Tại Hội thảo "Cộng hưởng sức mạnh đầu tư vì một Việt Nam thịnh vượng" do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, bà Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng Bộ phận Tư vấn Phát triển bền vững và Lãnh đạo Khối Cơ sở hạ tầng, Chính phủ và Y tế của KPMG Việt Nam và Campuchia đã chia sẻ tính cấp thiết của việc thực thi các tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) tại Việt Nam.
Hiện tại, việc đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về ESG đang trở thành yếu tố tiên quyết để thu hút đầu tư nước ngoài.
"Yếu tố đầu tiên là về Môi trường. Có rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng đến với KPMG và cho biết họ không thể cam kết đầu tư vào Việt Nam nếu không có sự đảm bảo ít nhất 50% năng lượng tiêu thụ trong hoạt động là năng lượng xanh.
Hay trong lĩnh vực bất động sản, ngày càng nhiều nhà đầu tư yêu cầu đặt trụ sở tại những toà nhà có chứng chỉ Công trình xanh", bà Hà cho biết.
Một điểm nữa cũng rất sát sườn với các doanh nghiệp sản xuất là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) bắt đầu đi vào hoạt động từ 1/10/2023. Theo đó, tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) trong các lĩnh vực công nghiệp có cường độ carbon cao, chẳng hạn sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón và điện, sẽ phải nằm trong phạm vi điều chỉnh của cơ chế CBAM. CBAM có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì Việt Nam là nước xuất khẩu nhiều vào EU.
Các doanh nghiệp phải nhận thức được rằng, phát thải được tính cho hàng hóa không chỉ đơn giản phát sinh trong quá trình sản xuất, mà còn cả từ nguyên liệu đầu vào, hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu, như vậy các doanh nghiệp cũng phải báo cáo hàng hóa đầu vào.
|
Bà Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng Bộ phận Tư vấn Phát triển bền vững và Lãnh đạo Khối Cơ sở hạ tầng, Chính phủ và Y tế của KPMG Việt Nam và Campuchia |
Về yếu tố Xã hội và Quản trị, trong khoảng 18-24 tháng gần đây, KPMG nhận rất nhiều yêu cầu của các công ty toàn cầu liên quan đến việc kiểm tra nhà cung cấp, nguồn cung ứng có trách nhiệm, đảm bảo an toàn lao động, không sử dụng lao động trẻ em, đảm bảo đối xử công bằng và bình đẳng giới. Nếu nhà cung cấp Việt Nam không đáp ứng được những nhu cầu đó, các công ty này sẽ tìm đối tác mới.
KPMG cũng tham gia tư vấn rất nhiều các hoạt động mua bán sáp nhập ở Việt Nam. Nếu như trước đây, các khách hàng chỉ quan tâm nhiều về thẩm định tài chính thì thời gian gần đây, tương thích về ESG cũng là một yếu tố quyết định để đầu tư hoặc đặt ra giới hạn đầu tư.
Như vậy, chúng ta thấy các yêu cầu về ESG ngày càng trở nên nóng hổi, và có tác động trực tiếp vào việc thu hút đầu tư từ nước ngoài. Câu hỏi đặt ra là Chính phủ Việt Nam đã có động thái gì và đưa ra các khung pháp lý như thế nào để trợ giúp các doanh nghiệp ở Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu đó?
Gần đây nhất, năm 2022, Nghị định 06/2022/NĐ-CP là Nghị định đầu tiên nói về việc giảm thải carbon. Sau đó, Chính phủ yêu cầu 2.000 doanh nghiệp ở Việt Nam phải báo cáo về phát thải carbon và đưa ra lộ trình về giảm khí thải.
“Tuy nhiên, ESG nhìn chung vẫn là một khái niệm mới ở Việt Nam, và KPMG muốn nhấn mạnh rằng, khía cạnh này đang trở nên cực kỳ quan trọng. Nếu Việt Nam muốn trở thành một điểm sáng về thu hút đầu tư, chúng ta cần có các biện pháp kịp thời cả về khung pháp lý và đào tạo con người để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra được một môi trường ESG theo tiêu chuẩn quốc tế”, bà Hà cho biết.