Theo số liệu thống kê từ Báo cáo ngành Xi măng 2022, tháng 12/2022, toàn ngành xi măng sản xuất đạt 6,39 triệu tấn tăng nhẹ so với tháng 11, tiêu thụ nội địa trong tháng 12 tăng 3% so với tháng trước ước đạt 5,41 triệu tấn, nhưng vẫn giảm 12% so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng sản lượng tiêu thụ xi măng tại thị trường trong nước trong năm 2022 đạt 62,68 triệu tấn, gần tương đương và bằng 99,66% so với năm 2021.
Tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa trong quý 4/2022. |
Xuất khẩu xi măng và clinker trong năm qua ghi nhận sụt giảm rất mạnh so với thực hiện của năm ngoái. Dù trong tháng 12, tình hình xuất khẩu xi măng và clinker tại các thị trường truyền thống như Đài Loan, Bangladesh, Malaysia… đã được cải thiện đáng kể nhưng chưa thể bù đắp được mức giảm của nhiều tháng trước đó.
Riêng tại thị trường Trung Quốc vẫn giảm mạnh do nước này vẫn duy trì chính sách Zero Covid và thị trường Philippines giảm do vấn đề áp thuế phòng vệ đối với một số doanh nghiệp nhập khẩu từ Việt Nam.
Thành thử, tổng lượng xuất khẩu xi măng, clinker chỉ đạt 30,65 triệu tấn, giảm 33% so với cùng kỳ n ăm 2021. Trong đó, xuất khẩu xi măng đạt 15,68 triệu tấn, bằng 93% so với năm 2021, xuất khẩu clinker cả năm 2022 đạt 14,97 triệu tấn, chỉ bằng 80% so với năm 2021.
Tổng trị giá ngoại tệ thu về từ xuất khẩu xi măng, clinker trong năm 2022 đạt 1,36 tỷ USD, giảm 398 triệu USD so với 2021.
Như vậy, tổng lượng xi măng, clinker tiêu thụ trong năm 2022 chỉ đạt 93,33 triệu tấn, thấp hơn nhiều mức 108 triệu tấn của năm ngoái.
Năm 2023, khó khăn tiếp tục bủa vây ngành xi măng, sản xuất và tiêu thụ chưa thể sáng hơn do chi phí đầu vào tiếp đà tăng (giá than, vỏ bao, tiền lương, và có thể là giá điện sẽ được điều chỉnh...), trong khi khâu tiêu thụ nội địa vẫn u ám, do xây dựng dân dụng phục hồi chậm; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thị trường bất động sản dự báo tiếp tục trầm lắng do Nhà nước tiếp tục duy trì siết chặt phát hành trái phiếu, tín dụng bất động sản.
Kênh xuất khẩu chưa có do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại (trong đó tại Philippines bị áp thuế chống bán phá giá đối với xi măng, Trung Quốc phong tỏa cảng biển do vẫn duy trì chính sách Zero Covid dự kiến hết quý I năm 2023); Thêm vào đó, từ ngày 01/01/2023, Việt Nam áp thuế xuất khẩu clinker từ mức 5% lên mức 10% (theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ).
Ngoài ra, còn khó khăn từ nội tại ngành khi nguồn cung xi măng vượt cao so với nhu cầu (trong năm 2023 tiếp tục có một số dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động như Dây chuyền 4 - Xi măng Long Sơn, Dây chuyền 3 - Xi măng Xuân Thành, Xi măng Đại Dương, Xi măng Long Thành đưa nguồn cung xi măng lên khoảng 120,7 triệu tấn.
Dự báo, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước chỉ ở mức từ 64 - 65,5 triệu tấn, dẫn tới cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong bối cảnh các đơn vị sản xuất xi măng đứng trước áp lực phải tiêu thụ sản phẩm sản xuất ra, nhiều đơn vị phải thực hiện dừng lò nung/giảm năng suất chạy lò.