Theo ông Sưa, ngành thép thế giới trong những năm gần đây phát triển tương đối nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 2,5%.
Số liệu thống kê của VSA cho biết, sản xuất thép thế giới đạt 2 tỷ tấn/năm với năng lực tiêu thụ tương ứng khoảng 1,5 tỷ tấn/năm.
Hội thảo "Ngành thép Việt Nam, thăng trầm và triển vọng"
Tại Việt Nam, theo số lượng ước tính, năm 2016 tiêu thụ hơn 20 triệu tấn thép các loại với lượng thép tiêu thụ bình quân đầu người là 220 kg/người, tăng 10% so với năm 2015 và cao hơn mức trung bình của thế giới (khoảng 216 kg/người).
Tổng sản lượng sản xuất thép cả nước trong năm nay ước tính đạt 26,8 triệu tấn. Không dừng ở mức tăng trưởng này, ông Sưa cho rằng, nhu cầu tiêu thụ thép tại Việt Nam trong những năm tới vẫn sẽ rất lớn.
Theo dự báo của VSA, với nhu cầu phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng trong nước lớn, năm 2020 sản lượng thép Việt Nam dự kiến đạt 10 triệu tấn gang, 18 triệu tấn phôi thép và 22 triệu tấn thành phẩm.
Tầm nhìn tới năm 2025, sản lượng thép ước đạt 18 triệu tấn gang, 25 triệu tấn phôi thép và 30 triệu tấn thành phẩm.
Về tình hình nhập khẩu thép, 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu gần 17 triệu tấn thép các loại, trong đó chủ yếu là các sản phẩm thép cán nóng HRC. Sản lượng nhập khẩu thép phế và phôi thép giảm so với năm 2015 do doanh nghiệp đã chủ động được việc sản xuất.
Bên cạnh đó, việc áp thuế tự vệ đối với mặt hàng phôi thép cũng làm giảm lượng nhập khẩu đáng kể. Riêng các sản phẩm cuối cùng trong đó có thép hợp kim đã giảm mạnh nhập khẩu.
Tại Việt Nam, lượng thép tiêu thụ bình quân đầu người là 220 kg/người năm 2016, cao hơn mức trung bình của thế giới (khoảng 216 kg/người).
Theo ông Sưa, trên thực tế nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thép hợp kim dùng trong xây dựng tương đối thấp, chỉ khoảng vài trăm nghìn tấn mỗi năm nhưng do chính sách đẩy mạnh xuất khẩu của Trung Quốc nên trong hơn 7 triệu tấn thép hợp kim nhập khẩu mà Việt Nam nhập khẩu năm 2015 đa phần là những sản phẩm thép pha trộn.
Trước nhu cầu ngành thép gia tăng, theo ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu CTCP Chứng khoán Công thương Việt Nam (VietinbankSc), để tận dụng những lợi thế ngành các doanh nghiệp nên chú trọng khai thác những khâu còn khuyết trong chuỗi giá trị ngành, như sản xuất phôi dẹt, thép cuộn cán nóng và thép cơ khí chế tạo. Đặc biệt ở mảng sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC), vốn là sản phẩm phải nhập khẩu 100% từ bên ngoài, những biến động giá của HRC tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp.
9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu gần 17 triệu tấn thép các loại, trong đó chủ yếu là các sản phẩm thép cán nóng HRC
Xung quanh vấn đề này, nhiều nhà đầu tư cũng thắc mắc đến tác động môi trường trong việc sản xuất HRC gắn với công nghệ lò cao.
Hiện nay, ngoài Formosa thì dự án thép Cà Ná của Hoa Sen đang là những vấn đề thu hút quan tâm của dư luận.
Tuy nhiên, về phía Hiệp hội thép ông Sưa cho rằng, hàng năm Việt Nam phải nhập 9 triệu tấn HRC để phục vụ các hoạt động sản xuất xây dựng nên mục tiêu đặt ra phải tiếp tục đồng bộ cũng như lắp đầy chuỗi giá trị. Để gia tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như chủ động cho việc sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu, ông Sưa đưa ra quan điểm ủng hộ việc đầu tư các dự án của doanh nghiệp.
Về diễn biến giá, giá thép và nguyên liệu thép xuống mức đáy từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016 và bắt đầu hồi phục trở lại từ tháng 5/2016. Tuy nhiên theo các chuyên gia, giá nguyên liệu vẫn có những diễn biến tăng, giảm phức tạp và chưa cho thấy xu thế ổn định trở lại.
Cùng nằm trong nhóm ngành vật liệu xây dựng, giá các cổ phiếu ngành thép có mức tăng trưởng bình quân 45% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, thép Hòa Phát, thép Nam Kim là những doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng với mức tăng giá lần lượt 70% và hơn 236% so với thời điểm đầu năm.