể kết thúc năm 2025 với P/E dao động từ 12x - 15x, tương ứng với mức tăng hơn 30% hoặc chỉ tăng 6%.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank

Nền kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng cao với động lực đến từ xuất nhập khẩu, tiêu dùng nội địa và chính sách tài khóa mở rộng. Các chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế như kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT tới giữa năm 2025; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công vào hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm như Sân bay Long Thành, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Với quyết tâm cao độ, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm 2025 trong khoảng 6,5 - 7%, với nỗ lực đạt 7 - 7,5% và đang phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn, khoảng 8%.

Triển vọng tích cực của TTCK Việt Nam còn đến từ kỳ vọng nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trong năm 2025. Việc được nâng hạng sẽ thu hút dòng vốn từ các tổ chức nước ngoài, đồng thời cải thiện tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước, từ đó giúp thị trường giao dịch sôi động, thanh khoản gia tăng.

Ngoài ra, năm 2025, mặt bằng lãi suất của Việt Nam vẫn sẽ duy trì ở mức thấp theo định hướng của Chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế. Mặt bằng định giá của VN-Index đang ở mức khá hấp dẫn so với quá khứ khi P/E chỉ vào khoảng 12 lần và P/E forward 2025 chỉ còn khoảng 10 lần trong kịch bản lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 15 - 20%.

Với kỳ vọng kể trên, tôi cho rằng, dòng tiền đầu tư sẽ dịch chuyển nhiều sang kênh chứng khoán với những triển vọng tích cực kể trên.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS

Mặc dù 2024 là một năm thị trường tăng điểm (VN-Index tăng 12,2%), nhưng không có nghĩa là năm thuận lợi cho mọi nhà đầu tư. Sang năm 2025, mọi thứ được dự báo sẽ tích cực hơn.

Con số tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức 7,09% là khá ấn tượng, hoạt động sản xuất - kinh doanh, các số liệu kinh tế vĩ mô, giải ngân FDI, hoạt động xuất nhập khẩu khởi sắc, chưa kể chính sách điều hành linh hoạt, kiểm soát lạm phát, cải cách các thủ tục hành chính… là bước chạy đà hoàn hảo cho sự bứt phá trong năm 2025, qua đó tạo ra động lực cho TTCK.

Ngoài ra, TTCK được thúc đẩy bởi những bước tiến mới trong quá trình nâng hạng thị trường, làn sóng IPO của các megacap - các doanh nghiệp lớn trong nước, giúp niềm tin nhà đầu tư quay lại, bên cạnh các nút thắt thanh khoản của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp được tháo gỡ… VN-Index theo đó được kỳ vọng vượt qua mốc điểm 1.300 - 1.400 điểm để hướng lên ít nhất khu vực 1.430 - 1.450 điểm trong năm 2025.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn năm 2024, giúp các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay, cùng với đó là hoạt động giải ngân vốn đầu tư công sẽ quyết liệt hơn, tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế, qua đó tạo ra sự sôi động của các kênh đầu tư như bất động sản, cổ phiếu và kể cả trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, việc khối ngoại được kỳ vọng giải ngân trở lại sau năm bán ròng mạnh, giá vàng hạ nhiệt, kèm theo việc kiểm soát tỷ giá…, thì kênh đầu tư hấp dẫn nhất năm tới có thể là cổ phiếu.

Ông Tô Quốc Bảo, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)

Ông Tô Quốc Bảo, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI)

Trong năm 2024, thị trường vàng ghi nhận mức tăng giá ấn tượng, lên đến 26%, nhưng bước sang năm 2025, các yếu tố hỗ trợ giá vàng được dự báo sẽ suy giảm. Cụ thể, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu thấp, nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ, là cơ sở để Fed hạ lãi suất. Điều này có thể khiến dòng tiền chuyển hướng sang các tài sản có mức độ rủi ro cao hơn. Đối với thị trường bất động sản, hiện tại, cả bên mua và bán đều đang ở trong trạng thái thăm dò khi mà giá nhà sẽ khó giảm trong thời điểm hiện tại, dẫn tới thị trường có phần ảm đạm trong nửa đầu năm 2025.

Tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như hiện tại trong năm 2025 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Việc duy trì nền lãi suất điều hành ở mức thấp hiện nay sẽ khuyến khích dòng tiền đầu tư chuyển hướng sang các kênh đầu tư có tính rủi ro nhưng đem lại hiệu suất lợi nhuận cao hơn.

Với tất cả các yếu tố trên, tôi kỳ vọng TTCK sẽ trở nên hấp dẫn và khởi sắc hơn trong năm mới. Hiện tại, chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức P/E khoảng 13 lần, đây là mức tương đối thấp so với trung bình quá khứ. Với kỳ vọng lợi nhuận thị trường trong quý IV/2024 tăng khoảng 15% so với cùng kỳ, P/E dự phóng của VN-Index chỉ còn khoảng 12 lần. Đây là mức định giá hấp dẫn khi đem ra so sánh với quá khứ và các thị trường trong khu vực.

Hoàng Anh thực hiện.
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục