Tìm điểm tựa cho sức bật của TTCK

(ĐTCK-online) Khác với năm 2006 đầy hào hứng, những tháng cuối cùng của năm 2007, TTCK liên tục tuột dốc, nhà đầu tư buồn bã, cơ quan quản lý căng thẳng, còn cánh nhà báo chúng tôi cũng bị ảnh hưởng bởi tâm trạng bi quan của nhiều người trong cuộc. Tôi tìm đến bà vào một ngày mùa đông giá rét - một người lạc quan và giàu ý tưởng - để đi tìm một điểm tựa cho sức bật của thị trường. Bà là Phạm Minh Hương, Chủ tịch Công ty Chứng khoán VNDirect, kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ IPA asset Management.
Bà Phạm Minh Hương Bà Phạm Minh Hương

Theo bà, đâu là nguyên nhân chính khiến TTCK liên tục mất điểm vào những tháng cuối năm Đinh Hợi? Thị trường năm Mậu Tý liệu có sáng sủa hơn không?

Việc TTCK mất điểm do nhiều nhân tố, trong đó có nhân tố trong và ngoài nước và những người tham gia thị trường cũng đã dự đoán được về việc điều chỉnh này. Điều quan trọng là chúng ta phải nhìn nhận sự điều chỉnh một cách tích cực hơn và không biến nó thành một tâm lý hoảng loạn. Chúng ta sẽ phải quen dần với việc TTCK luôn biến động trong ngắn hạn vì rất nhiều yếu tố và nếu các nhà đầu tư nhìn vào chu kỳ đầu tư dài hạn hơn, hiểu những rủi ro mình chấp nhận, thì sẽ có bản lĩnh chịu đựng. Theo tôi, TTCK Việt Nam năm nay nếu nhìn những nhân tố như ảnh hưởng của khủng hoảng Sub-Prime ở Mỹ và tâm lý đầu tư toàn cầu, sự chưa rõ ràng và thiếu đồng bộ trong việc điều hành các chính sách và công cụ tài chính của các cơ quan quản lý, ảnh hưởng của lạm phát đến sự tăng trưởng bền vững và duy trì lợi nhuận của DN và rất nhiều yếu tố ngắn hạn khác thì TTCK còn chứa đựng nhiều rủi ro biến động giá, ít nhất trong vòng 6 tháng nữa. Nhưng nếu nhìn dài hạn hơn, 2 hoặc 3 năm, thì thị trường năm nay có nhiều cơ hội đầu tư hơn năm 2007, giá cổ phiếu rẻ hơn, khả năng tham gia đầu tư ít rủi ro hơn vì các DN sẽ phải minh bạch hơn, do các nhà đầu có nhiều lựa chọn.  

Bà có bình luận gì về việc NHNN thắt chặt nguồn tín dụng đổ vào chứng khoán? Theo bà, những nhân tố cụ thể nào đã gây ảnh hưởng đến sự xuống dốc của TTCK vừa qua?

Khách quan mà nói, mục đích của NHNN nhằm ngăn chặn làn sóng đầu cơ chứng khoán và nguy cơ bong bóng chứng khoán bị nổ là hợp lý.  Tuy nhiên, phương thức thi hành như việc áp đặt Chỉ thị 03 một cách đồng loạt đã tạo nên ảnh hưởng tiêu cực đến TTCK Việt Nam . Để TTCK  phát triển, chúng ta cần cả hai đối tượng, nhà kinh doanh chứng khoán (ở đây tạm gọi là nhà đầu cơ) và nhà đầu tư chứng khoán. Nhà đầu cơ tạo ra thanh khoản ngắn hạn, còn nhà đầu tư tạo nên sự bền vững của thị trường. Và khi có nhu cầu kinh doanh, bao giờ mọi người cũng có nhu cầu vốn. Việc áp đặt Chỉ thị 03 vừa qua đã cắt nguồn cung vốn cho cả hoạt động kinh doanh và  đầu tư chứng khoán, kể cả chứng khoán nợ. Về dài hạn, NHNN nên để thị trường tự vận hành và siết chặt các biện pháp quản lý rủi ro tại các định chế tài chính.

Ở TTCK Việt Nam , tỷ lệ nợ trong đầu tư  chưa phải là cao. Luật không cho phép nhà đầu tư đặt lệnh mua bán chứng khoán khi chưa có tiền, thị trường chưa có sản phẩm margin trading, các ngân hàng đều áp dụng tỷ lệ cho vay cầm cố chứng khoán rất thận trọng, thường chỉ tương đương và thấp hơn 50% giá trị giao dịch.  Để TTCK hoạt động an toàn là trách nhiệm của tất cả những người tham gia. Chúng ta phải có một cách tổ chức để các định chế tài chính và cơ quản quản lý nhà nước kết hợp với nhau, cùng  kiểm soát hoạt động của thị trường một cách hiệu quả, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư đại chúng nhỏ lẻ, những người cần được bảo vệ nhất trên thị trường.

Ngoài ra, không thể nói chỉ có Chỉ thị 03 ảnh hưởng đến sự biến động của thị trường, mà ngay cả việc điều hành chính sách tiền tệ vĩ mô hiện nay cũng mang tính áp đặt hành chính và nó phản ánh ngược lại TTCK. Ví dụ, để kiểm soát tỷ lệ lạm phát, NHNN đã dùng chính sách siết chặt cung tiền M2 và vẫn muốn giữ giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu. Chúng ta không thể muốn cả 2 mục tiêu cùng đạt được tại lúc này, giữ nền kinh tế trong nước phát triển không lạm phát và kiểm soát tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu. Nếu siết chặt cung tiền, lãi suất tiền đồng sẽ lên cao và nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư sản xuất trong nước, các DN khó mà làm ăn có lãi. Hiện nay, DN hoạt động tại Việt Nam phải chịu chi phí quá cao so với các DN ở khu vực. DN Việt Nam có thể bị thua  trên sân nhà vì giá thành sản xuất và dịch vụ cao hơn. Nền kinh tế Việt Nam với 80 triệu dân không thể phát triển nếu không kích cầu đầu tư trong nước.

Kể đến nữa, việc Bộ Tài chính áp đặt mức giá IPO quá cao (Vietcombank và Sabeco là những ví dụ điển hình) đã làm cho các đợt IPO kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bỏ cuộc và chuyển sang công cụ đầu tư truyền thống là vàng và bất động sản. Giá bất động sản lên rất cao vừa qua chứng tỏ tiền trong dân rất nhiều, nhưng nó không còn được đổ vào TTCK nữa.

 

Trong tình hình hiện tại, bà có đề xuất gì với các cơ quan quản lý nhà nước để phát triển thị trường?

Thị trường sẽ ‘thưởng’ đích đáng cho những chính sách tốt và đồng bộ của Chính phủ cũng như những DN tuân thủ những chuẩn mực và văn hoá kinh doanh minh bạch đã được thử thách và hoàn thiện qua biết bao nhiêu thập kỷ của lịch sử tài chính hiện đại (kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2).  Ngược lại, thị trường cũng sẽ phản ứng với những chính sách không hợp lý cũng như những DN không tuân thủ những chuẩn mực kinh doanh quốc tế.  Bài học đầu tiên của tài chính quốc tế là: tiền chỉ đi tới những nơi tạo ra mức lợi nhuận cao nhất. Chính phủ cần tiếp tục tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn để đồng tiền của các nhà đầu tư cũng như tiền nhàn rỗi trong dân chúng để khoản tiền này được huy động và sử dụng một cách có hiệu quả nhất.

Nhà kinh tế học John Maynard Keynes đã từng nói một câu bất hủ: Khi thực tế thay đổi, tôi thay đổi. Tất cả những người tham gia thị trường cần cùng thay đổi vì sự nghiệp tài chính Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Sự thay đổi sẽ làm điểm tựa cho sức bật của TTCK Việt Nam . Chúng ta có thể có sai lầm trong điều hành chính sách trong thời gian vừa qua, nhưng sự thay đổi cho một thị trường tốt hơn là cần thiết và nên làm ngay khi chưa quá muộn.

 

Bà dường như là một con người lúc nào cũng lạc quan và bận rộn. Xin bà chia sẻ những ý tưởng và chiến lược của IPA sẽ thực hiện trong thời gian tới?

IPA hiện đang hướng tới hoạt động của một định chế ngân hàng đầu tư với hơn 250 con người, trong đó có nhiều chuyên gia tài chính am hiểu về thị trường tài chính quốc tế. Năm 2007, chúng tôi thật sự bận rộn với công việc đầu tư hạ tầng, đào tạo đội ngũ và năng lực chuyên môn để có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ của một định chế ngân hàng đầu tư. Chúng tôi cũng may mắn có được một đội ngũ lãnh đạo rất yêu nghề và yêu Công ty. Năm 2008 là một năm đầy thách thức, TTCK điều chỉnh cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty, nhưng chúng tôi đã xây dựng được một nền tảng hoạt động vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Thiên Phúc thực hiện.
Thiên Phúc thực hiện.

Tin cùng chuyên mục