Tìm cách rót thêm hơn nửa triệu tỷ đồng vào nền kinh tế

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20%. Để đạt được mục tiêu này, từ nay đến cuối năm, ngành ngân hàng sẽ phải rót thêm hơn 600.000 tỷ đồng vào nền kinh tế.
Tìm cách rót thêm hơn nửa triệu tỷ đồng vào nền kinh tế

Tín dụng có thể tăng trưởng trên 20%

Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ - tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đồng thời phấn đấu tăng trưởng tín dụng cao hơn hoặc bằng 20%.

Trong 6 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống tăng 9,06% - mức cao nhất trong vòng 6 năm qua và đạt 50% chỉ tiêu tín dụng cả năm (18%). Để thực hiện được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, tín dụng phải tăng gần 11%. Với quy mô tín dụng 5,8 triệu tỷ đồng như hiện nay, nếu đạt được mục tiêu trên, từ nay đến cuối năm, ngành ngân hàng sẽ bơm ra nền kinh tế hơn 600.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của nhiều ngân hàng thương mại, năm nay, tín dụng tăng trưởng khá đều trong các tháng, song khả năng tăng mạnh hơn nữa trong 6 tháng cuối năm là rất khả thi, nếu NHNN cho phép các ngân hàng được nới “room” tín dụng.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, rất nhiều ngân hàng đã gần cạn room tín dụng được cấp cho cả năm như Vietcombank, MB, BIDV…

Cụ thể, theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, năm 2017, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Vietcombank là 16%, song 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đã đạt tới 13%. Chính vì vậy, Vietcombank đang đề xuất NHNN xin được phép nới room tín dụng.

Tương tự, nhiều ngân hàng khác cũng đã nộp đơn lên NHNN xin được nới room tín dụng từ đầu tháng 7.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cũng tỏ ra băn khoăn vì sức cầu của nền kinh tế hiện nay không lớn, sản xuất phục hồi chậm. Đơn cử, tại VietinBank, dù đã hơn nửa năm trôi qua, song tín dụng của ngân hàng này mới tăng 4%, dù ngân hàng rất muốn đẩy vốn ra thị trường.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, “kích” tăng trưởng tín dụng phụ thuộc rất lớn vào nhu cầu thị trường, chứ không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực từ phía ngân hàng.

Trong khi đó, giới chuyên gia hiến kế, để tín dụng tăng trưởng mạnh hơn nữa trong những tháng cuối năm, cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng chính sách, tăng tốc xử lý nợ xấu…

Tuy nhiên, bên cạnh tăng trưởng tín dụng, giới chuyên gia cũng cảnh báo việc kiểm soát dòng vốn nóng chảy vào các lĩnh vực rủi ro, các doanh nghiệp lớn.

Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, tín dụng tăng trưởng 18% đã là khá nóng, nên việc đẩy tín dụng lên cao nữa cần rất thận trọng, nhất là trong bối cảnh tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn.

Lãi suất khó giảm sâu

Liên quan chỉ đạo tiếp tục hạ lãi suất để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để giảm lãi suất cho vay. Theo Thống đốc, hệ thống ngân hàng có cơ sở để giảm lãi suất cho vay khi Chính phủ tiếp tục kiên định ổn định vĩ mô và NHNN đã giảm một loạt lãi suất điều hành.

Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp và cả ngân hàng nhận định, lãi suất không phải là vấn đề lớn nhất hiện nay.

Ông Hà Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Dịch vụ thương mại Kim Long (Hà Nội) cho hay, hiện lãi suất mà công ty này tiếp cận từ BIDV là 7 - 9%/năm.

“Đương nhiên, doanh nghiệp luôn muốn lãi suất phải hạ thêm nữa, song lãi suất cho vay hiện đang ở mức có thể chấp nhận được. Phía ngân hàng luôn chào mời để vay thêm, nhưng chúng tôi chỉ vay ở mức nhất định, vì phải tính toán đến thị trường tiêu thụ và khả năng trả nợ, chứ không vay tràn lan”, ông Thắng nói.

Thời gian qua, sau động thái hạ lãi suất điều hành của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên khoảng 0,5 - 1%. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, lạm phát ở mức thấp, tỷ giá ổn định hiện nay là cơ hội để giảm lãi suất, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Tuy nhiên, để mặt bằng lãi suất giảm đại trà là rất khó, bởi mặt bằng lãi suất huy động vẫn chưa giảm.

Trên thực tế, hiện thanh khoản của các ngân hàng đang khá dồi dào, song TS. Cấn Văn Lực cảnh báo, nếu tín dụng tiếp tục tăng nhanh trong khi huy động vốn tăng chậm và thấp hơn tăng tín dụng như hiện nay, thì rủi ro thanh khoản sẽ xuất hiện trở lại.

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục