Tại một hội thảo về quản trị công ty dành cho các doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức mới đây, ông Trần Túc Mã, Tổng giám đốc CTCP Traphaco đặt câu hỏi với đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước: “Thế nào là kế toán viên hoặc kiểm toán viên chuyên nghiệp?”. Đây là tiêu chuẩn bắt buộc theo quy định đối với chức danh trưởng ban kiểm soát của một công ty đại chúng.
Trước đó, ở một số doanh nghiệp niêm yết, ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, doanh nghiệp đã phải bầu lại ban kiểm soát và trưởng ban kiểm soát do nhân sự hiện tại không đáp ứng đủ tiêu chuẩn như trên.
Câu hỏi của ông Mã khiến ngay cả đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại buổi hội thảo cũng tỏ ra khá lúng túng. Câu trả lời của vị này là trong các quy định hiện hành của Việt Nam, còn chưa rõ khái niệm về kế toán viên. Kế toán viên chưa có thì nói gì đến kế toán viên chuyên nghiệp (!?).
Còn ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc CTCP Nhựa Bình Minh lại có thêm băn khoăn về quy định trưởng ban kiểm soát phải làm việc chuyên trách tại Công ty. Có thể hiểu quy định này như thế nào? Trưởng ban kiểm soát chỉ làm riêng phần việc của trưởng ban kiểm soát hay chuyên trách theo cách dịch từ tiếng Anh của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM hoặc các công ty trên thế giới là làm việc toàn thời gian (full-time) tại công ty. Hai khái niệm này là hoàn toàn khác nhau vì làm việc toàn thời gian ở doanh nghiệp không nhất thiết phải đảm nhận một công việc?
Nghị định 71/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/8/2017, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải thực thi các yêu cầu mới về điều kiện cho chức danh trưởng ban kiểm soát từ mùa đại hội đồng cổ đông thường niên 2018. Nếu các quy định không cụ thể và có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau như hiện nay, liệu doanh nghiệp có dễ bị kết luận vi phạm và bị xử phạt một cách oan uổng?