Tìm cơ trong nguy

(ĐTCK-online) Cuối tuần qua, khách hàng doanh nghiệp xếp hạng tín dụng AAA của Ngân hàng BIDV đã nhận được thông báo về mức lãi suất tiền vay mới. Theo đó ngân hàng này sẽ tăng lãi suất ngắn hạn từ 17,3%/năm lên 19%/năm và lãi suất sàn vay vốn trung hạn tăng từ 17,5%/năm lên 19,5%/năm.
(Ảnh minh họa: Corbis) (Ảnh minh họa: Corbis)

Việc một ngân hàng quốc doanh lớn tăng lãi suất tín dụng cho thấy mặt bằng lãi suất thực tế mà các doanh nghiệp phải chịu cao hơn con số này. Điều này cũng hợp lý khi các ngân hàng thương mại nhỏ hơn đang huy động tiền gửi với lãi suất lên đến 17%/năm cho một số khách hàng có tiền gửi lớn.

Xu hướng tăng lên của mặt bằng lãi suất ngược với kỳ vọng của doanh nghiệp về việc mặt bằng lãi suất có thể giảm vào đầu quý II. Nhiều doanh nghiệp đang phải vay vốn với lãi suất hơn 20%/năm, cao hơn lợi nhuận tạo ra từ sản xuất. Mặt bằng lãi suất này khiến doanh nghiệp co cụm đầu tư, sản xuất cầm chừng.

Tuy vậy, vẫn có nhiều doanh nghiệp nhìn nhận khó khăn hiện nay là cơ hội để đuổi kịp hay vượt lên các đối thủ cạnh tranh khác. Tại ĐHCĐ của một công ty bất động sản mới nổi diễn ra cuối tuần trước, chủ tịch công ty này chia sẻ, trong điều kiện khó khăn hiện nay thì công ty của ông mới có dịp thể hiện lợi thế về kênh phân phối bán hàng và lựa chọn dự án phù hợp nhu cầu thị trường. Còn trong điều kiện thị trường thuận lợi, dự án nào cũng bán được hàng, các doanh nghiệp khác với tiềm lực về tài chính mạnh hơn sẽ vượt lên trước.

Khi mà môi trường kinh doanh khó khăn thì giá trị vô hình của doanh nghiệp như uy tín, kinh nghiệm thường trường, uy tín thương hiệu bắt đầu phát huy tác dụng.…Những giá trị cơ bản này thường bị bỏ qua trong giai đoạn tăng trưởng nóng của nền kinh tế khi mà ai cũng có thể cầm đồng vốn bước ra thương trường đầu tư, kinh doanh kiếm lời một cách dễ dàng. Lặng lẽ, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết lớn đang tập trung cao độ cho thực hiện chiến lược và hoàn thành mục tiêu đầu tư kinh doanh của mình trong bối cảnh khó khăn hiện nay, tạm quên đi giá chứng khoán đang ở mức dưới giá trị công ty.

Trong khi nhà đầu tư vẫn tiếp tục soi vào con số lợi nhuận tuyệt đối, tỷ suất lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp  niêm yết thì chính các doanh nghiệp lại đề cao các chỉ tiêu tăng doanh thu, tăng sản lượng, tăng thị phần. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận lấy lợi nhuận nuôi dự án đang đầu tư để đảm bảo dự án hoàn thành đúng kế hoạch. Đây mới là sự tăng trưởng bền vững, tạo tiền đề cho tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong các năm tiếp theo.

Chưa bao giờ cụm từ tái cơ cấu, tái cấu trúc doanh nghiệp lại được nhắc đến và diễn ra ở nhiều doanh nghiệp niêm yết như lúc này. Hoạt động tái cấu trúc này diễn ra một cách cương quyết và thực chất, xuất phát từ chính nhu cầu nội tại của doanh nghiệp để tự củng cố, trở nên năng động, hiệu quả hơn, đối phó với môi trường kinh doanh khó khăn. Thực tế này khác hẳn với hoạt động tái cấu trúc của nhiều doanh nghiệp cách đây vài năm là để làm đẹp bản cáo bạch khi niêm yết, hay tái cấu trúc một cách thụ động khi có sự thúc ép của các cổ đông bên ngoài.…

Cơ hội cho các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này chính là vượt qua chính mình và có những quyết định khôn ngoan trong kinh doanh để vượt lên trên các đối thủ. Chưa bao giờ trí và lực của các doanh nghiệp phải căng ra như hiện nay.

Trong nguy có cơ. Ai là người tận dụng được cơ hội sẽ là người chiến thắng.

Thanh Đoàn
Thanh Đoàn

Tin cùng chuyên mục