Tìm đâu 2.000 tỷ mua cổ phần đấu giá tháng 3?

(ĐTCK) Tháng 3/2014, Sở GDCK Hà Nội đảm trách 18 cuộc đấu giá bán cổ phần của DNNN, trong đó có 14 cuộc đấu giá để cổ phần hóa DN, còn lại là bán bớt phần vốn Nhà nước do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý. Tại đầu cầu Sở GDCK TP. HCM, tháng 3, cũng có tới gần chục cuộc đấu giá bán cổ phần của DNNN tổ chức tại đây.
Tìm đâu 2.000 tỷ mua cổ phần đấu giá tháng 3?

Điểm chung nhất của các cuộc đấu giá tháng 3 là ở việc hầu hết DN đều đặt ra mức giá khởi điểm bằng mệnh giá: 10.000 đồng/CP, thậm chí dưới mệnh giá. Chỉ có 3 DN đặt ra giá khởi điểm cao hơn 10.000 đồng, đó là CTCP Than miền Nam - Vinacomin (chào giá 28.473 đồng); CTCP Nhựa Rạng Đông (chào giá 34.000 đồng) và cá biệt là CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo chào giá 85.000 đồng/CP. Tuy vậy, các cuộc đấu giá từ đầu tháng 3 đến nay chỉ có 1 cuộc chào bán (bán 1,8 triệu CP của CTCP Du lịch Núi Tà Cú) là có người mua hết, còn lại đều ế ẩm.

 Đặt giá khởi điểm thấp, thông tin rộng rãi ra công chúng, điều kiện tham gia rất dễ dàng, vậy tại sao các cuộc bán vốn DNNN lại khó thành công? Câu hỏi nhức nhối này đang là chủ đề thời sự được bàn thảo trên nhiều diễn đàn.

TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, ông theo quan điểm cung sẽ tạo cầu, tức là nếu DNNN tốt mang bán, tự nó sẽ tạo nên sức hấp dẫn với người mua. Cũng theo ông Cung, đây là vấn đề cốt lõi nhất, còn việc TTCK ấm trở lại hay tăng nóng, khó có thể khiến NĐT quay sang đổ xô mua cổ phần đấu giá của DNNN. Nhưng trái ngược với ý của ông Cung, áp lực phải CPH chủ yếu xuất phát từ các DNNN yếu, họ cần CPH để đổi mới, nâng cấp quản trị, nâng cao hiệu quả, chứ không phải là các DNNN đang hoạt động rất tốt. Vậy làm thế nào để bán được các DNNN “chưa khỏe” này?

Chủ tịch HNX Trần Văn Dũng trong lần trao đổi với ĐTCK mới đây cho rằng, tiến độ bán vốn Nhà nước cần giãn bớt ra và cần có thêm các hình thức mới mới có thể bán được. Một gợi ý cụ thể đã được người đứng đầu Sở GDCK Hà Nội đưa ra, đó là nên nghĩ tới việc tổ chức hệ thống bảo lãnh phát hành cho các đợt bán vốn của DNNN. Theo đó, các tổ chức này sẽ có nhiệm vụ kết nối cung - cầu, tìm NĐT chiến lược và tư vấn về một mức giá hợp với các bên. Tuy nhiên, ý tưởng này dù có hiệu quả, thì để đi đến thực hiện được, còn là một quá trình dài, vì tất cả sự đổi mới, nếu có, đều phải xuất phát từ sự đồng thuận về quan điểm của nhà quản lý và cụ thể hóa bằng các văn bản pháp lý.

Thống kê của ĐTCK cho thấy, từ ngày 12/3/2014 đến cuối tháng 3, tổng cộng 188 triệu cổ phần của 18 DNNN sẽ được bán đấu giá qua 2 Sở. Với cách làm như hiện nay, những cuộc bán vốn này nhìn thấy trước sẽ khó thành công, vì không biết lấy đâu ra khoảng 2.000 tỷ đồng để “bao tiêu” hết số “hàng mới”. Đấu giá không thành công, CPH sẽ mang tính hình thức, “bình mới, rượu cũ” mà thôi.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục