Bánh chưng ngày Tết của người Thái đen Tây Bắc

Bánh chưng ngày Tết của dân tộc Thái đen rất độc đáo, có nhiều ý nghĩa sâu xa và thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông, với đất trời.
Bánh chưng ngày Tết của người Thái đen Tây Bắc. Bánh chưng ngày Tết của người Thái đen Tây Bắc.

Mỗi một loại bánh chưng của đồng bào Thái được làm ra để dâng lên thờ ông bà tổ tiên trong ngày Tết đều có ý nghĩa khác nhau.

Bà Cà Thị Thịnh, ở bản Co Pục, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La cho biết: “Từ ngày xưa truyền lại rằng, người thái gói bánh chưng ống và bánh chưng gù để thờ cúng tổ tiên trong ngày Tết có ý nghĩa là, bánh chưng gù là để ví cho con người sẽ được sống lâu trăm tuổi, gù như chiếc bánh.

Còn bánh chưng ống thì ngày xưa dân tộc ta phải chống giặc ngoại xâm nên gói bánh chưng ống để ví như súng để đánh giặc”.

Dù là bánh chưng ống, hay bánh chưng gù, để có được mẻ bánh chưng ngon, khâu chuẩn bị nguyên liệu rất quan trọng. Đầu tiên là lá dong, chọn lá to và đều, rửa sạch, lau khô.

Gạo nếp phải là nếp tan thơm, nhân đỗ xanh đãi sạch vỏ, không lẫn sạn và được đồ chín rồi giã nát ra. Thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái từng miếng dài rồi ướp chung với gia vị và hạt tiêu.

Bánh chưng ống thì dễ gói hơn, chỉ cần xúc đều gạo, đỗ, thịt lợn vào lá dong đã được vuốt phẳng, sau đó chắc tay gói lá, lạt buộc chặt là được. Còn để gói được bánh chưng gù phải là những người có bàn tay khéo léo mới gói được, nếu không bánh sẽ nứt góc khi luộc.

Bánh chưng gù của người Thái được gói giống hình một ngọn núi. Phần lưng lồi lên và được bao quanh bởi các đường lạt chạy ngang thân bánh.

Bánh nào có phần gù càng cao, cân đối thì càng đẹp và càng thể hiện được sự khéo léo của người phụ nữ. Chiếc bánh đẹp nhất sẽ được chọn để thờ cúng tổ tiên.

Cũng theo quan niệm của người Thái xưa, tài khéo léo khi gói bánh chưng còn là thước đo để chọn được nàng dâu đảm trong nhà.

Người con dâu nấu bánh chưng ngon, dền bánh, thơm vị đỗ chắc chắn sẽ đem lại nhiều may mắn, no đủ và một vụ mùa thắng lợi cho gia đình trong năm mới.

Bánh chưng ngày Tết của người Thái đen Tây Bắc ảnh 1

Người con dâu nấu bánh chưng ngon, dền bánh, thơm vị đỗ chắc chắn sẽ đem lại nhiều may mắn.

Bà Cà Thị Thịnh cho biết thêm về cách gói bánh chưng gù của người Thái: “Để gói bánh chưng, đầu tiên phải chuẩn bị gạo nếp, lá dong, đỗ xanh và thịt lợn. Gạo để gói bánh chưng phải là gạo nếp tan nó mới mềm và thơm.

Lá dong thì phải lựa chọn lá to nó mới gấp được khi gói bánh chưng gù. Thịt lợn thì chọn thịt lợn ba chỉ mang về rửa sạch rồi thái từng miếng dài, sau đó đập thêm một ít củ hành khô và cho hạt tiêu vào để ướp cho nó thơm và ngon.

Đỗ xanh thì phải được tách vỏ ngâm qua đêm sau đó mới đồ chín rồi giã nát ra đó mới bắt đầu gói”.

Sau khi gói xong bánh sẽ được xếp vào nồi, lá bánh còn thừa bà con sẽ dùng để lót đáy nồi vừa cho thêm hương và giữ nhiệt khi đun.

Bánh chưng được luộc bằng củi sẽ thơm ngon và nhừ hơn. Dù là bánh ống, hay bánh gù, khâu luộc bánh vẫn phải đảm bảo từ 7 đến 8 tiếng, cho đến khi bánh chín, dậy mùi thơm.

Khoảng thời gian này cũng là thời điểm đặc biệt để các thành viên trong nhà quây quần tâm sự về những điều làm được và mong muốn trong năm sau.

Ngoài để thờ cúng tổ tiên thì bánh chưng của người Thái đen còn được dùng trong các bữa cơm Tết mời bà con trong họ hàng, đặc biệt là bữa cơm tất niên của người Thái thì phải có bánh chưng.

Cùng với rượu và thịt khô gác bếp thì sự có mặt của bánh chưng với mùi thơm của lá dong rừng hòa quyện với mùi bánh thơm ngon đem lại hương vị hấp dẫn cho bánh chưng dân tộc Thái trong mâm cơm và còn thể hiện được sự ấm no của gia đình trong năm mới.

Trong những ngày Tết, mỗi khi có khách đến nhà chúc Tết, gia chủ sẽ không quên mang bánh chưng ra để đãi khách.

Ngoài ra, trong các gia đình người thái khi con cháu về thăm ông bà thì ông bà sẽ chuẩn bị bánh chưng để làm quà khi con cháu quay về nhà. Đây cũng là phong tục đồng bào lưu truyền từ xưa đến nay.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục