Tìm điểm kích hoạt động lực tăng trưởng - Bài 3: Đòi hỏi đồng thuận

0:00 / 0:00
0:00
Các giải pháp khó, chưa có tiền lệ, cần thực hiện cấp bách chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu có sự đồng thuận, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, từ cấp trung ương đến địa phương.
Tìm điểm kích hoạt động lực tăng trưởng - Bài 3: Đòi hỏi đồng thuận

Bài 3: Đòi hỏi đồng thuận

Các giải pháp khó, chưa có tiền lệ, cần thực hiện cấp bách chỉ có thể phát huy hiệu quả nếu có sự đồng thuận, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, từ cấp trung ương đến địa phương.

Những lời cầu cứu từ doanh nghiệp

Ngày 19/10 vừa qua, 19 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có thư cầu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.

“Chúng tôi cần những giải pháp từ Chính phủ để cứu lấy những đơn hàng cuối cùng trước tối hậu thư của khách hàng, cộng với hàng ngàn tỷ đồng giá trị nguyên vật liệu đang bỏ ngổn ngang nhiều tháng ròng”, doanh nghiệp khẩn thiết viết trong bức thư có 19 chữ ký bằng những ngôn ngữ khác nhau ở phía cuối.

Các doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như dệt sợi, may mặc, da giày, cơ khí, với quy mô khác nhau. Có doanh nghiệp có 160 lao động như Công ty TNHH Công nghiệp Hua Chang Vina (Hồng Kông), có doanh nghiệp có 17.000 lao động như Công ty TNHH Freeview Việt Nam (Đài Loan). Họ nói, đã rất vui khi Nghị quyết 128/2021/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được ban hành ngày 12/10, vì đây là hướng đi đúng. Nhưng Tiền Giang “một mình một đường”, vẫn lấy mô hình “3 tại chỗ” làm trọng tâm, kèm theo các yêu cầu xét nghiệm phức tạp hơn quy định của Bộ Y tế, khiến doanh nghiệp, người lao động rất khổ sở…

Đầu tháng 10/2021, một số doanh nghiệp lớn của Tiền Giang cũng đã có thư gửi Chủ tịch UBND tỉnh về việc này, song họ không nhận được phản hồi cụ thể, không thấy có thay đổi tích cực nào. Các doanh nghiệp sốt ruột vì nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đã có phương án hoạt động và hướng dẫn người lao động, doanh nghiệp những việc cần làm khi sản xuất trở lại...

Hơn 3 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ đã phải nhận rất nhiều thư cầu cứu như trên, từ doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hiệp hội ngành nghề, khi nhiều địa phương chống dịch mỗi nơi một phách, thay đổi liên tục…

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội một số nội dung về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15, Ủy ban Pháp luật đã nhắc đến chuyện chỉ trong 1 ngày, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành, sửa đổi và thu hồi kết quả lựa chọn nhà thầu mua sắm test kháng nguyên Covid-19; chuyện UBND tỉnh Hà Nam thay đổi quyết định về giãn cách xã hội sau vài giờ ra văn bản…

Nhưng câu chuyện vẫn chưa dứt. Ngay trong những ngày đầu tiên của Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, khi đại biểu đang thảo luận về các giải pháp mạnh mẽ hơn nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế, thì trên Quốc lộ 5, hàng trăm xe không vào được Hải Phòng, buộc phải quay đầu, do các quy định chặt chẽ mà phía TP. Hải Phòng cho rằng, cần thực hiện để bảo vệ thành phố có cảng biển, có sân bay quốc tế, có nhiều đường huyết mạch…

“Cả nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức chưa có tiền lệ, khó khăn không thể kể xiết, mà mỗi nơi làm một phách là có tội với người dân, với doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.

Vùng động lực bị trói bởi tư duy cát cứ

Lo ngại của ông Cung cũng như nhiều doanh nghiệp không chỉ là khoảng cách giữa quy định và thực thi - tồn tại lâu nay trong môi trường kinh doanh của Việt Nam, mà còn ở khoảng cách giữa quan điểm, tư duy xây dựng, điều hành và thực thi chính sách.

“Ách tắc trong tăng trưởng kinh tế có nguyên nhân từ thiếu nguồn lực, nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất. Khi chúng tôi đề xuất tăng quy mô gói kích thích kinh tế, chấp nhận bội chi ngân sách đủ lớn, có thể tới 8-10% GDP, nhiều người có trách nhiệm nói, tiền nhiều, không tiêu được, thì tăng để làm gì. Đáng ra, họ phải hỏi tại sao có tiền mà không tiêu được, do con người hay cơ chế, do thủ tục đầu tư công không phù hợp, hay còn gì nữa?”, ông Cung bày tỏ quan điểm.

Đề xuất tăng bội chi ngân sách đang được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, có thể dành thêm 1-2% GDP cho các gói kích thích kinh tế, bên cạnh những gói đã có, vì còn dư địa chính sách tài khóa, tỷ lệ nợ công trên GDP và cả tỷ lệ trách nhiệm trả nợ của Chính phủ. Phần tăng thêm này nên dành cho các hỗ trợ người lao động, giảm chi phí cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp đủ sức trở lại thông suốt, an toàn và liên tục.

Ông Cung còn muốn dành thêm tiền cho đầu tư công, để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình hạ tầng đã có địa chỉ, gồm Quốc lộ 22 - cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; Quốc lộ 13 và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Quốc lộ 20 và cao tốc Dầu Giây - Liên Khương - Đà Lạt; Quốc lộ 51 và cao tốc Biên Hòa - Phú Mỹ - Bà Rịa - Vũng Tàu và các đường vành đai TP.HCM, cũng như cải thiện kết nối thủy nội địa, giải quyết ách tắc, nút thắt trên tuyến Kênh Chợ Gạo; cầu Chợ Lách 2, cầu Nàng Hai, cầu Măng Thít… Mục tiêu là mở không gian phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kích hoạt đầu tư tư nhân mới vào khu vực động lực, tạo năng lực tăng trưởng mới.

“Vài tháng trước, tôi nằm ở đây một tuần, để xem tại sao các cửa ngõ TP.HCM lại tắc đến vậy. Hóa ra Bình Dương, Vũng Tàu muốn làm cầu, làm đường để thông đường tới TP.HCM, Đồng Nai… thì chỉ có thể làm trên địa phận của tỉnh, không thể bỏ ngân sách tỉnh đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh khác, theo Luật Ngân sách nhà nước. Nếu các tỉnh không ngồi được với nhau, nếu TP.HCM ưu tiên đầu tư vào tuyến đường khác, thì đúng là có tiền, mà không tiêu được…”, ông Cung lý giải.

Trong bài toán kích hoạt vùng kinh tế trọng điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, lời giải là phải tư duy đầu tư, tư duy phát triển kinh tế theo vùng, thay vì theo địa giới hành chính. Có vậy mới xử lý được khúc mắc giữa ngân sách địa phương và hạ tầng kết nối.

“Ông Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - PV) đã từng kể, khi Đồng Tháp tổ chức kêu gọi đầu tư, nhiều nhà đầu tư nói không biết Đồng Tháp, nhưng biết Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các nhà đầu tư không nhìn vào địa giới hành chính để đầu tư, mà nhìn vào vùng, lợi thế, hạ tầng của vùng đó”, bà Chi Lan kể.

Tuy vậy, lời giải cát cứ này không chắc có thể thay đổi được cơ cấu ngành nghề của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, theo nhiều chuyên gia kinh tế, là không khác nhiều so với 10-20 năm trước, nghĩa là vẫn là các ngành thâm dụng lao động, gia công... , trong khi trong các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, đây là nơi đặt chỗ của dự án công nghệ cao, các dự án đổi mới, sáng tạo…

Câu hỏi này thực tế không của riêng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Như vậy, bài toán kích hoạt động lực tăng trưởng sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu không gắn với các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 mà Quốc hội đang thảo luận, cho ý kiến; với việc sửa đổi Luật Đất đai, mở cơ chế cho thị trường quyền sử dụng đất khu công nghiệp, quyền sử dụng đất nông nghiệp… và các luật, quy định liên quan đến phân bổ, huy động nguồn lực. Theo các chuyên gia kinh tế, việc sửa đổi các quy định này cần tuân thủ nguyên tắc bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, trùng lặp, chồng chéo...

Một lần nữa phải đặt lại các câu hỏi về việc có nên thay đổi tư duy về khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, theo hướng tập trung vào vùng trọng điểm kinh tế, để kích hoạt động lực tăng trưởng mới, thay vì chỉ khuyến khích đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn...; thúc đẩy cơ chế Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp quy mô lớn, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư chuỗi giá trị, tạo chuỗi liên kết với doanh nghiệp nhỏ và vừa như thế nào...

Khi bàn vấn đề này tại Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, những thay đổi về cơ chế động lực sẽ không chỉ kích hoạt đầu tư tư nhân, mà còn mở dư địa cho thị trường lao động chuyển dịch. Nguồn lao động đã di chuyển về quê sẽ được sử dụng tại chỗ, với các doanh nghiệp, dự án đầu tư tại địa phương, thông qua chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lực lượng lao động này. Với các doanh nghiệp đang thiếu lao động tại khu vực TP.HCM, Bình Dương…, nhiều doanh nghiệp cho biết, nếu nhận được các khoản hỗ trợ cho các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng trong 2 năm 2022-2023, thì họ sẽ đổi mới dây chuyển sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ, giảm phụ thuộc vào quy mô lao động…

Cần sự đồng thuận

Có thể thấy, Covid-19 đang gây ra áp lực, nhưng cũng tạo động lực để doanh nghiệp thay đổi chiến lược hoạt động. Nếu có cơ chế, chính sách hậu thuẫn, môi trường đầu tư - kinh doanh minh bạch, rõ ràng, dòng vốn mới đưa vào nền kinh tế sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp đứng dậy, vượt qua, mà còn tạo nguồn năng lượng mới, sinh khí mới.

Đáng nói là, cơ hội để hình thành các doanh nghiệp lớn, chuỗi sản xuất giá trị mới của doanh nghiệp Việt Nam cũng như xuất hiện thêm các vùng động lực tăng trưởng mới đang hội tụ thêm điều kiện đủ, khi nỗ lực, tầm nhìn, quy mô của doanh nghiệp là điều kiện cần đang hiện hữu. Khi đó, nền kinh tế sẽ được kích hoạt ở cả khía cạch tốc độ, hiệu quả và sự bền vững.

Nhưng các giải pháp đang được thảo luận đều chưa có tiền lệ, cần thực hiện cấp bách, nhưng không dễ quyết ngay do đòi hỏi sự vào cuộc cùng lúc của cả hệ thống chính trị của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Đây là thời điểm mà nền kinh tế, người dân, giới kinh doanh cần thấy rõ sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục