Tiêu tiền cũng khó!

(ĐTCK-online) Lợi nhuận làm ra đang bị “bó chiếu”, đó là những bức xúc của nhiều DNNN khi thực hiện Nghị định 199/NĐ-CP về quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác. Những bất cập của Nghị định này khiến không ít doanh nghiệp, mặc dù làm ăn có lãi nhưng không được trích lợi nhuận, lập quỹ dự phòng, khen thưởng, quỹ phúc lợi. Mặc dù đã được trình lên Chính phủ, nhưng có vẻ như các bộ, ngành vẫn mất nhiều thời gian để “hiểu” được những quan điểm của nhau và tìm đến sự đồng thuận trong việc sửa đổi, bổ sung để Nghị định này phù hợp hơn với thực tế cuộc sống.
Nhiều DNNN làm ăn có lãi nhưng không biết được chia phần lợi nhuận ra sao. Nhiều DNNN làm ăn có lãi nhưng không biết được chia phần lợi nhuận ra sao.

Theo quy định hiện hành, lợi nhuận trích lại sẽ được phân biệt giữa các nguồn vốn ban đầu khác nhau (vốn nhà nước và vốn tự huy động), chỉ có nguồn vốn tự huy động mới được trích thưởng và phúc lợi, còn vốn nhà nước thì không. Mặt khác, Luật Doanh nghiệp nhà nước quy định, phần lợi nhuận được chia trên vốn nhà nước, nếu không cần thiết bổ sung vốn nhà nước tại công ty nhà nước thì đại diện chủ sở hữu quyết định điều động về quỹ tập trung. Thế nhưng, ở nhiều doanh nghiệp có chức năng đại diện chủ sở hữu vẫn chưa hình thành quỹ này, và phần lợi nhuận trên vốn nhà nước vẫn nằm lơ lửng mà không biết quyết toán ra sao!. Do vậy, hiện có một số doanh nghiệp thừa vốn, sử dụng vốn Nhà nước cấp (và cả phần lợi nhuận treo lơ lửng đó) để đầu tư tài chính, trong khi có nhiều doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhưng thiếu vốn; mặt khác, một số doanh nghiệp công ích khó khăn nhưng không được bổ sung vốn, Nhà nước phải hỗ trợ 2 quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi từ ngân sách.

Theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 199 được Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quỹ dự phòng tài chính tại các DNNN sẽ lên tới 25% vốn điều lệ; đối với các công ty nhà nước có số dư quỹ lớn sẽ điều chuyển một phần về Tổng công ty (đối với công ty mà Tổng công ty nắm giữ 100% vốn) hoặc vào Ngân sách nhà nước đối với tổng công ty, công ty nhà nước độc lập có vốn nhà nước từ 500 tỷ đồng trở lên. Bộ Tài chính sẽ xem xét nhu cầu tái đầu tư của từng doanh nghiệp để trích lại phần lợi nhuận trên vốn nhà nước, số còn lại sẽ điều chuyển về Ngân sách nhà nước hoặc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

Dự thảo cũng quy định việc trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi theo hướng: nếu công ty nhà nước nào có phần lợi nhuận để trích lập hai quỹ này ít hoặc không có thì được lấy phần lợi nhuận giành để trích lập quỹ đầu tư phát triển bổ sung, nhưng mức trích lập cao nhất chỉ bằng 50% số lợi nhuận được chia trên vốn nhà nước. Mức trích hai quỹ cũng phụ thuộc vào mức độ hoàn thành chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước và số nộp Ngân sách nhà nước, tối đa là 3 tháng lương thực hiện của từng doanh nghiệp.

Đối với một số công ty đặc thù như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán đã chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp theo quy định của Luật Chứng khoán thì Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định cơ chế trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi riêng...

Những bất cập trong quy định về quy chế phân phối lợi nhuận trong Nghị định 199 rõ ràng đã được nhận ra. Nhưng hướng sửa đổi như thế nào vẫn chưa nhận được sự đồng thuận cao giữa các cơ quan liên quan. Theo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, số dư của quỹ dự phòng tài chính đối với các tổng công ty, tập đoàn theo quy định lên đến 25% vốn điều lệ là con số rất lớn, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng đối với các doanh nghiệp lớn, chỉ nên “trích 10% vào quỹ dự phòng tài chính, khi số dư bằng 5% vốn điều lệ thì không trích nữa”. Bộ Tài chính cho rằng, việc trích lập quỹ dự phòng tài chính là tạo cho doanh nghiệp có nguồn tài chính dự phòng rủi ro. Trong trường hợp số dư quỹ dự phòng tài chính chỉ bằng 5% vốn điều lệ, nếu không trích nữa, thì phần lợi nhuận trích lập các quỹ khác và bổ sung vốn nhà nước sẽ rất lớn; điều đó tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp có quy mô lớn với doanh nghiệp khác, cũng như giữa CBCNV của các doanh nghiệp này.

Ngoài ra, một số đơn vị đề nghị xem xét lại quy định mức trích quỹ khen thưởng, phúc lợi phụ thuộc vào mức độ hoàn thành chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước và số nộp Ngân sách nhà nước; vì ngoài chỉ tiêu nộp ngân sách năm sau hầu như được đề ra cao hơn hoặc bằng năm trước, việc phải đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước liên tục cao hơn năm trước là rất khó khăn... Theo lý lẽ của Bộ Tài chính, việc quy định lấy chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước trong năm so với năm trước để thúc đẩy doanh nghiệp tích cực rà soát giảm chi phí quản lý, chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường. Đồng thời, quy định trên cũng phù hợp với chỉ tiêu giám sát tại Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN ban hành kèm theo Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg ngày 6/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ...

Đỗ Hải
Đỗ Hải

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,273.11 4.33 0.34% 230,739 tỷ
HNX 241.54 1.53 0.63% 2,110 tỷ
UPCOM 93.07 0.37 0.4% 1,197 tỷ